1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu binh Mỹ nghẹn ngào ngày trở lại Việt Nam

(Dân trí) - Cựu binh Mỹ David Martin Anderson đã không kìm được nước mắt khi kể lại câu nói từng làm cha ông bị sốc liên quan tới chiến tranh Việt Nam, trong chuyến trở lại đất nước hình chữ S lần đầu tiên kể từ năm 1969.


Cựu chiến binh Mỹ David Martin Anderson chụp ảnh với một cựu chiến binh Việt Nam tại Hà Nội.

Cựu chiến binh Mỹ David Martin Anderson chụp ảnh với một cựu chiến binh Việt Nam tại Hà Nội.

“Trở về nước sau thời gian tham chiến tại Việt Nam, tôi nói với cha mình rằng “nếu là người Việt Nam, con cũng trở thành bộ đội Việt Nam, vì họ đấu tranh cho chính nghĩa”. Ông ấy đã bị sốc với câu nói này của tôi”, David kể lại trong cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh Việt Nam tại Hà Nội.

David thừa nhận, trước khi sang Việt Nam tham chiến năm 1968, ông từng căm ghét Việt Nam. Nhưng khi trở về nước vào năm 1969, suy nghĩ của ông đã hoàn toàn thay đổi. Sau câu nói gây sốc với cha, ông tiếp tục nói với những người thân và bạn bè điều tương tự, dù có người ghét ông vì điều đó. Câu chuyện của David bị gián đoạn ở đây bởi ông quá xúc động và đã bật khóc khi nhắc lại những ký ức đó.

Sẽ trở lại để giúp Việt Nam

David đang tham gia chuyến đi nhằm tìm hiểu lịch sử, đất nước và con người Việt Nam của đoàn Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP) chi nhánh 160 của Mỹ, do ông Chuck Searcy - Phó Chủ tịch, và ông Chuck Palazza - Tổng thư ký VFP 160 tại Việt Nam, làm đồng trưởng đoàn.

Trong những ngày dừng chân tại Hà Nội, các cựu chiến binh Mỹ đã tham dự tọa đàm "Quan hệ Việt - Mỹ; vai trò cựu chiến binh trong quá trình hòa giải, những thách thức đang tồn tại vấn đề bom mìn, chất độc da cam; vấn đề an ninh khu vực - tình hình Biển Đông", do Hội Việt-Mỹ, thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tổ chức ngày 15/3.

Trao đổi bên lề tọa đàm, ông David đã gọi chuyến thăm lại Việt Nam lần này giống “một giấc mơ đã thành hiện thực”. Dù năm nay đã 71 tuổi và đi lại không bình thường, David vẫn quyết hiện thực hóa mong muốn thăm lại đất nước cách xa nơi ông đang sống nửa vòng trái đất. David nói ông cũng rất xúc động khi gặp gỡ các cựu chiến binh Việt Nam, những người từng ở bên kia chiến tuyến. Ông chủ động tới bắt tay, thăm hỏi, chụp ảnh cùng họ, dù hai bên không hiểu hết lời nhau do sự bất đồng ngôn ngữ.

David, hiện đang sống tại California, nói ông rất mong muốn trở lại Việt Nam. Cựu binh Mỹ cho hay ở tuổi trên 70 và với tình trạng sức khỏe hiện thời (David phải mang theo xe lăn tới Việt Nam để hỗ trợ di chuyển), ông không dám chắc chắn điều gì, nhưng nếu sức khỏe cho phép ông hi vọng có thể trở lại Việt Nam mỗi năm 1, 2 hay 3 tháng mỗi năm để làm gì đó cho đất nước này.

“Hậu quả chiến tranh vẫn còn nhiều, là bom mìn chưa nổ, là những đứa trẻ bị di chứng chất độc da cam. Thế hệ trẻ không liên quan gì tới chiến tranh nhưng chúng vẫn đang phải gánh chịu hậu quả. Tôi hi vọng có thể trở lại và góp phần giải quyết những tồn tại ấy”, David nói.

David cũng hi vọng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ, đưa nhân dân hai nước gắn kết nhau hơn.


Ông Chuck Searcy (giữa), người từng tham chiến ở miền nam Việt Nam những năm cuối 1960 và hiện là cố vấn quốc tế của Dự án RENEW, tham dự tòa đàm Việt-Mỹ.

Ông Chuck Searcy (giữa), người từng tham chiến ở miền nam Việt Nam những năm cuối 1960 và hiện là cố vấn quốc tế của Dự án RENEW, tham dự tòa đàm Việt-Mỹ.

Hòa giải để cùng phát triển

Tham dự tọa đàm, các đại biểu hai nước cũng đã trao đổi về quan hệ Việt-Mỹ, vai trò của cựu chiến binh trong quá trình hòa giải và phát triển quan hệ song phương, những thách thức tồn tại do hậu quả chiến tranh như bom mìn/vật liệu chưa nổ, chất độc da cam tại Việt Nam, quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, các vấn đề an ninh khu vực…

Các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ tham dự tòa đàm đều có quan điểm chung rằng dù trước đây họ là kẻ thù nhưng hôm nay họ là những người bạn, tìm đến với nhau để hiểu nhau hơn, để thúc đẩy hòa bình, hữu nghị hợp tác. Các cựu chiến binh hai nước cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực vì công việc hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh và giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh như bom mìn chưa nổ, vấn đề chất độc da cam và tìm kiếm, xác định quân nhân mất tích.

Ông Chuck Searcy, người từng tham chiến ở miền nam Việt Nam những năm cuối 1960 và hiện là cố vấn quốc tế của Dự án RENEW (Dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Quảng Trị), cho hay ông hiểu rõ hơn ai hết các hậu quả mà chiến tranh để lại. Trong hơn 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam kể từ năm 1995, ông đã thực hiện nhiều chuyến đi thực địa tới các vùng bị chiến tranh tàn phá, đóng góp nỗ lực cho việc rà phá các vật liệu chưa nổ để giúp Việt Nam trở thành một nơi an toàn hơn đối với người dân.

Nói về quan hệ Việt-Mỹ, Chuck chia sẻ ông sống ở Việt Nam đã lâu và gặp nhiều người trên khắp nước này, nhưng cho tới nay ông mới gặp 3 người không có thái độ tích cực đối với nước Mỹ. Sau nhiều năm, người dân hai nước giờ đây đã hiểu nhau và trở nên gắn kết, Chuck chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của một cựu chiến binh Mỹ rằng “Liệu người Việt Nam còn căm ghét người Mỹ vì chiến tranh hay không?”, ông Bùi Thế Giang, một cựu chiến binh và hiện là Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng kiêm Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, cho hay những người Việt Nam “không ưa” Mỹ hẳn vẫn còn, nhưng ông tin rằng con số này rất, rất nhỏ.

“Người Việt Nam đã gác lại một phần lịch sử đau thương và tha thứ cho người Mỹ. Việt Nam có thể phát triển như ngày nay là nhờ sự tha thứ và vươn lên. Nếu cứ giữ tâm lý thù hằn thì không thể phát triển”, ông Giang nhấn mạnh.


Ông Bùi Thế Giang phát biểu tại buổi tọa đàm Việt-Mỹ.

Ông Bùi Thế Giang phát biểu tại buổi tọa đàm Việt-Mỹ.

Tham dự tọa đàm với tư cách là một người Mỹ sinh sống tại Việt Nam nhiều năm, bà Suzanne Lecht, cho biết bà đã sống tại Việt Nam 22 năm và đất nước này giờ đã trở nên thân thuộc với bà. Suzanne đã kể lại một câu chuyện từ năm 1998 mà tới giờ bà nhớ rất rõ.

Khi đó, Việt Nam tổ chức đi xe đạp xuyên Việt dành cho các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam, cùng một số người Mỹ sống ở đây. “Khi đến Huế, chúng tôi có cuộc thảo luận theo nhóm. Trong nhóm của tôi có một cựu chiến binh khoảng 75 tuổi. Ông ấy nói rằng trước chuyến xe đạp ông căm ghét người Mỹ vì đã gây chiến tranh tại Việt Nam và từng chứng kiến cái chết của những người thân vì chiến tranh. Nhưng chuyến đi đã giúp ông ấy thay đổi quan điểm về người Mỹ”, Suzanne nhớ lại.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam với mục đích hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh. Họ đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa với mong muốn để chia sẻ và giảm đi nỗi đau của người dân Việt Nam. Cựu binh Mỹ Goerge Mizo là một điển hình. Ông Mizo là người đã bắt đầu công việc đó bằng việc xây dựng làng Hữu nghị Việt Nam và đến nay có nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức của Mỹ, và cá nhân khác ủng hộ và tiếp tục công việc này. Làng Hữu nghị Việt Nam là biểu tượng của tình hữu nghị giữa các nước.

Về phía Việt Nam, các cựu chiến binh tham gia buổi tọa đàm đã đề nghị các cựu chiến binh Mỹ gây sức ép, vận động với chính phủ Mỹ để bổ sung các nguồn lực nhằm giải quyết các hậu quả còn lại của chiến tranh. Việt Nam đề nghị phía Mỹ hỗ trợ kinh phí cho việc tìm kiếm các quân nhân mất tích thông qua xác định ADN, hỗ trợ các công nghệ radar và phóng xạ để tìm kiếm các hài cốt quân nhân trong lòng đất. Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn Mỹ có các cách thức nhằm hỗ trợ các cựu chiến binh Việt Nam phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Sau Hà Nội, đoàn cựu chiến binh sĩ sẽ có chuyến đi xuyên Việt tới ngày 30/3. Đoàn sẽ tham qua các danh lam thắng cảnh, các địa điểm chiến trường xưa, gặp gỡ các cựu chiến binh Việt Nam, thăm nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam và làm việc với hội nạn nhân chất độc da cam qua các địa điểm mà đoàn dừng chân tại Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

An Bình