Đại sứ Nga nêu 3 điều kiện đàm phán hòa bình với Ukraine
(Dân trí) - Một trong các điều kiện của Moscow là Ukraine phải xét đến các lợi ích an ninh của Nga trong bất cứ kịch bản đàm phán hòa bình nào.
Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS về các điều kiện mà Moscow chấp nhận để tham gia vào một hội nghị hòa bình Ukraine, Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ Sergey Garmonin ngày 26/5 đã nêu ra 3 điều kiện chính.
"Trước hết, Kiev phải dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán với lãnh đạo Nga. Đây là điều kiện tiên quyết rõ ràng để bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán thực chất nào nhằm chấm dứt xung đột", Đại sứ Garmonin cho biết.
Ông nói thêm: "Thứ hai, quá trình đàm phán phải tính đến lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh chứ không phải là một nỗ lực khác nhằm áp đặt những mơ tưởng xa rời thực tế của chính quyền Ukraine, như chúng ta thấy trong trường hợp hội nghị Burgenstock (Thụy Sĩ)".
Ông cho biết, Nga "đơn giản là sẽ không tham gia vào các sự kiện thúc đẩy cái gọi là "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoặc các kế hoạch tương tự khác tạo thành tối hậu thư cho Nga".
"Thứ ba, tiến trình hòa bình sẽ được tiến hành có tính đến tình hình trên thực địa. Yêu cầu quay trở lại biên giới năm 1991 là không thực tế. Bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm kéo dài cuộc xung đột đang sôi sục sẽ chỉ làm xấu đi vị thế đàm phán ban đầu của chế độ Kiev khi nước này tiếp tục mất thế đứng trên chiến tuyến", Đại sứ Garmonin nhấn mạnh.
Thụy Sĩ đầu tháng này xác nhận đã gửi thư mời hơn 100 quốc gia dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine vào ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Sự kiện được tổ chức theo đề nghị của Kiev và xoay quanh thảo luận "công thức hòa bình" 10 điểm do Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra.
Ông Zelensky cho biết, hơn 80 quốc gia đã xác nhận tham dự hội nghị. Tuy nhiên, Nga không được mời trong hội nghị đầu tiên này. Moscow tuyên bố bất cứ cuộc thảo luận nào về hòa bình Ukraine mà không có sự tham gia của Nga đều vô nghĩa.
Tháng 11/2022, ông Zelensky đã đưa ra cái gọi là công thức hòa bình gồm 10 điểm, trong đó bao gồm yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và trả lại quyền kiểm soát cho Ukraine đối với " vùng đặc quyền kinh tế" ở Biển Azov và Biển Đen.
Moscow cho rằng những yêu cầu này của Kiev là không thực tế. Mặt khác, Nga khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine.
Tuần trước, Reuters dẫn một số nguồn thạo tin từ Nga nói rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng tạm dừng cuộc chiến ở Ukraine bằng một lệnh ngừng bắn được đàm phán công nhận các chiến tuyến hiện tại.
"Tổng thống Putin có thể theo đuổi xung đột lâu hết mức, nhưng cũng sẵn sàng đạt thỏa thuận ngừng bắn và đóng băng chiến sự", một quan chức cấp cao Nga từng làm việc với ông Putin và am hiểu những cuộc thảo luận ở cấp cao nhất tại Điện Kremlin tiết lộ.
Bình luận về thông tin này, ông Putin cho biết: "Hãy nối lại các cuộc đàm phán nhưng không phải theo những gì một bên muốn, mà dựa trên những thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2022) cũng như dựa trên tình hình thực địa hiện tại".
Ông cũng nhấn mạnh: "Nhưng đàm phán với ai? Đó là một câu hỏi quan trọng. Chúng tôi nhận thấy rằng tính hợp pháp của nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đã không còn nữa".