Đặc phái viên được ông Kim Jong-un "chọn mặt gửi vàng" đàm phán chuẩn bị cho hội nghị Mỹ-Triều
(Dân trí) - Đặc phái viên Kim Hyok Chol được chọn làm người dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tới gặp gỡ phái đoàn Mỹ nhằm bàn bạc về các vấn đề trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng này.
Reuters dẫn thông tin từ các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã thay thế đội ngũ cố vấn để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, ông Kim Hyok Chol đã được lựa chọn cho sứ mệnh này.
Ông Kim Hyok Chol là cựu Đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha. Ông từng bị Madrid trục xuất về nước năm 2017 sau khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Ông Kim Hyok Chol công tác tại Ủy ban Các vấn đề Nhà nước do ông Kim Jong-un đứng đầu.
Hồi đầu tháng, ông Kim Hyok Chol đã thay thế vị trí của Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui, người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore hồi tháng 6/2018.
Một quan chức Hàn Quốc giấu tên nói rằng ông Kim Hyok Chol vốn là một nhà ngoại giao có kinh nghiệm, thêm vào đó ông dường như được đánh giá là trung thành tuyệt đối. Do vậy, ông được “chọn mặt gửi vàng” đàm phán chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
Báo Dong-A Ilbo Hàn Quốc dẫn nguồn tin nói rằng ông Kim Hyok Chol được coi là một nhà ngoại giao có tầm hiểu biết và thông thạo về hạt nhân, được đào tạo bài bản và chăm chỉ. Một nguồn tin ngoại giao từng tiếp xúc với quan chức này thời kỳ ông vẫn còn làm đại sứ tại Tây Ban Nha cho biết, khác với các đại sứ Triều Tiên, ông Kim được coi là một chuyên gia về hạt nhân.
Ông có thể diễn thuyết thông thạo bằng tiếng Anh, mô tả về từng loại tên lửa hạt nhân Triều Tiên sở hữu cũng như các vấn đề liên quan, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ông Kim từng làm việc tại Cục 9, bộ phận có nhiệm vụ giám sát việc phát triển chiến lược ngoại giao của Triền Tiên. Ông thăng tiến nhanh nhờ có được sự tin cậy từ Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho.
Người đối diện với ông Kim Hyok Chol ở bên kia bàn đàm phán là đặc phái viên đàm phán với Triều Tiên của Mỹ Stephen Biegun. Ông Biegun, người được bổ nhiệm hồi tháng 8 năm ngoái, cũng được đánh giá là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm.
Theo Yonhap, ông Kim Hyok Chol hôm qua đã lên máy bay tới Hà Nội sau khi nối chuyến tại Trung Quốc. Hai ông được cho là sẽ gặp nhau và dẫn dắt các cuộc đàm phán trước sự kiện thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra vào ngày 27-28/2.
Lý do được lựa chọn
Theo quan chức trên, việc ông Kim Hyok Chol được lựa chọn một phần nào đó dường như ảnh hưởng bởi vụ đào tẩu của cựu phó Đại sứ Triều Tiên tại Anh Thae Yong Ho năm 2016 và gần đây là vụ biến mất của của nhà ngoại giao cấp cao Jo Song Gil khi ông Jo đang làm nhiệm vụ tại Triều Tiên.
Thêm vào đó, trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, Triều Tiên dường như đã xem xét các nhà ngoại giao và loại bỏ những gương mặt có thể vướng cáo buộc gián điệp, hoặc bị tình nghi không trung thành, theo Reuters.
Một nhân vật có tiếng khác không xuất hiện trong phái đoàn Triều Tiên gặp Mỹ lần này là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Han Song Ryol, người từng phụ trách mảng quan hệ với Mỹ. Ông Han là một trong những nhà ngoại giao Triều Tiên nổi tiếng nhất tại Mỹ, người được cho là quản lý “Kênh New York”, một kênh ngoại giao bí mật giữa Mỹ và Triều Tiên trong nhiều năm trước khi hồi hương vào năm 2013.
Ông Han đã không còn xuất hiện trước công chúng từ năm ngoái và truyền thông Triều Tiên cũng không còn nhắc tới ông từ tháng 2/2018. Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao ở Seoul nói rằng, ông Han dường như đã bị trừng phạt với các cáo buộc gián điệp và tham nhũng. Ông Michael Maddenm, chuyên gia về Triều Tiên tại tổ chức Stimson (Mỹ) cũng dẫn nguồn tin nội bộ Triều Tiên nói rằng ông Han đã vướng phải cáo buộc gián điệp.
Tuy nhiên, một quan chức từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng thông tin về việc ông Han bị trừng phạt hiện chưa thể xác minh.
Ngoài ra, theo ông Thae Yong Ho, việc lựa chọn một gương mặt nhà ngoại giao mới mẻ tham gia đàm phán với Mỹ có thể là chiến lược của ông Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như muốn thể hiện rằng không có một ai (quan chức, nhà ngoại giao kỳ cựu) có thể tác động tới quyết định của ông trong quá trình đàm phán trong bối cảnh những trợ lý thân cận với ông Trump đều vẫn giữ quan điểm hoài nghi và không chắc chắn về việc Triều Tiên sẵn lòng phi hạt nhân hóa hay không.
“Bằng việc chỉ định ông Kim Hyok Chol, ông Kim Jong-un dường như muốn gửi thông điệp tới ông Trump rằng không có nhân vật nào ở giữa họ. Vì vậy, ông Trump có thể trao đổi trực tiếp với ông Kim và không bị tác động bởi các trợ lý bên cạnh”, ông Thae nhận định.
Đức Hoàng
Tổng hợp