1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thượng đỉnh Trump-Kim cận kề, Mỹ-Triều Tiên chưa thể thống nhất giải trừ hạt nhân

(Dân trí) - Đặc phái viên của Mỹ Stephen Biegun cho biết, bất chấp các cuộc đàm phán tích cực, phái đoàn Mỹ và Triều Tiên đến nay vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng về vấn đề giải trừ hạt nhân trong khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam đã cận kề.



trump kim 3.jpg

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

 

Theo Yonhap, đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun đưa ra thông tin trên trong một cuộc gặp với đoàn đại diện quốc hội Hàn Quốc ngày 11/2.

Ông Biegun và người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok-chol đã tiến hành hội đàm tại Bình Nhưỡng hồi tuần trước để thống nhất chương trình nghị sự cũng như chuẩn bị công tác hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/2 tới tại Hà Nội giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Biegun cho biết, vòng đàm phán này, hai bên mới chỉ đạt được thỏa thuận về chương trình nghị sự cho hội nghị, và hai bên vẫn cần thêm thời gian để hiểu nhau hơn.

Theo lời ông Biegun, hai bên đã đưa ra những mục tiêu mà mỗi bên đặt ra cho hội nghị, nhưng sẽ bắt đầu thu hẹp một số bất đồng, trong đó có bất đồng về giải trừ hạt nhân, trong các cuộc thảo luận sắp tới. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trước đó cho biết, giới chức Mỹ và Triều Tiên sẽ thảo luận tiếp vào tuần sau tại một quốc gia châu Á.

"Chỉ còn 2 tuần nữa là tới hội nghị, rất khó để giải quyết tất cả các vấn đề tồn đọng, tuy nhiên vẫn còn cơ hội nếu chúng ta đạt được thỏa thuận cụ thể về quá trình giải trừ hạt nhân", một thành viên phái đoàn Hàn Quốc dẫn lời ông Biegun cho biết.

Sau hội nghị thượng đỉnh lần 1, Mỹ đề nghị Triều Tiên phải có những bước đi cụ thể để tiến tới giải trừ hạt nhân "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược". Trong khi đó, Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và ký một thỏa thuận nhằm chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 - một cuộc chiến vốn chỉ tạm ngừng bởi một hiệp ước đình chiến.

Ông Biegun hy vọng một ngày nào đó, Mỹ có thể tiến hành một hội nghị 3 bên về giải trừ hạt nhân. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, quan điểm của Washington là tốc độ thúc đẩy quan hệ liên Triều sẽ tương xứng với tốc độ giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Minh Phương
Theo Yonhap