1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cựu binh Mỹ nói gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama?

(Dân trí) - Trong chuyến hành trình xuyên Việt kéo dài 17 ngày, các cựu binh Mỹ đã không ít lần bật khóc khi chứng kiến cuộc sống khó khăn của các nạn nhân bom mìn, chất độc da cam. Họ hi vọng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hành động để giúp khắc phục các hậu quả dai dẳng mà chiến tranh để lại.


Cựu binh sĩ Michael Cull chụp ảnh cùng một nạn nhân da cam (Ảnh do các cựu chiến binh Mỹ cung cấp)

Cựu binh sĩ Michael Cull chụp ảnh cùng một nạn nhân da cam (Ảnh do các cựu chiến binh Mỹ cung cấp)

Giải quyết những vấn đề còn tồn tại từ thời chiến tranh được cho là một trong những vấn đề sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, dù một số chuyên gia nhận định đây không phải là chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Trong chuyến thăm Hà Nội hôm 10/5, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cũng nói rằng nguyên tắc tổ chức cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama bao gồm quá khứ, hiện tại, tương lai. Hai bên tiếp tục vượt qua các vấn đề do quá khứ để lại, bao gồm các vấn đề gây ra do chiến tranh.

Trong thư chia buồn với gia đình anh Khiết, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius viết: “Công việc mà các anh đã dấn thân vào, rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị, đã có một tác động to lớn, và sự hy sinh của các anh sẽ không bị quên lãng”.

Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm nhưng hệ quả của nó vẫn hiển hiện, điển hình là vấn đề bom mìn chưa nổ và chất độc da cam. Chỉ mới đây, anh Ngô Thiện Khiết, một đội trưởng làm việc cho Dự án Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW) và Cơ quan Hỗ trợ Nhân Dân Na Uy (NPA) tại Quảng Trị, người có 8 năm kinh nghiệm rà phá bom mìn, đã tử nạn trong khi vụ rà phá bom bi còn sót tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng. Một thành viên khác trong nhóm của anh Khiết đã bị thương.

Ông Chuck Searcy, Tư vấn viên quốc tế của Dự án (RENEW), đã có mặt tại Quảng Trị để tiễn đưa anh Khiết về nơi an nghỉ cuối cùng hôm 21/5. Trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Trí ngay trước khi xảy ra tai nạn đau lòng trên, ông Chuck cho hay quân đội Mỹ đã dội khoảng 8 triệu tấn bom xuống Việt Nam thời chiến tranh và ước tính 10% số này chưa nổ, tương đương 800.000 tấn bom chưa nổ và vẫn nằm sâu trong lòng đất.

Theo ông Chuck, một tín hiệu đáng mừng là chính phủ Mỹ đã gia tăng tài trợ cho việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cấp 7,8 triệu USD cho dự án RENEW trong 3 năm thông qua đối tác Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) để khảo sát và rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ trên 8 triệu USD cho Tổ chức nhóm Cố vấn bom mìn (MAG), một tổ chức nhân đạo phi chính phủ có trụ sở tại Anh, để thực hiện công việc tương tự.

“Chúng tôi hợp tác cùng nhau, với mục tiêu là đẩy nhanh việc rà phá do bom mìn chưa nổ và chấm dứt mối nguy hiểm do bom mìn gây ra tại Quảng Trị trong những năm tới. Chúng tôi mong không còn cảnh người dân địa phương thiệt mạng do bom mìn sót lại từ thời chiến tranh và họ địa phương sẽ không còn phải sống trong lo âu”, cựu binh Mỹ nói.

Tuy nhiên, ông Chuck cho rằng chính phủ Mỹ cần làm nhiều hơn nữa để trợ giúp nạn nhân chiến tranh. Ông không kỳ vọng Tổng thống sẽ đưa ra tuyên bố gì lớn liên quan tới việc giải quyết di sản chiến tranh “nhưng nhiều khả năng ông ấy sẽ công bố viện trợ để giúp tẩy rửa dioxin tại Biên Hòa. Chính phủ Mỹ có trách nhiệm làm điều đó”.

Ngoài ra, ông Chuck cũng mong chờ Tổng thống Mỹ sẽ thông báo tài trợ và trợ giúp các gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. “Người Mỹ nên làm nhiều hơn nữa để trợ giúp. RENEW đã đề xuất 1 số kế hoạch giúp các gia đình bị ảnh hưởng tại Quảng Trị để cuộc sống của họ bớt khó khăn”.

Sốc khi chứng kiến hậu quả của chiến tranh


Một cựu binh Mỹ chụp ảnh cùng các em nhỏ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2015 (Ảnh do các cựu chiến binh Mỹ cung cấp)

Một cựu binh Mỹ chụp ảnh cùng các em nhỏ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2015 (Ảnh do các cựu chiến binh Mỹ cung cấp)

Trong những năm qua, Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình của Mỹ (VFP) đã nhiều lần tổ chức các chuyến thăm Việt Nam cho các cựu chiến binh. Ông Chuck đã nhiều lần đồng hành trong các chuyến đi xuyên Việt từ Bắc vào Nam cùng các cựu chiến binh Mỹ.

“Các cựu binh Mỹ muốn quay trở lại và để thấy Việt Nam ngày nay như thế nào, để hiểu về người Việt. Tất cả họ đều hạnh phúc khi thấy một Việt Nam hòa bình, phát triển, người Việt thân thiện. Họ đều xem hành trình ở lại Việt Nam là những trải nghiệm tuyệt vời".

“Nhiều người cũng muốn quay trở lại và sống ở Việt Nam, dù phần lớn là không khả thi vì nhiều lý do. Nhưng những chuyến đi đã thay đổi cuộc sống của họ, thay đổi theo hướng tốt lên”, ông Chuck nói.

Chuck phục vụ tại chiến trường Việt Nam từ 1967-1968. Chuck trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1992 để tham gia vào các nỗ lực nhân đạo. Đến năm 1995, người cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam làm việc và sinh sống cho tới nay. Chuck là một trong những người Mỹ có đóng góp lớn nhất cho sự gàn hắn các vết thương sau cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Ông hiện là Tư vấn qiên quốc tế, Dự án Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW), Phó chủ tịch, Cựu chiến Binh vì Hoà Bình chương 160 (Hòa Bình) kiêm đồng Chủ tịch, Nhóm làm việc phi chính phủ về Chất độc da cam.

Ông Chuck cho hay nhiều cựu chiến binh Mỹ đã bị bất ngờ, thậm chí bị sốc khi chứng kiến hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam. “Họ chứng kiến nhiều gia đình Việt Nam có 2, 3 thậm chí 4 đứa trẻ bị di chứng chiến tranh. Họ rất đau lòng khi chứng kiến điều đó”.

“Do đó, các cựu chiến binh thăm Việt Nam sau khi trở về Mỹ họ đều kể chuyện với những người khác và hối thúc chính phủ gia tăng trợ giúp, phối hợp với Việt Nam trợ giúp các nạn nhân chiến tranh. Đó là một quá trình chậm chạp và cho tới nay vẫn chưa thành công lắm, nhưng ít nhất các khoản hỗ trợ nạn nhân chiến tranh đang dần tăng lên”, ông Chuck nói.

"Tổng thống Obama nên thăm nạn nhân bom mìn, da cam"

Aaron Davis, một cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam hiện đang sống tại bang Arizona, đã rất có cảm tình với Việt Nam trong lần trở lại đầu tiên cùng đoàn Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP) chi nhánh 160 của Mỹ, tháng 3/2015. “Tôi thực sự thích chuyến thăm. Con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, các bảo tàng, bãi biển, các món ăn... đều tuyệt vời”.

“Một trong những điều mà tôi nhớ nhất trong hành trình là chuyến thăm những đứa trẻ mồ côi, nạn nhân bom mìn và chất độc da cam. Tổn thất về người do chiến tranh chưa bao giờ hiện lên rõ nét như vậy đối với tôi. Trong suốt chuyến đi kéo dài 17 ngày, tôi đã khóc nhiều lần, những giọt nước mắt cả hạnh phúc lẫn khổ đau".

"Hai trải nghiệm đã có ảnh hưởng rất lớn tới tôi. Đầu tiên là tại Làng Hữu nghị, khi tôi xúc động và bật khóc, một nạn nhân da cam đã theo tôi ra ngoài và an ủi tôi trong 5 phút. Tại một trung tâm bảo trợ của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA), tôi cũng không kìm nén được xúc động và những đứa trẻ đã mời tôi vào nhảy múa cùng chúng. Niềm vui và nỗi buồn theo tôi suốt ngày hôm đó", ông Aaron chia sẻ sau chuyến đi.

Nói về chuyến thăm của Tổng thống Obama, ông Aaron mong muốn nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm một bệnh viện hay một cơ sở nào chuyên chăm sóc các nạn nhân da cam, dù ông dự đoán điều này không xảy ra.

“Tôi cũng mong Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam vì tiến trình toàn cầu hóa có lợi cho cả hai bên”, ông nói.

Chuck DeWitt, từng là một kỹ thuật viên ngư lôi trong ngành tàu ngầm của hải quân Mỹ, cho hay chuyến thăm vừa qua là lần đầu tiên ông tới Việt Nam, nhưng ông đã bất ngờ về sự phát triển của đất nước này. “Dọc hành trình từ Bắc vào Nam, tôi cảm nhận đất nước các bạn đang phát triển từng ngày. Và tất cả những người Việt Nam tôi gặp đều thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ”, ông nói.


Sau chiến tranh, cựu binh Mỹ Michael Cull đã trở lại Việt Nam và yêu mến đất nước này. Hiện đang sinh sống tại Nha Trang và đã kết hôn với một phụ nữ Việt. (Ảnh do các cựu chiến binh Mỹ cung cấp)

Sau chiến tranh, cựu binh Mỹ Michael Cull đã trở lại Việt Nam và yêu mến đất nước này. Hiện đang sinh sống tại Nha Trang và đã kết hôn với một phụ nữ Việt. (Ảnh do các cựu chiến binh Mỹ cung cấp)

Theo dự đoán của Chuck, Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ quan tâm tới vấn đề tẩy rửa dioxin và chất độc da cam, ngoài chủ đề an ninh Biển Đông.

Bà Carol Wilder, từng tham gia Chương trình Chuyên gia Fulbright tại Đại học Hà Nội trong thời gian từ 2007-2008, cũng tham gia chuyến đi của VFP dù không phải là một cựu chiến binh. Bà Carol ấn tượng với dự án RENEW và các hoạt động giáo dục của dự án nhằm huấn luyện trẻ em địa phương đối phó với bom mìn chưa nổ.

Bà Carol đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1993 và chuyến đi VFP hồi tháng 3 là chuyến đi thứ 10. Bà dự kiến trở lại Việt Nam vào tháng 1/2017 để mở một câu lạc bộ phim tại Đại học Hà Nội. “Tôi rất quan tâm tới một Việt Nam hiện đại, đặc biệt là việc đào tạo nghiên cứu truyền thông cho sinh viên”.

"Tôi chắn chắn ông Obama sẽ yêu mến Việt Nam vì ông ấy là vị tổng thống giỏi và nhiều kinh nghiệm. Ông ấy gặp khó khăn tại Mỹ vì sự phản đối của đảng Cộng hòa, nhưng ông ấy là nhà lãnh đạo lịch sử", bà Carol nói.

Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, ông Peter Nguyễn, người từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa và hiện sinh sống tại California, tâm sự rằng ông lúc nào cũng đau đáu nghĩ về quê hương, muốn mong Việt Nam hòa bình và thịnh vượng. Kể từ khi sang Mỹ định cư, ông đã trở lại quê hương hơn 10 lần và cũng tham gia một chuyến đi của VFP vào năm 2015.

“Tôi mong ông Obama đến thăm làng hữu nghị ở Hà Nội, nơi đang bảo trợ các thế hệ 2 và 3 bị di chứng da cam. Mỹ cần hỗ trợ để tháo gỡ bom mìn chưa nổ, cùng tẩy rửa chất độc da cam trên người và trên đất tại Việt Nam”.

Ông Peter còn mong bà Hillary Clinton đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới bởi "Tổng thống Bill Clinton và phu nhân Hillary luôn mến yêu và ủng hộ Việt Nam”, ông nói.

An Bình