Cuộc sống thời chiến bình thường ở thủ đô nước Nga
(Dân trí) - Gần 19 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, người dân Moscow đang trải qua thực tế kép: chiến tranh ít gây gián đoạn cuộc sống song vẫn luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày.
Các chuyến tàu điện ngầm vẫn chạy trơn tru như thường lệ ở Moscow dù việc di chuyển quanh trung tâm thành phố bằng ô tô có phức tạp và khó chịu hơn chút vì radar chống UAV gây cản trở các ứng dụng điều hướng.
Nhiều người dân ở Moscow có cuộc sống khá giả và sẵn sàng mua ô tô đắt đỏ và hiện đại của phương Tây. Và trong khi cuộc bầu cử thị trưởng địa phương diễn ra như thường lệ vào tháng này, nhiều cư dân thành phố đã không đi bỏ phiếu vì ngại di chuyển.
Gần 19 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, người dân Moscow đang trải qua thực tế kép: chiến tranh ít gây gián đoạn cuộc sống, nhưng nó vẫn luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày của họ.
Trong tháng này, thủ đô Moscow tung bay quốc kỳ màu đỏ, trắng và xanh để chào mừng lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 876. Các nhà lãnh đạo thành phố đã đánh dấu dịp này bằng một cuộc triển lãm kéo dài 1 tháng, mới kết thúc vào ngày 10/9. Nơi đây trưng bày hình ảnh ba chiều lớn nhất của đất nước với sức sống của thành phố 13 triệu dân như một đô thị vận hành thuận lợi và có tương lai tươi sáng. Theo ban tổ chức, hơn 7 triệu người đã đến tham quan triển lãm.
Người dân không mấy lo lắng về các cuộc tấn công bằng UAV nhắm vào Moscow vào mùa hè này, không có còi báo động nào cảnh báo về một cuộc tấn công có thể xảy ra.
Khi các chuyến bay bị trì hoãn do mối đe dọa từ UAV trong khu vực, lời giải thích được đưa ra thường giống với lời giải thích được dán trên các biển hiệu tại các cửa hàng sang trọng đã đóng cửa của các nhà thiết kế phương Tây: "lý do kỹ thuật".
Và thực tế là thành phố vẫn tiếp tục phát triển, chảy theo nhịp sống thường ngày.
Những chiếc cần cẩu rải rác trên bầu trời và những tòa nhà cao tầng mọc lên khắp thị trấn. Các thương hiệu mới, một số là thương hiệu "cây nhà lá vườn", đã thay thế các cửa hàng hàng đầu của phương Tây bao gồm Zara và H&M, vốn đã rời đi sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022.
"Chúng tôi tiếp tục làm việc, sinh sống và nuôi dạy con cái", cô Anna, 41 tuổi, nói khi đi ngang qua khu tưởng niệm tự phát trên vỉa hè tưởng nhớ thủ lĩnh tập đoàn quân sự Wagner, ông Yevgeny Prigozhin.
Mối lo "cơm áo gạo tiền"
Nhưng đối với một số người, ảnh hưởng của chiến tranh ngày càng rõ hơn trong cuộc sống "cơm áo gạo tiền".
Bà Nina, 79 tuổi, một người đã nghỉ hưu đang mua sắm tại siêu thị Auchan ở phía tây bắc Moscow, nói rằng lâu nay đã không dám mua thịt đỏ vì giá cao và bà gần như không bao giờ đủ khả năng để mua cả cá tươi. "Ngay bây giờ, vào tháng 9, giá đã tăng rất cao", bà nói.
Bà cho biết, các lệnh trừng phạt và các dự án xây dựng khắp nơi là một trong những nguyên nhân khiến giá cả tăng cao. Nhưng theo bà, lý do chính là "vì chi phí quá nhiều cho chiến tranh".
Trong cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Levada, khi được hỏi về những vấn đề lớn nhất mà Nga phải đối mặt, hơn 50% số người được hỏi cho biết đó là: giá cả tăng cao.
"Về nguyên tắc, mọi thứ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn", ông Aleksandr, 64 tuổi, cho biết. Thói quen mua sắm của ông ở cửa hàng tạp hóa không thay đổi, nhưng ông cho biết chưa thể đổi chiếc ô tô sang trọng mang nhãn hiệu phương Tây của mình để lấy một mẫu xe mới hơn.
"Lý do trước tiên là không có hàng", ông nói đồng thời lưu ý rằng, hầu hết các đại lý phương Tây đã rời khỏi Nga và các thương hiệu Trung Quốc đã dần vào thay thế.
Dấu vết chiến tranh đã thể hiện rõ bên ngoài các siêu thị và đại lý ô tô. Moscow có thể là một trong số ít thành phố ở châu Âu không có suất chiếu phim "Barbie" nổi đình đám trên toàn thế giới. Lý do là vì Warner Bros, hãng sản xuất bộ phim, đã rút khỏi Nga ngay sau khi chiến sự bùng nổ.
Các biển kêu gọi nhập ngũ được dán trên các bảng quảng cáo bên đường và trên các áp phích ở các cửa hàng tiện lợi. Tàu điện ngầm Moscow gần đây đã ngừng đưa ra thông báo bằng tiếng Anh mà chỉ có giọng nói tiếng Nga thông báo 2 lần ở mỗi điểm dừng.
Về mặt thẩm mỹ, Moscow cũng đang có sự thay đổi.
Hồi tuần trước, một bức tượng của Felix Dzerzhinsky, người sáng lập lực lượng cảnh sát chính trị Liên Xô, đã được khánh thành trước trụ sở của cơ quan tình báo nước ngoài. Đó là bản sao của bức tượng đặt trước trụ sở Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), vốn là cơ quan tình báo thời Liên Xô.