DMagazine

Đằng sau chiến lược của Nga "đóng băng" xung đột ở Ukraine

(Dân trí) - Rút khỏi Kherson, Nga dường như đang thay đổi đáng kể chiến lược, lui về phòng thủ ở các lãnh thổ đã kiểm soát trong khi tăng cường các cuộc tập kích diện rộng vào hạ tầng năng lượng của Ukraine.

ĐẰNG SAU CHIẾN LƯỢC CỦA NGA "ĐÓNG BĂNG" XUNG ĐỘT Ở UKRAINE

Sau khi rút khỏi Kherson, Nga dường như đang thay đổi đáng kể chiến lược, lui về phòng thủ ở các lãnh thổ đã kiểm soát trong khi tăng cường các cuộc tập kích diện rộng vào hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Đầu tháng11, tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, tướng Sergei Surovikin, đã đưa ra một quyết định "vô cùng khó khăn": rút quân khỏi thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine. Chỉ trong vòng vài ngày, Nga tuyên bố đã hoàn tất việc di chuyển binh sĩ và thiết bị quân sự từ bờ tây sang bờ đông sông Dnipro - con sông đang phân chia chiến tuyến giữa Nga và Ukraine ở Kherson.

Quyết định này cũng đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của Moscow. Giới quan sát cho biết, thay vì tiếp tục tấn công, mở rộng kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine, giờ đây Nga tập trung phòng thủ cho các vùng đã kiểm soát, đồng thời tăng cường tập kích diện rộng vào hạ tầng năng lượng của Kiev.

PHÒNG THỦ VÀ "ĐÓNG BĂNG"

Các thông tin tình báo và ảnh chụp vệ tinh của phương Tây cho thấy, sau khi rút khỏi Kherson, Nga có xu hướng tăng cường phòng thủ cho các vùng lãnh thổ đã kiểm soát trước đó bằng việc đặt cược vào mạng lưới chiến hào.

Thiếu tướng Vadym Skibitskyi, phó lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraine, cho biết khoảng 30.000 binh lính Nga đã rút quân khỏi bờ Tây của sông Dnipro đầu tháng 11 và đang đào hào xung quanh Zaporizhia và Kherson.

"Nga đang chờ cuộc tấn công của chúng tôi. Đó là lý do tại sao họ xây dựng tuyến phòng thủ ở Kherson cùng một tuyến phòng thủ khác ở ranh giới hành chính giữa Kherson và Crimea cũng như ở khu vực phía Bắc Crimea".

Ông Skibitskiy nói: "Theo hướng Kryvyi Rih và Kherson, đối phương đang xây dựng hệ thống phòng thủ, cải thiện các thiết bị công sự và hỗ trợ hậu cần cũng như không ngừng nã pháo vào các vị trí của chúng tôi ở hữu ngạn sông Dnipro".

Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ ngày 28/11 phân tích các ảnh chụp vệ tinh cũng cho thấy, Nga đang đào chiến hào và củng cố các vị trí phòng thủ ở bờ đông sông Dnipro. Đây được xem là khu vực quan trọng vì nếu Ukraine có thể vượt sông Dnipro và kiểm soát nốt bờ đông, họ sẽ tiến rất sát đến bán đảo Crimea - lãnh thổ sáp nhập vào Nga năm 2014.

Theo ISW, quân đội Nga thiết lập "các tuyến phòng thủ nhiều lớp" trong khi củng cố các công sự trên và xung quanh mũi đất Kinburn, một khu vực trọng yếu ở khu vực Biển Đen. Nga kiểm soát mũi Kinburn, gắn liền với bán đảo Kinburn, từ tháng 6 và Ukraine vẫn đang quyết giành lại khu vực chiến lược này.  

Đằng sau chiến lược của Nga đóng băng xung đột ở Ukraine - 1

Nga rút khỏi thành phố Kherson đầu tháng 11, lui về phòng thủ ở bờ đông sông Dnipro (Đồ họa: AA).

Ở mặt trận miền Đông, các ảnh chụp vệ tinh của công ty Planet Labs cho thấy, Nga lập mạng lưới chiến hào với chiều dài dự kiến gần 200km xuất phát từ thành phố Popasna do Nga nắm giữ ở phía nam Lugansk và khu vực gần thị trấn Hirsk. Theo hình ảnh từ vệ tinh, có nhiều khối bê tông hình kim tự tháp nằm cạnh những đường rãnh lớn, được sử dụng để ngăn xe tăng và các phương tiện cơ giới hạng nặng.

Các chuyên gia của tạp chí quân sự Jane's nhận định, mạng lưới chiến hào mà Nga đang thiết lập "lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều so với những chiến hào mà họ thiết lập trước đó trong cuộc xung đột". Mạng lưới này đi qua những khu vực được đánh giá có ý nghĩa chiến lược.

Theo Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn độc lập về quốc phòng và hàng không vũ trụ Rochan (Ba Lan), phòng tuyến của Nga rất chắc chắn, khó tìm ra sơ hở. Do vậy, nếu quân đội Ukraine càng tiến sâu, tổn thất sẽ càng lớn.

"Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo ra những điều kiện cần thiết để phát động một cuộc tiến công tổng lực nhằm đẩy lùi hoàn toàn lực lượng của Nga", ông Muzyka đánh giá.

Nga dường như đang tính toán rằng việc quân đội Ukraine thiếu đạn dược, xe thiết giáp, máy bay chiến đấu, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không sẽ khó chọc thủng tuyến phòng thủ kiên cố mà họ đã dày công xây dựng, trong khi Nga có thể duy trì lực lượng trong chiến hào một thời gian dài.

Cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, tướng Mark Hertling nhận định, Nga dường như đang hướng tới việc "đóng băng" giao tranh với Ukraine để tận dụng thời gian nhằm tập hợp lại lực lượng trong mùa đông khắc nghiệt trước khi tấn công trở lại.

Nếu Nga đạt được mục tiêu "đóng băng" xung đột, điều này có thể càng khiến phương Tây mệt mỏi sau một thời gian dài viện trợ cho Ukraine. Trên khắp châu Âu, các cuộc biểu tình, tuần hành đòi giảm bớt viện trợ vũ khí cho Ukraine ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Khi đó, các nước này nhiều khả năng sẽ gây sức ép lên Ukraine để đưa ra những thỏa hiệp nhất định nhằm chấm dứt xung đột.

Báo Washington Post cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang ngầm khuyến khích Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley mới đây gợi ý rằng đã đến lúc Ukraine cần "củng cố lợi ích của họ" trên bàn đàm phán với Nga trước khi mùa đông bắt đầu.

Tuy Tổng thống Biden khẳng định Washington và đồng minh không thúc ép Kiev hòa đàm và nhượng bộ Moscow, song nếu những tiếng nói theo xu hướng này ngày càng mạnh mẽ hơn ở phương Tây - nguồn viện trợ quân sự chính cho Ukraine - thì Kiev có thể phải tính đến việc tìm một giải pháp chính trị.

CHIẾN THUẬT "MƯA" TÊN LỬA

Đằng sau chiến lược của Nga đóng băng xung đột ở Ukraine - 2

Nga tăng cường tập kích tên lửa diện rộng vào hạ tầng năng lượng Ukraine. Trong ảnh: Lính cứu hỏa chữa cháy ở Kiev sau một cuộc tập kích của Nga hôm 10/10 (Ảnh: Reuters).

Trong khi tìm cách "đóng băng" cuộc chiến trên mặt đất, Nga vẫn tăng cường các cuộc tập kích nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine để gia tăng áp lực lên chính quyền Kiev.

Kể từ đầu tháng 10, các tàu chiến, máy bay Nga liên tiếp tập kích tên lửa diện rộng vào hạ tầng năng lượng của Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm 28/11 cho hay, trong 9 tháng xung đột, Moscow đã khai hỏa hơn 16.000 tên lửa, trong đó hơn 200 tên lửa nhắm vào các cơ sở năng lượng của nước này. Hơn một nửa hạ tầng điện của Ukraine bị phá hủy, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh mất điện, mất nước, không được sưởi ấm khi mùa đông về.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích các cuộc không kích của Nga là điều không thể tưởng tượng được trong thế giới hiện đại. "Đây là sự việc chưa từng xảy ra trong nhiều năm, có lẽ là 80 năm hay 90 năm khi mà một quốc gia ở châu Âu hoàn toàn không có điện để chiếu sáng", ông nói.

Kế hoạch của Nga là làm nhụt trí người Ukraine bằng cách gây mất điện và hệ thống sưởi, kéo căng sức chịu đựng của Ukraine, buộc quân đội nước này phải san bớt nguồn lực bảo vệ hạ tầng trọng yếu.

Newsweek dẫn nhận định của chuyên gia Nikolas Gvosdev cho rằng, nếu các cơ sở hạ tầng của Ukraine như nhà máy, điện, nước, tuyến đường giao thông tiếp tục chịu thiệt hại trong thời gian tới, điều đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiếp viện cho tiền tuyến của Ukraine. Các nỗ lực phản công của Kiev trên tiền tuyến cũng có nguy cơ chậm lại.

Tất nhiên, Ukraine không muốn một cuộc xung đột đóng băng khi mà họ đang có lợi thế tiếp tục phản công ngay cả khi tốc độ chậm lại. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 19/11 cảnh báo, nếu xung đột đóng băng, nó sẽ trở thành một "quả bom hẹn giờ giữa lòng châu Âu có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào".

Theo báo Politico, dù đà tiến công có thể giảm tốc, nhưng sẽ không đóng băng ở các khu vực Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine, bất chấp những nhiệt độ băng giá và tuyết phủ. "Giao tranh sẽ diễn ra cả ngày lẫn đêm, bất kể thời tiết như thế nào", bác sĩ quân y và cựu nghị sĩ Ukraine Yegor Firsov đánh giá từ tiền tuyến miền Đông.

Bộ Quốc phòng Ukraine cũng khẳng định kế hoạch là duy trì sức ép với lực lượng của Nga trong suốt mùa Đông. "Những người nói về khả năng đóng băng xung đột do mùa đông có thể chưa bao giờ tắm nắng vào tháng 1 ở bờ biển phía nam Crimea", Bộ Quốc phòng Ukraine đăng dòng tweet hôm 22/11.

THÁCH THỨC VỚI UKRAINE

Đằng sau chiến lược của Nga đóng băng xung đột ở Ukraine - 3

Ukraine đối mặt với một cuộc chiến nhiều thách thức hơn trong mùa đông (Ảnh minh họa: AFP).

Ukraine đang đứng trước hai kịch bản một mùa đông khắc nghiệt hoặc ôn hòa.

Mùa đông ôn hòa sẽ giúp giảm bớt khó khăn của người Ukraine trong bối cảnh hạ tầng năng lượng bị hư hại nặng nề do các cuộc tập kích của Nga. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với địa hình chiến trường trở nên lầy lội hơn, việc di chuyển của binh sĩ và các xe quân sự khó khăn hơn, cản trở đà tiến công.

Nếu mùa đông khắc nghiệt, địa hình đóng băng cho phép hai bên di chuyển lực lượng dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, điều này cũng kéo theo bất lợi cho Nga bởi xe tăng và các thiết bị chiến đấu của họ sẽ không thể ẩn mình dưới những tán cây trơ trụi.

Mặc dù vậy, các cứ điểm của Nga đã được củng cố vững chắc hơn, nhiều lớp lang hơn, đòi hỏi Ukraine phải rất nỗ lực để có thể xuyên thủng các tuyến phòng thủ của đối phương. Hơn nữa, Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và binh sĩ bị kiệt sức sau gần một năm chiến đấu.

Trong khi đó, Nga đã rút khỏi Kherson, đồng nghĩa với họ có thể dồn lực lượng, tấn công mạnh ở những mặt trận khác. Phía Ukraine cho biết, Nga không chỉ triển khai tân binh theo sắc lệnh động viên một phần, mà còn điều động lực lượng tinh nhuệ giàu kinh nghiệm chiến đấu, các máy bay không người lái yểm trợ mặt trận miền Đông.

Theo giới phân tích, trong những tháng mùa đông tới, Ukraine có thể tiếp tục chiến dịch tiến công ở Kherson, tìm cách vượt sông Dnipro, nhưng có thể giảm quy mô và tần suất. Ngược lại, kế hoạch tiến công từ thành phố Zaporizhia về phía nam để cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Nga sẽ khó thực hiện do bất lợi về thời tiết.

Chuyên gia của ISW, ông Mason Clark, cho rằng từ nay cho đến tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau, Ukraine sẽ chưa thể tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn nào, thay vào đó là những cuộc tiến công nhỏ để giành lại từng phần lãnh thổ.

Ở hậu phương, người Ukraine đang ra sức chuẩn bị ứng phó với một mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử. Chính phủ kêu gọi người dân tiết kiệm điện và đưa ra những hướng dẫn chi tiết để sống chung với tình trạng mất điện có thể kéo dài đến hết tháng 3 năm sau.

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko đã kêu gọi hơn 3 triệu cư dân thủ đô dự trữ đủ nước, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Chính quyền của ông cũng thiết lập hàng nghìn "trung tâm bất khả chiến bại", nơi người dân có thể đến để sưởi ấm, nhận đồ ăn, nước uống và những nhu cầu khác.

 Chính phủ Ukraine kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây viện trợ nhiều hệ thống phòng không uy lực hơn để bảo vệ hạ tầng trọng yếu trước những cuộc tập kích của Nga. Họ cũng kêu gọi phương Tây viện trợ nhiều hệ thống phòng không hơn nhằm hạn chế những thiệt hại do Nga gây ra với các công trình dân sự.

Minh Phương

Theo Newsweek, New York Times, Reuters, BBC

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine