1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Muốn hiểu hòa bình, hãy đến Việt Nam

(Dân trí) - Ông Peter Nguyễn, người từng là sĩ quan tình báo của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và rời quê hương năm 1975, tâm sự rằng với ông hòa bình là điều thiêng liêng nhất và ông thường nói với người Mỹ rằng “muốn hiểu hòa bình, hãy đến Việt Nam”.

Ông Peter Nguyễn trò chuyện với báo chí nhân chuyến trở lại quê hương lần thứ 10.

Ông Peter Nguyễn trò chuyện với báo chí nhân chuyến trở lại quê hương lần thứ 10.
 
Ông Peter Nguyễn (tên khai sinh Nguyễn Thế Phương) đã chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư và những điều còn day dứt trong chuyến thăm lại quê hương cùng các cựu chiến binh thuộc Hội cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP) mà ông hiện cũng là thành viên.
 
Mở mắt là nghĩ tới quê hương
 

Sau khi rời Việt Nam, ông Peter Nguyễn định cư tại thành phố Boulder, bang Colorado. Ông chuyển đến California năm 1980 và lập gia đình 1 năm sau đó, có một con trai và một con gái. Ông từng học ngành Kỹ sư Hóa học tại Đại học Colorado, làm việc cho công ty General Dynamics đến năm 1986, sau đó làm môi giới bất động sản và thế chấp đến năm 1995. Ông trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 1998 và kể từ đó đã hồi hương 10 lần.

Ông Peter Nguyễn sinh năm 1952 tại tỉnh Thái Bình, di cư vào nam cùng gia đình năm 1955. Ông từng là sĩ quan tình báo của quân đội Việt Nam Cộng hòa từ 1972 đến 1975. Peter Nguyễn cho biết ông rời Việt Nam vào tối ngày 29/4/1975 trên một tàu hải quân Mỹ, một ngày trước khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.

Sau khi rời Việt Nam, Peter Nguyễn luôn đau đáu nghĩ về quê hương. Ông kể rằng vào khoảng năm 1976, khi đó ông đang là sinh viên, tin tức về Việt Nam rất ít, phương tiện truyền thông cũng không sẵn có như bây giờ. Ông đã vào thư viện tìm báo chí của Pháp, Mỹ để đọc tin tức Việt Nam.

Vào năm 1977, ông đã dành 300 USD để mua một chiếc radio, dù lúc đó chỉ kiếm được 2 USD cho mỗi giờ làm việc, và thông qua đài để nghe tin tức về Việt Nam. Peter Nguyễn đùa rằng ông có thể là người đầu tiên bắt được sóng radio từ Việt Nam. Lúc đó, ông chỉ biết quê hương đã ngừng tiếng súng và đó là điều ông rất mừng. Kể từ đó, ông luôn theo dõi các thông tin từ quê nhà.

Ông Peter Nguyễn trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 1998 cùng vợ, sau 23 năm sống tại Mỹ. Đây là lần thứ 10 ông trở lại quê nhà nhưng là lần đầu tiên đi cùng đoàn cựu chiến binh Mỹ.

Năm 2013, trong chuyến thăm Trường Sa, ông đã đem một ít nước, cát, san hô về Mỹ để đặt lên bàn thờ. Mỗi sáng dậy, ông thắp hương để cầu mong Biển Đông không còn dậy sóng. Peter Nguyễn nói ông nợ nần với Việt Nam, mở mắt ra là nghĩ tới Việt Nam, là nhìn thấy Việt Nam trên tivi.

Muốn hiểu hòa bình, hãy đến Việt Nam

Nghĩ về chiến tranh hơn 40 năm trước, Peter Nguyễn nói ông cũng có 1 người anh rể là liệt sĩ nên ông hiểu được nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra. Sau chiến tranh, ông mới hiểu thế nào là hòa bình và đó là lý do ông tham gia tổ chức VFP.

Peter Nguyễn nói Việt Nam giờ rất may mắn vì có được hòa bình và có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình, phát triển thịnh vượng.
 
“Tôi nói với những người Việt Nam bên đó, và nói cả với người Mỹ, rằng muốn hiểu hòa bình hãy đến Việt Nam. Với tôi, hòa bình là giá trị thiêng liêng nhất”, cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa tâm sự.

“Tôi rất cảm ơn nhà nước Việt Nam cho phép tôi trở lại, vì ngày rời khỏi Việt Nam tôi không nghĩ có ngày quay trở lại. Khi gia đình di cư, giữa miền Bắc và Nam cách nhau mỗi con sông Bến Hải tôi còn không bao giờ nghĩ có thể quay về miền bắc, huống chi là sang Mỹ, cách xa 10.000 dặm”.

Peter Nguyễn nói lần đầu tiên nhìn thấy tuyết, ông kêu những người bạn ra xem và nói rằng nếu có chết thì ông cũng nằm lại ở Mỹ chứ không bao giờ nhìn thấy Việt Nam. “Đó là cảm nhận lúc ấy. Còn bây giờ thì không còn sức mà về”, ông nói.

Cuộc điện thoại đầu tiên của Peter Nguyễn từ Mỹ về Việt Nam diễn ra năm 1996. Ông đã phải trả 300 USD cho 15 phút gọi điện từ San Diego về Sài Gòn. Ông nói bây giờ muốn nói chuyện không còn sức, mà cũng không phải trả tiền. Đó là sự may mắn.

Peter Nguyễn cho hay giờ đây ông có thể đi lại giữa Việt Nam và Mỹ hoàn toàn tự do. Ông từng gặp khó khăn trong chuyến hồi hương đầu tiên năm 1998 và phải khai báo với cơ quan địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng mỗi lần quay trở lại thủ tục hành chính lại đơn giản hơn và lần thứ 10 về Việt Nam thì không khai báo gì cả.

Điều ám ảnh nhất: Chất độc da cam

Peter Nguyễn nói ông từng là sĩ quan tình báo, không cầm súng chiến đấu trực tiếp nên tâm trí có nhẹ nhàng hơn chút ít. Tuy nhiên, ông cũng còn nhiều điều day dứt. Ông nói điều ông ám ảnh nhất trong cuộc chiến là hậu quả vô cùng lớn của chất độc da cam.

Peter Nguyễn nói ông từng nhìn thấy bào thai dị dạng vì chất độc màu da cam và nó ám ảnh ông. Chất độc da cam giờ đây vẫn ảnh hưởng tới thế hệ thứ 4 và đó là điều rất khủng khiếp. Ông nói ông sẽ làm những điều dù là nhỏ nhất để góp phần hàn gắn lại sự đau đớn của bom mìn, chất độc da cam.

“Năm nay tôi đã nhiều tuổi, còn chút sức lực gì thì tôi và các cựu chiến binh mỗi người một việc để hàn gắn vết thương, làm giảm đi nỗi đau của những người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh”, ông nói.

Peter Nguyễn tâm sự tình cảm của ông với Việt Nam đã luôn âm ỉ khi ông rời khỏi Việt Nam. Vợ ông cũng là người Việt, di cư sang Mỹ từ thời niên thiếu. Ông nói may mắn là vợ ông, hai đứa con cũng hiểu tình cảm, tâm nguyện của ông.

“Vào năm 2010, cô con gái khi đó 26 tuổi, vừa học xong đại học. Một buổi tối, em nói là con muốn về Việt nam làm việc. Tôi rất là mừng vì tôi luôn mong muốn làm được điều tốt đẹp cho Việt Nam. Tôi đã cố gắng làm nhưng không làm được nhiều”.

Peter Nguyễn nói con gái ông đã làm cho một tổ chức chất độc màu da cam ở Đà Nẵng trong 6 tháng.

Những tín hiệu tích cực

Ông Peter Nguyễn trò chuyện thân mật với ông Bùi Thế Giang (trái).
Ông Peter Nguyễn trò chuyện thân mật với ông Bùi Thế Giang (trái).
 
Theo Peter Nguyễn, người Mỹ với người Việt Nam giờ đây rất “dịu dàng”. Chính phủ Mỹ đã có quan điểm tích cực với Việt Nam và những người có tâm lý khó khăn với Việt Nam giờ không còn nhiều. Ông nói chính phủ Mỹ làm chiến tranh chứ không phải người dân, nên người dân Mỹ cơ bản rất ủng Việt Nam.

Peter Nguyễn nói người Mỹ cho đến nay chưa đền bù cho chiến tranh, nhưng có nhiều người bạn với Việt Nam có lương tâm, đã nhìn thấy những sai trái của chính phủ gây ra. Họ đang cố vận động với chính phủ Mỹ để trợ giúp Việt Nam.

“Đối với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên họ thất trận. Họ chỉ muốn quên đi. Để quên đi thì điều tốt nhất là làm cho nó nguội lại. Nhưng năm nay Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã nói rằng nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm tháo dỡ bom mìn chưa nổ và giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam là một ưu tiên cao và đó là một tín hiệu tốt”, ông nói.

Cũng trong cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh Việt Nam tại Hà Nội ngày 16/4, ông Peter Nguyễn đã có cuộc trò chuyện thân mật với ông Bùi Thế Giang, cũng là một cựu chiến binh và hiện là Vụ trưởng Vụ Tây Âu và Bắc Mỹ kiêm Phó chủ tịch Hội Việt-Mỹ.

40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hai con người ở hai bên chiến tuyến xưa kia giờ đây bắt tay nhau thân mật, trò chuyện rôm rả và gọi nhau là bạn. Ông Giang nói rằng giữa họ có những điểm trùng hợp như cùng tuổi, đi lính cùng tháng cùng năm. Ông Giang đùa rằng họ phải cạn với nhau vài chén cho cuộc gặp gỡ hiếm có này.

An Bình