1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ông Trump hủy họp với Thủ tướng Đan Mạch vì bị khước từ đề xuất mua đảo Greenland

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ hủy cuộc họp dự kiến với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen vì bà tỏ ra không hứng thú với đề xuất của ông về việc mua đảo lớn nhất thế giới Greenland.

Ông Trump hủy họp với Thủ tướng Đan Mạch vì bị khước từ đề xuất mua đảo Greenland - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Trên Twitter, Tổng thống Trump ngày 20/8 viết: “Đan Mạch là một quốc gia đặc biệt với những con người tuyệt vời, nhưng dựa vào những bình luận của bà Frederiksen rằng bà không hứng thú để bàn bạc về việc bán Greenland, tôi sẽ hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch vào 2 tuần tới và chuyển nó sang một dịp khác”.

“Thủ tướng Frederiksen đã tiết kiệm cho Mỹ và Đan Mạch nhiều chi phí và nỗ lực bằng việc thẳng thắn như vậy. Tôi cảm ơn bà ấy vì điều này và trông đợi sẽ gặp bà vào một thời điểm nào đó trong tương lai”, ông Trump viết.

Ngày 18/8, ông Trump nói với báo chí rằng việc mua Greenland, hòn đảo tự trị thuộc Đan Mạch “không phải là vấn đề nóng hàng đầu lúc này” với chính quyền của ông, nhưng đó là điều mà ông đang cân nhắc.

Ông Trump nói rằng việc mua Greenland “sẽ thú vị về mặt chiến lược” và chỉ ra rằng Đan Mạch đang phải chịu “gánh nặng” khi phải trợ cấp 700 triệu USD mỗi năm cho hòn đảo 80% băng tuyết bao phủ.

Tổng thống Mỹ cũng như khẳng định đây chỉ đơn thuần là “một thỏa thuận bất động sản quy mô lớn”.

Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen sau đó lên tiếng cho biết ý định mua đảo của ông Trump là “vô lý” và Greenland không phải thứ để bán.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Greenland Ane Lone Bagger nhấn mạnh với Reuters rằng: “Chúng tôi cởi mở với các cơ hội kinh doanh, chúng tôi không tự bán mình”.

Greenland, hòn đảo tự trị của Đan Mạch nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, phụ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Đan Mạch. Hòn đảo này tự chủ trong các vấn đề đối nội trong khi Copenhagen quan tâm tới quốc phòng và chính sách đối ngoại.

Theo Reuters, Greenland đang thu hút sự quan tâm từ các nước lớn như Trung Quốc, Nga và Mỹ vì lợi thế địa chiến lược và nguồn khoáng sản phong phú. Mỹ và Đan Mạch năm 1951 đã ký hiệp ước quốc phòng cho phép cho quân đội Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Thule ở phía bắc Greenland.

Ông Trump lên tiếng về tin muốn mua đảo lớn nhất thế giới

Đức Hoàng

Theo Sputnik