Cuộc trò chuyện cuối cùng của vợ chồng bà Bhutto
(Dân trí) - Vào đêm diễn ra vụ ám sát bi thảm cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, chồng bà, ông Asif Ali Zardari, đã điện thoại cho vợ và ra sức ngăn cản bà tham gia cuộc tuần hành vào ngày hôm sau.
Cuộc điện thoại cuối cùng
Ông Zardari cho biết ông đã nài nỉ “Bibi” (biệt danh của bà Bhutto) tránh cuộc tuần hành chết người đó.
Ông Zardari, giờ đây là đồng chủ tịch đảng PPP của bà Bhutto, nói: “Tôi đã nói với cô ấy vì Chúa hãy cẩn thận, nhưng cô ấy lại bảo: “Em phải làm gì bây giờ? Em phải tới và gặp những người ủng hộ”. Tôi bảo cô ấy hãy ở nhà để tôi đi thay”.
Đó là nội dung cuộc trò truyện cuối cùng qua điện thoại giữa hai vợ chồng.
“Đó là một cú sốc. Sau khi cô ấy thoát nạn trong vụ đánh bom ở Karachi hồi tháng 10 năm ngoái, đúng vào ngày trở về Pakistan sau 8 năm lưu vong, chúng tôi đều nghĩ rằng cô ấy là một phụ nữ phi thường và có thể sống sót dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như thế”.
Ông Zardari nói về cuộc trò chuyện định mệnh giữa 2 người tại ngôi mộ của vợ ở Naudero thuộc tỉnh Sindh, nơi 9 ngày trước đó ông đã đưa bà Bhutto về chôn cất tại khu lăng mộ do chính bà xây dựng cho cha và các anh trai - tất cả họ đều bị giết.
Kể từ khi đó, hàng nghìn người đã tới đây, bằng xe tải, xe ngựa hoặc thậm chí là đi bộ, để cầu nguyện và rắc cánh hoa hồng tươi lên trên mộ bà Bhutto.
Trên đường phố bụi bặm tại Naudero, những khẩu hiệu màu mè được treo lên từ hồi tháng 10 nhằm chào đón Benazir trở về vẫn còn đó. Nhiều người đã tới tận nhà để chia buồn với ông Zardari. Một số người là người thân hoặc bạn lâu năm của bà Bhutto, còn một số khác coi bà như mẹ hay chị. Cảnh phụ nữ than khóc khiến nhiều người liên tưởng tới cái chết của Công nương Diana - “bông hồng xứ Wales”, cách đây 10 năm.
Việc đảm nhiệm cương vị chủ tịch PPP hiện nay khiến ông Asif Ali Zardari trở thành mục tiêu ám sát số 1 tại Pakistan. “Tôi không biết tôi cảm thấy thế nào nữa. Chết lặng và mất mát”.
Cặp đôi này đã kết hôn được 20 năm nhưng chỉ gần một nửa thời gian đó họ được sống với nhau, vì ông Zardari đã phải ngồi tù nhiều năm do bị buộc tội tham nhũng và âm mưu giết hại anh vợ.
Buổi tối định mệnh ngày 27/12, khi nghe tin người vợ 54 tuổi của mình bị bắn trong khi đang rời một cuộc tuần hành ở Rawalpindi, ông Zardari, 51 tuổi, đang ở nhà tại Dubai cùng với 3 con nhỏ.
“Tôi đang xem tivi với con trai thì nhận được một cuộc điện thoại nói rằng có chuyện gì đó đã xảy ra với cô ấy. Tôi nói hãy đưa ngay cô ấy tới bệnh viện và ngay sau đó tôi đã yêu cầu người phụ tá thu xếp máy bay để tôi và các con tới Pakistan. Nhưng trong khi tôi đang làm điều đó, bọn trẻ xem tin tức và thấy mẹ chúng đã chết, trước khi tôi kịp thông báo”.
Di chúc của bà Bhutto
Tân chủ tịch đảng PPP cũng giải thích về di chúc chính trị duy nhất của bà Bhutto, được đọc trước ban lãnh đạo PPP hôm 30/12, trong đó chỉ định ông Zardari là người kế nhiệm.
Ông Zardari cũng cho biết ông không hay biết gì về việc bà Bhutto thảo di chúc. “Ngày thi thể Bhutto về tới Naudero, một người từ Dubai đã nói: “tôi có di chúc mà bà ấy để lại””.
Di chúc của bà được viết vào ngày 16/10, hai ngày trước khi bà Bhutto trở về Pakistan. “Đó là ngày cô ấy được cảnh báo không nên trở về và cô ấy đã viết thư cho Tổng thống Musharraf bày tỏ sự lo ngại về một số người”.
Thông điệp mà bà Bhutto để lại cho đảng PPP là yêu cầu chuyển giao sự lãnh đạo cho người chồng Zardari cho tới khi con trai là Bilawal có thể đảm đương vị trí này. Bilawal, 19 tuổi, sẽ trở lại đại học Oxford vào tuần này để tiếp tục việc học. Bilawal từng tuyên bố rằng cậu thích mạng chia sẻ thông tin Facebook và phim ảnh hơn chính trị. Còn cô em gái Asifa, 14 tuổi, thì luôn luôn nói rằng cô muốn theo bước chân của mẹ trở thành thủ tướng.
Tương lai PPP sẽ đi về đâu?
Nói về con trai Bilawal, ông Zardari tâm sự: “Tất nhiên tôi lo lắng cho con. Nhưng chúng tôi sẽ phải cẩn thận hơn và bảo vệ an toàn cho Bilawal”. Ông Zardari cũng tin tưởng rằng Bilawal sẽ nối nghiệp mẹ Bhutto giống như bà đã làm sau khi cha bà, cựu thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 1977 và bị hành quyết 2 năm sau đó.
Chồng bà Bhutto tuyên bố sẽ điều hành PPP cho tới khi Bilawal hoàn thành việc học và lãnh đạo PPP cũng như tham gia tổng tuyển cử tại Pakistan khi cậu 25 tuổi. “Tôi có thể nói xin lỗi và trở về Dubai với các con. Nhưng tôi chấp nhận trở thành lãnh đạo PPP bởi Bhutto nghĩ tôi có trái tim và lòng dũng cảm để đứng lên chống lại thảm kịch này. Bhutto không chọn tôi vì tài năng”.
Ông Zardari cũng thừa nhận rằng bản thân ông là một nhân vật gây tranh cãi do những báo buộc tham nhũng. Nhưng ông nhấn mạnh việc ông phải ngồi tù 10 năm mà không bị kết án và rằng ông là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ.
Ông Zardari giờ đây phải giám sát chiến dịch vận động cho PPP trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức ngày 8/1 nhưng đã bị hoãn lại đến 18/2. Đây là một nhiệm vụ không dễ từ một ngôi nhà hẻo lánh trong một ngôi làng bụi bặm không có internet và thỉnh thoảng mới có điện. Báo thường được chuyển đến chậm hơn một ngày.
VTH
Theo Time