DNews

Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga làm xoay chuyển bàn cờ chiến sự?

Thành Đạt

(Dân trí) - Tác động của cuộc đột kích do lực lượng Ukraine tiến hành ở biên giới Nga sẽ phụ thuộc vào tính toán của Kiev và nỗ lực phản công của Moscow.

Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga làm xoay chuyển bàn cờ chiến sự?

Một diễn biến đáng kinh ngạc đã xảy ra tại châu Âu trong những ngày gần đây: Thay vì nhanh chóng "đánh bại" Ukraine - như hầu hết các nhà phân tích quân sự dự đoán khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng hơn hai năm trước - quân đội Nga đang phải nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các khu vực thuộc lãnh thổ của mình.

Theo ước tính của Reuters, chỉ sau một tuần đột kích vào vùng biên giới Kursk, quân đội Ukraine đã kiểm soát khoảng vài chục km2 lãnh thổ Nga. Trong khi đó, cho đến nay, Nga kiểm soát hơn 100.000km2 lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.

Dmitri Kuznets, một nhà phân tích chiến sự cho Meduza, một hãng tin độc lập của Nga có trụ sở tại Latvia, cho biết quân đội Ukraine rõ ràng đã tìm thấy lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Nga và khiến Moscow "trở tay không kịp".

Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov tuyên bố, sau khi tăng viện, Moscow đã ngăn chặn đà tiến công của Ukraine và ổn định tình hình. Tuy nhiên, Nga dường như vẫn chưa đẩy lùi quân Ukraine trở lại biên giới và lực lượng Kiev cũng đang tập hợp rất nhanh.

Một số nguồn tin cho biết, quân đội Ukraine đã tiến sâu 20-30km vào lãnh thổ Kursk, song thông tin chưa được xác thực. Trong khi đó, vào ngày 10/8, Moscow đã phát động một "chiến dịch chống khủng bố" ở 3 khu vực biên giới giáp với Ukraine để ngăn chặn cuộc tấn công.

Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga làm xoay chuyển bàn cờ chiến sự? - 1

Xe tăng Ukraine ở vùng Kursk (Ảnh: Kyiv Post/X).

Nhà phân tích Jonathan Eyal của Straits Times nhận định, chiến dịch đột kích của Ukraine khó có thể kéo dài lâu và cuối cùng quân đội Nga, với quy mô lớn hơn nhiều, cũng sẽ áp đảo và lực lượng Ukraine buộc phải rút lui khỏi biên giới.

Tuy nhiên, cuộc đột kích của Ukraine đã làm dấy lên sự hoài nghi về tuyên bố của Nga rằng, lực lượng Moscow đang trên đà giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Quan trọng hơn, bằng cách đưa quân qua biên giới, Ukraine đã bỏ qua "lời khuyên" của phương Tây, những quốc gia vốn kiên quyết phản đối hành động xâm nhập như vậy vào lãnh thổ Nga.

Chiến dịch đột kích có thể tác động đến diễn biến của cuộc chiến Nga - Ukraine trong tương lai.

Khi triển khai chiến dịch, quân đội Ukraine đã chứng minh được năng lực mới đáng chú ý. Kiev đã tập hợp được các đơn vị cơ giới với tổng cộng hơn 1.000 người mà không bị phát hiện và khiến quân đội Nga bất ngờ.

Đây là một bước tiến đáng chú ý trên chiến trường hiện nay, trong bối cảnh mạng lưới máy bay không người lái và các thiết bị điện tử khác có thể phát hiện nhanh chóng mọi hoạt động của đối phương.

Ngay ở biên giới Nga, quân đội Ukraine đã tập hợp hàng loạt xe bọc thép, thiết bị rà phá bom mìn và máy bay không người lái tự sát, xâm nhập vào lãnh thổ Nga. Ukraine cũng đã tiến hành trinh sát kỹ lưỡng trước đó và tìm ra tần số liên lạc của các đơn vị biên giới Nga; những tần số này đã bị gây nhiễu bằng tác chiến điện tử.

Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga làm xoay chuyển bàn cờ chiến sự? - 2

Bản đồ khu vực biên giới Nga - Ukraine (Ảnh: Washington Post).

Chuyên gia cho rằng, Ukraine có thể thực hiện được kế hoạch đột kích vì Moscow dường như coi khu vực mà quân đội Kiev tấn công có ưu tiên thấp và lực lượng Nga ở đó không được cung cấp thiết bị mới nhất.

Tại Ukraine, cuộc chiến giữa máy bay không người lái và thiết bị gây nhiễu chỉ là cuộc chạy đua nâng cấp phần mềm hàng ngày, khi mỗi bên tìm cách đánh bại thiết bị gây nhiễu của đối thủ. Nhưng vì quân đội Nga có lẽ chưa bao giờ coi cuộc xâm nhập của Ukraine vào sâu lãnh thổ Nga là kịch bản có thể xảy ra, nên lực lượng tuần tra trên bộ của Nga không được nhận những phiên bản nâng cấp mới nhất.

Kết quả là, quân đội Nga không chỉ ở trạng thái bị động vào ngày đầu tiên của cuộc đột kích từ Ukraine, mà máy bay không người lái của Moscow được cho là còn không hoạt động trong nhiều ngày sau đó.

Hơn nữa, quân đội Ukraine được cho là đã nhanh chóng kiểm soát thị trấn đường sắt Sudzha của Nga, nơi đóng vai trò là nút thắt quan trọng trong cả tuyến đường vận chuyển và đường ống cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu. Điều này đã làm gián đoạn nghiêm trọng các tuyến tiếp viện hậu cần của quân đội Nga.

Nga đưa thiết bị quân sự tới vùng Kursk

Tuy nhiên, yếu tố bất ngờ trong cuộc đột kích của Ukraine hiện đã không còn. Nga đang đưa lực lượng tiếp viện đến Kursk và số lượng lớn quân phòng thủ sẽ sớm làm thay đổi cán cân chống lại quân đội Ukraine. Quân đội Ukraine càng tiến sâu vào lãnh thổ Nga, các tuyến tiếp viện của họ càng kéo dài và họ càng dễ bị tổn thương.

Các nhà phân tích dự đoán quân đội Ukraine có thể đang điều động lực lượng để chuyển hướng lực lượng Nga khỏi các khu vực khác trên tiền tuyến ở miền Đông Ukraine. Nhưng sau đó, chính Ukraine cũng có nguy cơ chuyển nhiều binh lính hơn khỏi tuyến phòng thủ căng thẳng tại đây. Nếu Ukraine có ý định kiểm soát lãnh thổ Nga trong thời gian dài, điều đó cũng sẽ đòi hỏi một số lượng lớn binh lính Ukraine phải ở lại.

"Vẫn chưa biết liệu Nga có chuyển bất kỳ nguồn lực nào từ các khu vực trên tiền tuyến ở Ukraine để ngăn chặn cuộc tấn công này hay không. Có một số dấu hiệu cho thấy Nga đã bắt đầu phản công bằng các đơn vị thường trực, nhưng vẫn chưa rõ ràng", Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự tại Vienna, nhận định.

Theo Konrad Muzyka, một nhà phân tích quân sự của Rochan Consulting tại Ba Lan, Ukraine sẽ là bên thua cuộc nếu quân đội nước này bị đẩy lùi với tổn thất lớn.

Các nhà phân tích quân sự cho biết họ hoài nghi về việc Nga, quốc gia có quân đội và kho vũ khí lớn hơn nhiều so với Ukraine, sẽ buộc phải chuyển lực lượng từ các mặt trận ở Ukraine để bảo vệ biên giới của mình. Nga có lực lượng quân dự bị để có thể triển khai trên lãnh thổ nước này.

"Chiến dịch này rất táo bạo. Hãy cùng xem những ngày tới sẽ ra sao", Muzyka bình luận.

Nâng cao vị thế đàm phán

Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga làm xoay chuyển bàn cờ chiến sự? - 3

Xe tăng Ukraine khai hỏa ở vùng Kursk (Ảnh: Reuters).

Nhà phân tích Jonathan Eyal dự đoán, khả năng cao là cuộc tấn công của Ukraine sẽ sớm thất bại. Tuy nhiên, Kiev đã đạt được những lợi thế quân sự và chính trị đáng kể.

Cuộc đột kích của Ukraine sẽ buộc quân đội Nga phải chuyển hướng nguồn lực để bảo vệ lãnh thổ, khiến số lượng binh lính và trang thiết bị chiến đấu ở Ukraine giảm đi.

Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine tiếp tục bị tập kích trong các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay của Nga, cuộc đột kích của quân đội Ukraine vào lãnh thổ Nga giúp tiếp thêm động lực tinh thần cho người Ukraine. Trong trường hợp Ukraine bắt giữ binh lính Nga, Kiev sẽ có vị thế mạnh hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai về trao đổi tù binh.

Các quan chức Ukraine tuyên bố, việc đưa xung đột đến lãnh thổ Nga và khiến người dân Nga phải trải qua tình trạng sơ tán và bị tấn công giống như người dân Ukraine trong hai năm qua sẽ gây áp lực lên chính quyền Nga và cải thiện vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán trong tương lai nhằm chấm dứt chiến tranh.

Mặc dù các quan chức Nga khẳng định đà tiến công của Ukraine đã bị chặn lại, nhưng Moscow cũng tuyên bố triển khai "chiến dịch chống khủng bố" tại 3 khu vực dọc biên giới Ukraine. Điều này đòi hỏi Nga phải tăng cường an ninh cho các khu vực này.

"Trước chiến dịch, Ukraine không có gì để đàm phán. Nhưng bây giờ thì khác", một nhà ngoại giao phương Tây nói với Washington Post.

Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine hiện vẫn là cố vấn cho chính phủ, cho biết mục tiêu của Kiev không phải là kiểm soát lâu dài lãnh thổ Nga mà là thách thức Moscow để "chuyển hướng lực lượng, sự chú ý và nguồn lực của họ".

Nhà phân tích Konrad Muzyka nhận định Ukraine có thể giành được lợi thế nếu cuộc đột kích của Ukraine làm giảm các cuộc tấn công của Nga ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine, đồng thời cho phép Kiev duy trì sự hiện diện ở khu vực Kursk, qua đó cải thiện vị thế đàm phán của mình.

Mục tiêu chính trị

Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga làm xoay chuyển bàn cờ chiến sự? - 4

Ngôi nhà bốc cháy ở Sudzha sau cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào vùng Kursk của Nga (Ảnh: Reuters).

Theo các chuyên gia, mục tiêu quan trọng nhất của Ukraine khi mở chiến dịch Kursk là về chính trị. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đột kích có thể được sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Ukraine và Nga để chấm dứt giao tranh.

"Đây không phải là một cuộc đột kích, đây là một điều gì đó khác biệt. Vấn đề không phải là ở lại đó mãi mãi hay trong một thời gian dài, mà là vấn đề cố gắng trải dài lực lượng của họ. Tôi nghi ngờ rằng giới lãnh đạo Ukraine có những kế hoạch kiểm soát lãnh thổ Nga và duy trì điều đó vô thời hạn", Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine và hiện là chủ tịch Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine, một nhóm nghiên cứu độc lập, cho biết.

Cuộc đột kích là một đòn giáng mạnh vào Nga. Trong suốt cuộc chiến ở Ukraine, người Nga được trấn an rằng họ không phải lo sợ và cuộc chiến sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Đó là lý do giới chức Nga luôn gọi cuộc chiến này là "chiến dịch quân sự đặc biệt". Nhưng giờ đây, "lửa" xung đột đã lan sang lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, "đối tượng" quan trọng nhất mà Ukraine muốn tiếp cận thông qua cuộc đột kích vào lãnh thổ Nga lại là phương Tây.

Kể từ khi xung đột nổ ra cách đây hơn 2 năm, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine - đặc biệt là Mỹ - đã nhấn mạnh rằng Ukraine không được sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Kiev lập luận rằng lệnh hạn chế này không có ý nghĩa chiến lược, vì buộc Ukraine phải ở thế phòng thủ hoàn toàn và để phía Nga chủ động.

Bằng cách mở chiến dịch đột kích qua biên giới Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang tìm cách cho phương Tây thấy rằng, Nga chỉ có thể bị gây sức ép nếu cuộc chiến chuyển sang lãnh thổ Nga.

"Đây thực sự là một tín hiệu gửi đến phương Tây cũng như các đồng minh và đối tác của Ukraine rằng Kiev vẫn có khả năng tiến hành các hoạt động tấn công, rằng Ukraine có khả năng tiến hành các hoạt động khá phức tạp vào lãnh thổ của đối phương", chuyên gia Gady nhận định.

Cuộc đột kích diễn ra ngay khi các máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp bắt đầu được Không quân Ukraine đưa vào sử dụng. Các máy bay chiến đấu này sẽ tiếp thêm động lực cho chiến lược mới của Ukraine.

Có những dấu hiệu cho thấy Ukraine đã thành công trong việc thuyết phục phương Tây, ít nhất là cân nhắc đến việc chấp nhận nhiều rủi ro hơn khi đối đầu với Nga.

Mặc dù không xác nhận rõ ràng về sự hiện diện của thiết bị quân sự Mỹ trên lãnh thổ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 7/8 tuyên bố "các quyết định về cách Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự của mình là do Ukraine đưa ra". Điều này ngụ ý rằng Nhà Trắng đã "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng xe bọc thép Bradley do Mỹ cung cấp để vượt qua biên giới Nga.

Marcus Faber, chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Đức, cũng tuyên bố rằng ông "không thấy có vấn đề gì" với việc xe chiến đấu Marder do Đức sản xuất dẫn đầu cuộc đột kích của Ukraine.

Theo một nhà ngoại giao phương Tây tại Kiev, sau nhiều tháng suy giảm sự ủng hộ và quan tâm từ các nước đối tác phương Tây, Ukraine đã một lần nữa lôi kéo được sự chú ý.

"Ukraine đang cho thế giới thấy rằng nước này có khả năng chống trả. Hoạt động này diễn ra vào thời điểm hoàn hảo trước cuộc bầu cử Mỹ để đưa cuộc xung đột này trở lại đúng vị trí", quan chức phương Tây cho biết.

Vì vậy, mặc dù Ukraine được dự đoán sẽ sớm rút quân khỏi lãnh thổ Nga, nhưng nước này có thể đã đạt được rất nhiều lợi thế từ cuộc đột kích.

Lựa chọn của Ukraine

Cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga làm xoay chuyển bàn cờ chiến sự? - 5

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tham dự cuộc họp trực tuyến với ông Alexey Smirnov, quyền tỉnh trưởng tỉnh Kursk khi Ukraine mở chiến dịch đột kích (Ảnh: AFP).

Federico Borsari, thành viên chương trình an ninh và quốc phòng xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết cuộc đột kích của Ukraine đã gây áp lực buộc Nga phải chuyển hướng lực lượng và bảo vệ biên giới.

"Giờ đây, Nga sẽ quyết định họ muốn làm gì với cuộc tấn công này ở Kursk. Tôi nghĩ Nga sẽ cố gắng vượt qua áp lực, mặc dù điều này có nghĩa là họ có thể trao cho Ukraine một số lựa chọn ở nơi khác", ông Borsari nói.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc tấn công có gây ra tác động đáng kể nào đến tiền tuyến hay không, nơi Ukraine vẫn ở thế yếu khi phải cố gắng chống trả các cuộc tấn công của Nga bằng nguồn nhân lực cạn kiệt.

Rafael Loss, thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết chiến dịch Kursk có thể là một nỗ lực nhằm bù đắp những khó khăn của Ukraine.

"Vấn đề quan trọng nhất đối với Ukraine vào thời điểm này là nhân lực. Có lẽ tin tức về một cuộc đột kích táo bạo có thể thúc đẩy thêm một số tình nguyện viên Ukraine đăng ký nhập ngũ", chuyên gia nhận định.

Theo Tomasz Blusiewicz, một nghiên cứu viên tại Viện Hoover của Đại học Stanford, Ukraine có khả năng sẽ rút khỏi Kursk, nhưng chỉ sau khi buộc Nga phải dịch chuyển nhiều lữ đoàn ở tiền tuyến.

"Ukraine đã đạt được bước tiến to lớn khi buộc Nga phải di chuyển quân đội của mình, bằng cách chứng minh rằng Nga không có khả năng phòng thủ ở các khu vực khác. Đây là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Nga", chuyên gia Blusiewicz cho biết.

Theo nhà phân tích Brad Dress của The Hill, thay vì kiểm soát lãnh thổ Nga, kế hoạch của Ukraine có thể là tấn công các nguồn tài nguyên chiến lược ở Nga, bao gồm thiết bị và khu vực được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine. Việc bắt giữ tù binh và kiểm soát lãnh thổ cũng có thể được sử dụng trong các cuộc đàm phán và trao đổi tù binh. Các lực lượng Ukraine cũng tìm cách kiểm soát một trạm khí đốt ở Kursk và đã đe dọa một nhà máy điện hạt nhân của Nga gần đó.

Brock Bierman, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết cuộc đột kích này mang tính chiến lược khi nhắm vào một khu vực, nơi có các tài sản quan trọng của Nga mà Ukraine có thể phá hủy và loại bỏ như một mối đe dọa.

Ông nói thêm rằng đây cũng là "một cách để phân tán tiền tuyến" và buộc Nga phải "phân bổ lại các nguồn lực" để bảo vệ tài sản của mình. "Bây giờ họ sẽ phải suy nghĩ về cách phân bổ đó, không chỉ ở khu vực cụ thể mà còn dọc theo một đường biên giới rất dài", chuyên gia Bierman nhận định.

Nhà phân tích Mick Ryan của Kyiv Post đưa ra 3 kịch bản về cuộc đột kích của Ukraine.

Kịch bản thứ nhất là Ukraine củng cố khu vực mà họ đã giành quyền kiểm soát cho đến nay và sau đó bảo vệ các khu vực này cho đến khi có một số hình thức đàm phán diễn ra. Đây là lựa chọn có rủi ro cao nhất vì các vị trí của Ukraine có thể dễ dàng bị Nga giành lại.

Lựa chọn này có rủi ro cao vì việc duy trì quân đội chiến đấu trong một vùng lãnh thổ lớn sẽ rất khó khăn, cũng như phạm vi tác chiến điện tử và phòng không của lực lượng chiến đấu và hỗ trợ bên trong khu vực đó. Ukraine có thể không có đủ lực lượng để kiểm soát lâu dài một vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy.

Nếu lựa chọn kịch bản này, Ukraine có thể sẽ mất các tiểu đoàn và lữ đoàn, cũng như pháo binh, tác chiến điện tử và phòng không mà họ không thể để mất. Lựa chọn này, nếu diễn biến xấu, cũng sẽ làm mất đi thông điệp chiến lược mà Ukraine muốn truyền tải khi mở chiến dịch Kursk.

Mục tiêu của kịch bản này là tiếp tục gây ra rủi ro đáng kể cho chủ quyền và các tài sản quan trọng của Nga, đồng thời lôi kéo các lực lượng Nga trở về từ Ukraine. Nó cũng có thể tạo ra cho Ukraine một số đòn bẩy nếu buộc phải đàm phán trong tương lai gần.

Kịch bản thứ hai là Ukraine sẽ tiến hành rút lui một phần khỏi các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát, trở về khu vực có thể phòng thủ tốt hơn. Đây là một lựa chọn có rủi ro thấp hơn so với kịch bản 1. Kịch bản này sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có tiến hành rút lui về khu vực dễ phòng thủ hơn, cần ít quân hơn để phòng thủ và có thể được hỗ trợ bằng hỏa lực, hậu cần hay không.

Kịch bản thứ ba là Ukraine rút hoàn toàn khỏi vùng biên giới Nga. Điều này sẽ cho phép Ukraine tối đa hóa lợi thế chính trị và chiến lược mà nước này đã đặt ra khi mở chiến dịch đột kích, trong khi vẫn bảo toàn được một lực lượng lớn lực lượng chiến đấu giàu kinh nghiệm có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công tiếp theo trong năm nay hoặc năm sau.

Về bản chất, nếu chọn kịch bản này, Ukraine sẽ gửi thông điệp tới Nga rằng "chúng tôi có thể xâm nhập và gây tổn hại cho Nga nếu chúng tôi muốn, nhưng chúng tôi không muốn kiểm soát lãnh thổ nước láng giềng".

Với việc bảo toàn lực lượng Ukraine, có lẽ đây sẽ là kịch bản mang lại cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky động lực chính trị trong nước và nâng cao tinh thần của người Ukraine.

Theo Straits Times, New York Times, Washington Post, The Hill