1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc sống ở thành phố Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên

(Dân trí) - Trong những ngày dư luận thế giới “sục sôi” vì Bình Nhưỡng thử thành công bom nhiệt hạch, tại thành phố Trung Quốc nằm ngay sát biên giới Triều Tiên, nhịp sống vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường.

Thờ ơ với "thế sự"


Du khách tản bộ trên cầu Đan Đông, bắc qua sông Áp Lục nối giữa Triều Tiên và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Du khách tản bộ trên cầu Đan Đông, bắc qua sông Áp Lục nối giữa Triều Tiên và Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Đan Đông là thành phố trực thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Với dân số 800.000 người, thành phố này chỉ cách Triều Tiên con sông Áp Lục. Trong khi dư luận thế giới lo ngại việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch ngày 3/9, mọi sinh hoạt ở Đan Đông dường như vẫn không có gì thay đổi.

Khách du lịch vẫn tản bộ cạnh bờ sông Áp Lục, những người bán hàng rong vẫn tấp nập chuẩn bị những món ăn vặt trên các con phố. Khi được hỏi về việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, một phụ nữ tại đây thắc mắc: “Vụ thử nghiệm nào thế?"

Tại một công viên ven sông, nơi một nhóm người cao tuổi tụ họp nghe nhạc truyền thống Trung Quốc và khiêu vũ, vẫn có vài người quan tâm đến “thế sự”. “Tôi cảm thấy lo lắng về tình hình. Nhưng tôi không nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra vì Trung Quốc và Triều Tiên luôn là bạn bè của nhau”, một phụ nữ lớn tuổi cho biết.

Giống người Hàn Quốc, người Trung Quốc sống tại Đan Đông không quá ngạc nhiên với các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Với họ, Bình Nhưỡng chỉ đang đơn giản hành động theo chiến lược đã được họ tuyên bố từ lâu.

Lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ một quốc gia khác là vào năm 1998 và lần thử nghiệm hạt nhân đầu tiên Bình Nhưỡng tiến hành vào năm 2006. Sự tiến bộ nhanh của Triều Tiên về mặt công nghệ có thể gây quan ngại cho các nước đối đầu với Triều Tiên, nhưng người Trung Quốc không mấy quan tâm.

Cửa ngõ kết nối Triều Tiên với thế giới

Cầu bắc qua sông Áp Lục về đêm. (Ảnh: Reuters)
Cầu bắc qua sông Áp Lục về đêm. (Ảnh: Reuters)

Khác với khu phi quân sự liên Triều (DMZ), tại Đan Đông, người ta có thể bơi từ phía bên này Trung Quốc qua Triều Tiên qua sông Áp Lục trong vài phút. Trung Quốc đã nỗ lực trong việc xây dựng hàng rào biên giới dài 1.400km với Triều Tiên những năm gần đây. Tuy nhiên, những khu vực không có hàng rào luôn là nơi những người Triều Tiên đào tẩu trốn qua.

Thêm vào đó, Trung Quốc nhận thấy lợi thế chiến lược của việc giúp đỡ duy trì nền kinh tế Triều Tiên vì ngoài việc Bình Nhưỡng là đồng minh của Bắc Kinh từ trong quá khứ, hai nước còn có đối thủ chung là Mỹ.

Tuy nhiên, điều khiến Trung Quốc tiếp tục giao thương với Triều Tiên thông qua cầu Đan Đông bắc qua sông Áp Lục có thể là vì Bắc Kinh sợ hậu quả của việc cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng. Việc đẩy Triều Tiên đến bờ vực của sự sụp đổ có thể sẽ khiến tình hình an ninh khu vực đông bắc Trung Quốc trở nên bất ổn do dòng người Triều Tiên ồ ạt đổ sang, cũng như những rủi ro khác khi Triều Tiên đang sở hữu hệ thống vũ khí hạt nhân nguy hiểm.

Quan trọng hơn, Bắc Kinh không thấy lập luận về việc ép Triều Tiên dừng phát triển chương trình hạt nhân của Washington có tính thuyết phục. Bản thân Triều Tiên đã có bài học nhãn tiền với Iraq và Libya, hai quốc gia đã thương lượng để từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân và Bình Nhưỡng sẽ không muốn bước tiếp vào “vết xe đổ” đó.

Xe tải Triều Tiên xếp hàng dài chờ thông quan vào Trung Quốc. (Ảnh: BBC)
Xe tải Triều Tiên xếp hàng dài chờ thông quan vào Trung Quốc. (Ảnh: BBC)

Kho chứa dầu ở ngoại ô Đan Đông là bằng chứng rõ ràng nhất về sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc. Hầu hết dầu thô để Triều Tiên vận hành quân đội và nền kinh tế được bơm qua biên giới từ kho này. Mỹ đã lập luận rằng tất cả những gì Trung Quốc cần làm là ngắt vòi cung cấp dầu sang Bình Nhưỡng.

Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu tự hỏi lợi ích của việc có một người láng giềng phát triển vũ khí hạt nhân là gì, nhưng Bắc Kinh tin rằng Mỹ là nguyên nhân cốt lõi của sự bất ổn đang diễn ra tại Bình Nhưỡng. Cho đến bây giờ, dầu thô vẫn đang chảy đều đặn qua Triều Tiên.

Một ông lão nghe nhạc trong công viên Đan Đông than vãn: “Chính Mỹ đã buộc Triều Tiên phải làm vậy. Mọi người đều muốn phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên".

Đức Hoàng

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm