1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đâu là cuộc chiến thực sự ở Iran?

(Dân trí) - Cuộc chiến thực sự ở Iran hiện nay không phải là giữa Tổng thống đắc cử Mahmoud Ahmadinejad và thủ lĩnh đối lập thất cử Mir Hossein Mousavi, mà thực chất là xoay quay chiếc ghế đầy quyền lực của lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Đâu là cuộc chiến thực sự ở Iran?  - 1

Thủ lĩnh tinh thần Ayatollah Ali Khamenei

Kênh truyền hình tiếng Ảrập Al –Arabiya hôm qua đưa tin dù đám đông biểu tình dường như tạm bị dẹp, nhưng căng thẳng chính trị ở Iran vẫn đang tăng với việc các quan chức cấp cao ở nước cộng hoà Hồi giáo này đang xem xét liệu có nên phế truất lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei hay không. Hãy mổ xẻ căng thẳng hiện nay từ mối quan hệ của những nhân vật chính trong cuộc chiến quyền lực này.

 

Nhân vật trung tâm đầu tiên là Mahmoud Ahmadinejad, Tổng thống hết nhiệm kỳ có tư tưởng bảo thủ, đã giành chiến thắng ngay từ vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống ngày 12/6 vừa qua với 63% số phiếu.

 

Ahmadinejad có được kết quả này là nhờ sự ủng hộ của quân đội và nhất là các tầng lớp nhân dân nghèo. Là con trai của một thợ rèn, sinh ra tại một ngôi làng nhỏ bé và nghèo nàn, Ahmadinejad được coi là ứng cử viên của người nghèo và là người gần gũi nhất với các vấn đề thường nhật của người dân.

 

Nhưng một trong những nhân tố chủ chốt tạo nên thắng lợi của Ahmadinejad lại là sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, người đã khuyến khích một cách gián tiếp nhân dân bầu cho ông Ahmadinejad.

 

Ali Khamenei đã từng giữ hai nhiệm kỳ tổng thống và trở thành lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran vào năm 1989. Kể từ đó, ông đã thâu tóm nhiều quyền lực của lực lượng an ninh, các thể chế quan trọng mang tính quyết định như Hội đồng Vệ binh, tổng thống, Quốc hội và lực lượng Vệ binh Cách mạng. 

 

Khamenei tuyên bố ủng hộ chiến thắng của ông Ahmadinejad chưa đầy 24 giờ sau khi các cuộc bầu cử kết thúc vào ngày 12/6. Hai ngày sau khi các cuộc biểu tình nổ ra, Khamenei đã chỉ thị cho Hội đồng Vệ binh xem xét những cáo buộc gian lận mà thủ lĩnh đối lập thất cử Mousavi đưa ra.

 

Cơ quan duy nhất có thể thách thức công việc của lãnh tụ tối cao chính là Hội đồng Các chuyên gia do cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani- hiện là đối thủ mạnh nhất của Khamenei, đứng đầu.

 

Cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani là người mà kênh truyền hình Al –Arabiya gọi là nhân vật chính trong mọi động thái nhằm lật đổ thủ lĩnh tinh thần Khamenei.

 

Rafsanjani đứng đầu hai tổ chức đầy thế lực là Hội đồng Điều giải (cơ quan trọng tài cho Quốc hội và Hội đồng Vệ binh) và Hội đồng Các chuyên gia (có quyền loại bỏ quyền lực của lãnh tụ tối cao).   

 

Al-Arabiya dẫn nguồn tin an ninh cấp cao cho rằng Rafsanjani, Hội đồng Chuyên gia và Hội đồng Vệ binh đã đồng ý phế truất lãnh tụ tối cao Khamenei, nhưng không có ý định bổ nhiệm một nhân vật vào vị trí này ở thời điểm hiện nay. Có tin là Rafsanjani đã ủng hộ Ayatollah Ali al-Sistani, một trong những nhà lãnh đạo dòng Shiite đầy thế lực vào vị trí này. Tuy nhiên, Rafsanjani vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào kể từ khi cuộc bầu cử diễn ra hôm 12/6.

 

Nếu Khamenei bị phế truất, vị trí của Tổng thống đắc cử Ahmadinejad cũng sẽ bị loại bỏ.

 

Còn thủ lĩnh đối lập Mir Hossein Moussavi, một nhà bảo thủ ôn hòa chỉ giành được 34% số phiếu trong cuộc đua với đương kim Tổng thống Ahmadinejad. Là nhân vật chính trong căng thẳng kéo dài nhiều ngày qua ở Iran, nhưng dường như ông này không thể tự lãnh đạo phong trào phản kháng. Dù vậy, những thông cáo của ông Mousavi cùng các cuộc biểu tình trên đường phố vừa qua là thách thức lớn nhất cho chính quyền nước cộng hòa Hồi giáo Iran trong lịch sử 30 năm này.

 

Nguyễn Viết
Tổng hợp