1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đại sứ Mỹ: Trung Quốc cần dừng các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông

(Dân trí) - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Krittenbrink cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để tăng cường các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông và Bắc Kinh nên chấm dứt điều này.

Đại sứ Mỹ: Trung Quốc cần dừng các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông - 1

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Krittenbrink tại cuộc họp báo ngày 2/7. (Ảnh: Thành Đạt)

Trong cuộc họp báo kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ vào chiều 2/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự hiện diện của 3 tàu sân bay Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gần đây liệu có liên quan tới các diễn biến phức tạp trên Biển Đông hay không, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Krittenbrink cho biết “Mỹ không ứng phó với hoạt động cụ thể nào diễn ra trên Biển Đông”.

“Mỹ muốn khẳng định mục tiêu của chúng tôi trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài trên Biển Đông. Chúng tôi tin rằng các quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều phải hành xử dựa trên luật pháp quốc tế, đưa ra các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, các quốc gia lớn không thể bắt nạt hay đe dọa các quốc gia nhỏ hơn. Mỹ tin vào việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, việc tự do bay qua và di chuyển trên Biển Đông”, Đại sứ Krittenbrink nói.

Đại sứ Krittenbrink nhấn mạnh Mỹ “phản đối các hoạt động tìm cách cưỡng ép các quốc gia khác trên Biển Đông”.

“Chúng tôi phản đối hành động của Trung Quốc ngăn cản các quốc gia khác thực hiện hoạt động dầu khí trên Biển Đông, bao gồm các hoạt động mà Việt Nam đã thực hiện từ rất lâu. Chúng tôi phản đối Trung Quốc cản trở các thành viên của ASEAN tiếp cận, khai thác nguồn trữ lượng trị giá 2.500 tỷ USD trên Biển Đông. Chúng tôi phản đối Trung Quốc ngăn cản các hoạt động tự do hàng hải, cản trở tự do thương mại và kinh tế trên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Krittenbrink cho biết.

Đại sứ Mỹ nói rằng Mỹ “lấy làm tiếc vì Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện các hoạt động làm ảnh hưởng tới sự ổn định, đồng thời tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định tại Biển Đông và Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động này trong nhiều năm qua”.

“Chúng tôi lấy làm tiếc rằng Trung Quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để tăng cường các hoạt động khiêu khích và hiếu chiến ở Biển Đông. Mỹ phản đối Trung Quốc hay bất kỳ nước nào sử dụng biện pháp ép buộc nhằm đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích gây ảnh hưởng tới sự ổn định trong khu vực”, Đại sứ Krittenbrink nói hêm.

Theo nhà ngoại giao Mỹ, trong vài tháng qua, Trung Quốc có nhiều hoạt động quấy rối tàu của Việt Nam, trong đó có vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa thêm tàu tới các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Ông Krittenbrink cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và ASEAN để thúc đẩy các lợi ích chung, cụ thể: tăng cường thực hiện các hoạt động ngoại giao với các đối tác bao gồm 10 nước ASEAN; hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải của các quốc gia bao gồm các quốc gia ASEAN; phát triển năng lực quân sự của chính Mỹ, thực hiện các hoạt động tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế.

“Đó là lý do quân đội Mỹ có mặt trên Biển Đông trong thời gian vừa qua và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động như vậy ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép”, Đại sứ Mỹ khẳng định.

Đề cập tới quan điểm cho rằng các quốc gia trong khu vực có thể sẽ phải “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc, Đại sứ Krittenbrink cho biết Mỹ không muốn các quốc gia phải chọn bên nào và không đòi hỏi các nước phải thực hiện điều này.

“Điều chúng tôi muốn là khi các quốc gia nhận thấy họ có lợi ích từ việc có được một trật tự theo pháp luật, nếu họ thấy có lợi ích từ việc các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, nếu họ thấy có lợi ích từ việc ngăn cản các quốc gia lớn hơn bắt nạt các quốc gia khác, thì chúng tôi hy vọng họ sẽ hợp tác với chúng tôi để thúc đẩy các lợi ích chung đó. Chúng tôi không muốn các quốc gia phải chọn phe. Chúng tôi cũng muốn cùng Trung Quốc tham gia vào tất cả các nỗ lực này để đảm bảo trật tự quốc tế, tôn trọng pháp luật, trong đó các quốc gia đều tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Krittenbrink nói thêm.

Hợp tác an ninh - quốc phòng

Đại sứ Mỹ: Trung Quốc cần dừng các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông - 2

Họp báo kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tại Hà Nội ngày 2/7. (Ảnh: Thành Đạt)

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về hợp tác an ninh quốc phòng song phương, Đại sứ Krittenbrink cho biết: “Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt - Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay. Điều này đã được chứng minh qua mối quan hệ an ninh quốc phòng của chúng ta, mối quan hệ giữa quân đội hai nước”.

Ông Krittenbrink nói rằng trong 3 năm qua, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ đều có các chuyến thăm tới Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay, Mỹ đã dành hàng trăm triệu USD để hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng. Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, bao gồm đào tạo phi công quân sự.

“Hiện nay có 30.000 sinh viên Việt Nam học tại Mỹ và chúng tôi hy vọng ngày càng nhiều sĩ quan Việt Nam tham gia vào việc đào tạo, tập huấn cũng như diễn tập tại các học viện quân sự của chúng tôi. Ngoài ra, một trong những hoạt động hợp tác về đào tạo khác là Mỹ đã đào tạo cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và Việt Nam đã rất thành công trong việc này”, Đại sứ Mỹ cho biết thêm.

“Việt Nam ứng phó Covid-19 tốt nhất thế giới”

Đại sứ Krittenbrink đánh giá “hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong việc ứng phó với dịch Covid-19 rất hiệu quả”. Ông cho rằng “việc ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam được thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới”.

“Chúng tôi rất tự hào được là đối tác của Việt Nam trong hợp tác y tế hơn 20 năm qua. Chúng tôi vui mừng vì sự hỗ trợ đó tiếp tục được mở rộng trong việc hỗ trợ Việt Nam ngăn chặn dịch Covid-19. Chúng tôi biết ơn sự hỗ trợ Việt Nam dành cho Mỹ. Chúng tôi có câu ngạn ngữ: Những người bạn trong khó khăn mới là những người bạn thực sự. Trong bối cảnh Mỹ gặp khó khăn trong việc ứng phó dịch Covid-19, chúng tôi rất xúc động khi nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân Việt Nam khi dành tặng cho Mỹ khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế”, ông Krittenbrink cho biết.

Đại sứ Krittenbrink khẳng định dịch Covid-19 không ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong các vấn đề hàng hải ở Biển Đông và Mỹ tiếp tục hợp tác với ASEAN trong việc thúc đẩy các lợi ích chung.

“Chúng tôi tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực để nâng cao năng lực hàng hải của các nước. Tất cả các hoạt động này vẫn tiếp diễn bất kể dịch Covid-19”, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.

Mỹ có lợi ích trong việc hỗ trợ Việt Nam

Đại sứ Krittenbrink cho biết quan hệ Việt - Mỹ sau 25 năm bình thường hóa quan hệ không chỉ là “phép màu” mà còn là “sự phi thường”, và đó là kết quả của “rất nhiều nỗ lực, dũng cảm và thiện chí của hai nước nhiều năm qua”.

“Ngày nay Mỹ và Việt Nam là những đối tác tin cậy của nhau, mối quan hệ bằng hữu dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đã cùng nhau đạt được nhiều thành tựu, cá nhân tôi cho rằng thành tựu lớn nhất là chúng ta đã có thể gọi nhau là bạn bè, đối tác một cách chân thành”, ông Krittenbrink nói.

“Chúng tôi có mặt ở đây để hỗ trợ Việt Nam phát triển. Chúng tôi tin rằng lợi ích quốc gia của Mỹ có được từ việc hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng. Mối quan hệ giữa hai nước được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi. Sự thịnh vượng của các bạn là sự thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi hết sức lạc quan về những thành tựu mà chúng ta sẽ đạt được trong 25 năm tiếp theo”, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.

Đại sứ Krittenbrink cũng nhắc lại lời cựu Tổng thống Bill Clinton khi ông tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ 25 năm trước rằng: “Chúng ta không được phép lãng quên quá khứ. Chúng ta không được phép lãng quên những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta có thể cùng nhau hợp tác, thúc đẩy hòa giải vì tương lai”.

Thành Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm