1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đan Mạch “sốc” sau khi ông Trump bất ngờ hủy chuyến thăm vì bị khước từ mua Greenland

(Dân trí) - Giới chính trị và dư luận Đan Mạch rất “bất ngờ” trước quyết định bất ngờ hủy chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump vì Copenhagen đã từ chối bán đảo tự trị Greenland cho Washington trước đó.

Đan Mạch “sốc” sau khi ông Trump bất ngờ hủy chuyến thăm vì bị khước từ mua Greenland - 1

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Trên Twitter, Tổng thống Trump ngày 20/8 viết rằng do Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói rằng bà không hứng thú để bàn bạc về việc bán Greenland, ông sẽ hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch vào 2 tuần tới và chuyển nó sang một dịp khác.

Trước đó, ông Trump, người nổi danh trong lĩnh vực mua bán bất động sản, đã gọi ý tưởng mua hòn đảo lớn nhất thế giới là “một thương vụ bất đông sản lớn”. Ông cho rằng Greenland đang gây gánh nặng cho Đan Mạch về mặt kinh tế và Copenhagen nên hào hứng với đề nghị của ông.

Tuy nhiên, bà Frederiksen đã gọi đề xuất của ông Trump về việc mua Greenland là “vô lý” và họ sẽ không bao giờ bán đi hòn đảo chỉ khoảng 55.000 dân.

Trả lời báo chí ngày 21/8, Thủ tướng Đan Mạch nhận định về động thái hủy gặp của ông Trump: “Tôi cảm thấy khó chịu và ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ hủy chuyến thăm. Tuy nhiên, Đan Mạch và Mỹ không ở trong tình trạng khủng hoảng. Washington vẫn là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Đan Mạch” và lời mời thăm quốc gia châu Âu vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod đồng thuận với ý kiến trên, nhấn mạnh ông đã có “một cuộc trò chuyện thẳng thắn, thân thiện và xây dựng” với người đồng cấp từ Mỹ Mike Pompeo. Việc ông Trump hủy thăm cấp nhà nước trên Twitter đã nhận được phản ứng khá gay gắt từ dư luận Đan Mạch.

“Thực tế đã vượt qua hẳn những gì mà tôi có thể tưởng tượng. Ông ấy thật khó đoán biết”, chính trị gia Morten Ostergaard thuộc đảng Xã hội Tự do nằm trong liên minh cầm quyền, cho hay.

“Không vì một lý do nào hết, ông Trump tự cho là một phần của Đan Mạch có thể đem ra mua bán. Sau đó, ông từ hủy chuyến thăm mà mọi người đã chuẩn bị trong thời gian qua”, thành viên của đảng Bảo thủ đối lập Rasmus Jarlov nhận định.

"Vậy là ông Trump đã hủy thăm Đan Mạch vì Copenhagen không hứng thú với việc bán Greenland? Đây có phải là trò đùa hay không? (Động thái này) gây xúc phạm sâu sắc tới người dân Đan Mạch và Greenland", cựu Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt nói. 

"Hoàn toàn hỗn loạn với việc ông Donald Trump hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch. Mọi chuyện đã chuyển dịch từ một cơ hội lớn tăng cường các cuộc đối thoại giữa các đồng minh trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao", cựu Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen  bình luận.

Mỹ "tố" Đan Mạch xúc phạm

Ngày 21/8, Tổng thống Trump đã chỉ trích lời từ chối bán đảo Greenland cho Mỹ của bà Frederiksen là “đầy mỉa mai và khó chịu” và thiếu tôn trọng Washington.

“(Mua) Greenland chỉ là 1 ý tưởng, 1 suy nghĩ. Nhưng tôi nghĩ khi họ nói rằng điều đó thật “vô lý”, họ đã sử dụng cách nói thể hiện sự rất khó chịu và đầy mỉa mai. Vì vậy, tôi đã nói là chúng tôi sẽ gặp nhau vào một thời điểm nào đó”, ông Trump lý giải vì sao hoãn chuyến thăm Đan Mạch.

“Chúng tôi sẽ tới Đan Mạch. Tôi yêu Đan Mạch. Tôi từng tới Đan Mạch. Và thẳng thắn mà nói, chúng tôi sẽ thăm nước này vào dịp khác”, ông Trump cho hay, đồng thời chỉ trích bà Frederiksen về giọng điệu phản ứng của bà.

“Bà ấy có thể chỉ nói là không, chúng tôi sẽ không làm vậy (bán Greenland) thay vì cách mà bà ấy “thổi tung” mọi thứ đi như vậy. Bà ấy không đang nói chuyện với tôi, bà ấy đang nói với nước Mỹ. Bà ấy không nên nói vậy với nước Mỹ, ít nhất trong nhiệm kỳ của tôi”, ông Trump lý giải, cáo buộc bà Frederiksen “xúc phạm” Mỹ.

Đức Hoàng

Theo CNA