Đại sứ Nga tiết lộ chiến dịch đặc biệt chống virus corona của Triều Tiên
(Dân trí) - Triều Tiên đang thực hiện những biện pháp mà các nhà ngoại giao nước ngoài cho là “chưa từng có tiền lệ” để ngăn chặn dịch corona bùng phát.
Triều Tiên cho đến nay vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ tính mạng của người dân nước này, sau khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát từ nước láng giềng Trung Quốc - đồng minh ngoại giao và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Sau khi dịch corona xuất hiện, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới và tự “cô lập” với thế giới bên ngoài. Động thái này được các nhà ngoại giao và giới phân tích nhận định là cách thức tốt nhất để Triều Tiên tự bảo vệ mình trước dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là khi hạ tầng y tế của Triều Tiên được cho là còn khó khăn.
Ngoài việc tăng thời gian cách ly lên tới 30 ngày đối với tất cả du khách nước ngoài và những người bị nghi nhiễm virus corona, Triều Tiên cũng đẩy mạnh nỗ lực chống dịch từ trong nước.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đã đưa tin về “chiến dịch chống virus” tăng cường tại nước này, bao gồm kiểm tra sức khỏe từng hộ gia đình, dùng xe gắn loa hướng dẫn người dân cách vệ sinh phòng dịch trên cả nước.
Trong khi đó, những người nước ngoài tại Triều Tiên cũng phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Tất cả những người nước ngoài tại Triều Tiên đều được yêu cầu tự cách ly tại nơi ở của họ kể từ đầu tháng 2.
Các nhà ngoại giao ở Bình Nhưỡng cũng không thể đi lại tự do xung quanh thành phố. Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho biết các nhân viên của đại sứ quán chỉ có thể rời khỏi nơi ở để đưa rác đi đổ. Khi đó, các chuyên viên Triều Tiên sẽ ngay lập tức khử trùng xe tải ngay tại cổng của đại sứ quán.
Các nhà thờ, phòng tập taekwondo, sân trượt băng, bể bơi, các lớp học vẽ và tiếng Triều Tiên đều phải đóng cửa.
Đại sứ Nga cho biết các hoạt động ngoại giao gần như tạm dừng khi không còn các cuộc họp bàn, hội đàm hay đàm phán với các quan chức Triều Tiên hay với các đại sứ quán khác. Trong khi đó, liên lạc với các nhà chức trách Triều Tiên cũng chỉ hạn chế ở các cuộc gọi qua điện thoại, hay các thông báo chính thức được gửi vào một hòm thư đặc biệt.
Theo đại sứ Nga, chỉ một đất nước “độc nhất vô nhị” như Triều Tiên mới có thể đưa ra quyết định phòng dịch như vậy, nhằm giải quyết “một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia” và thực thi quyết định đó. Nhà ngoại giao Nga mô tả đây là tình huống “đặc biệt”.
Dịch corona khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, cho đến nay đã lan ra khắp thế giới và khiến hơn 2.700 người thiệt mạng.
Hàn Quốc đã chứng kiến sự gia tăng chóng mặt về số người nhiễm virus Covid-19 trong những ngày gần đây, khi có tới hơn 1.100 ca nhiễm. Quốc gia láng giềng với Triều Tiên hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục.
Triều Tiên cho đến nay vẫn khẳng định họ là nước láng giềng duy nhất của Trung Quốc chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus corona.
Bộ trưởng Y tế Triều Tiên tuần trước đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước, khẳng định Triều Tiên chưa xuất hiện ca nhiễm virus Covid-19. Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Bình Nhưỡng gần đây cũng cho biết họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về số người nhiễm virus corona từ Triều Tiên.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã kêu gọi người dân “tuyệt đối tuân thủ” hướng dẫn từ giới chức y tế và nhà nước trong công tác chống dịch.
“Chúng ta nên ghi nhớ rằng bất kỳ khoảnh khắc tự mãn nào cũng có thể dẫn tới những hệ quả thảm kịch không thể cứu vãn và chúng ta nên duy trì tình trạng cảnh giác cao độ”, báo Triều Tiên nhấn mạnh.
Hồi đầu tuần, Rodong Sinmun cũng cảnh báo về “những hậu quả hủy diệt” nếu Triều Tiên xuất hiện dù chỉ một ca nhiễm virus. Rodong Sinmun khuyến cáo người dân tránh nơi công cộng vì việc ngồi cạnh, ăn uống và nói chuyện với nhau đều có thể trở thành nguồn phát tán dịch bệnh.
Thành Đạt
Theo AFP