Dãy số đặc biệt trên tên lửa hành trình Nga dùng để tập kích Ukraine
(Dân trí) - Một tổ chức nghiên cứu ở Anh phát hiện dãy số đặc biệt trên các tên lửa hành trình Kh-101 mà Nga sử dụng để tập kích Ukraine trong thời gian qua.
Ngày 6/12, tổ chức chuyên nghiên cứu vũ khí Conflict Armament Research (CAR) có trụ sở tại Anh công bố một báo cáo về các tên lửa hành trình Nga sử dụng để tập kích Ukraine vào tháng 11.
Dựa trên dãy số đặc biệt trên mảnh vỡ tên lửa, các chuyên gia nhận định một số vũ khí dường như đã được Nga sản xuất trong thời gian qua, tức là sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt Moscow vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nhóm điều tra viên của CAR có mặt tại Kiev vào thời điểm diễn ra các vụ tấn công đã tiếp cận mảnh vỡ của các tên lửa phóng vào thủ đô Ukraine.
"Chúng là những tên dẫn đường không đối đất Kh-101, một mẫu tên lửa hành trình thế hệ mới nhất của Nga được đưa vào trang bị từ năm 2013. Mảnh vỡ còn sót lại cho thấy một trong số chúng dường như được sản xuất từ tháng 7-9, và một mảnh khác cho thấy thời điểm xuất xưởng của chúng vào khoảng tháng 10-11", báo cáo viết.
CAR đính kèm báo cáo các bức ảnh mà họ mô tả là mảnh tên lửa Kh-101 được Nga dùng để tập kích Ukraine tháng trước. Họ cho biết, số hiệu của một trong các mảnh vỡ có cụm số "33208", tức là nó có thể được sản xuất trong quý 3 năm nay. Trong khi đó, một mảnh vỡ khác có số "34210". CAR nói rằng, nó có nghĩa là tên lửa trên dường như được sản xuất vào quý 4 năm 2022.
Những giả thuyết về vũ khí Nga
Theo chuyên trang quân sự 19fortyfive, nếu phát hiện của CAR là chính xác, điều đó cho thấy Nga vẫn đang tiếp tục sản xuất vũ khí, dù thiếu linh kiện phương Tây. Trước đó, nhiều nghiên cứu về vũ khí Nga đã kết luận Moscow đang gặp khó trong việc sản xuất thêm khí tài vì các lệnh cấm vận từ phương Tây.
Hồi tháng 8, Viện nghiên cứu Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tại London cho biết, chuyên gia của họ đã xem xét, phân tích 27 hệ thống vũ khí của Nga tìm được ở Ukraine, trong đó có tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV).
Kết quả cho thấy, hơn 2/3 linh kiện, tương đương hơn 450 linh kiện, do nước ngoài sản xuất, chủ yếu là Mỹ, ngoài ra còn có các nước khác như Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chuyên gia của RUSI, ông Jack Watling, nhận định nếu phương Tây siết các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện quân sự, Nga có thể khó tìm được nguồn cung thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất các khí tài như tên lửa hành trình.
Theo 19fortyfive, Nga có thể đã tìm được linh kiện thay thế từ các nhà cung cấp khác. Mặt khác, vì Nga là cường quốc quân sự nên cũng có khả năng họ tự chủ được việc sản xuất các linh kiện này trong nước sau khi bị phương Tây cấm vận nguồn cung.
Thêm vào đó, 19fortyfive nhận định, Nga cũng có khả năng đang đối mặt với tình trạng hết vũ khí trong kho dự trữ nên họ phải sử dụng khí tài mới được sản xuất.
Trong một phát biểu trước đó, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines nhận định rằng, tốc độ sử dụng đạn pháo, hỏa lực của Nga dường như đang nhanh hơn tốc độ Moscow sản xuất bù đắp vào kho vũ khí.
Phương Tây tin rằng, kho vũ khí của Nga có thể đã cạn kiệt sau 9 tháng xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ đồn đoán này.
"Đối phương tiếp tục tính toán cẩn thận các vụ phóng và kho dự trữ vũ khí của chúng tôi. Nhưng họ phải hiểu rằng họ đang hy vọng vô ích rằng chúng ta cạn kiệt vũ khí. (Những vụ phóng) còn tiếp tục. Đủ cho tất cả mọi người", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev bình luận cuối tháng trước.