Cuộc sống khốn khó của hàng triệu lao động "phổi đen" Trung Quốc
(Dân trí) - Hàng triệu lao động mắc bệnh "phổi đen" của Trung Quốc đang sống trong hoàn cảnh khó khăn với thu nhập trung bình tháng chỉ 61 USD, theo báo cáo của một tổ chức phi chính phủ.
SCMP dẫn báo cáo của tổ chức phi chính phủ Trung Quốc Love Save Pneumoconiosis (LSP) đưa tin, các lao động nhập cư mắc bệnh "bụi phổi" ở nước này đang sống trong hoàn cảnh khốn khó khi họ có thu nhập trung bình hàng tháng chỉ là 61 USD trong năm qua, thấp hơn rất nhiều mức trung bình 617 USD của nhóm lao động nhập cư khác.
Bụi phổi là bệnh không thể chữa khỏi, xuất hiện sau khi người bệnh tiếp xúc lâu dài với bụi ở nơi làm việc, và thường gặp nhất ở những người khai thác than. Đây là căn bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất ở Trung Quốc, dựa trên dữ liệu của chính phủ.
Theo báo cáo của LSP, có khoảng 6 triệu lao động nhập cư Trung Quốc đang mắc căn bệnh này.
Chủ đề về lao động nhập cư mắc bệnh, thường được gọi bằng cái tên "phổi đen", dự kiến sẽ được trao đổi tại kỳ họp "Lưỡng hội" của Trung Quốc - gồm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra vào đầu tháng 3 hàng năm.
Khi đại dịch Covid-19 càn quét trong năm qua, cuộc sống của lao động nhập cư ở Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn so với các nhóm khác, nhưng nhóm lao động nhập cư mắc bệnh "phổi đen" còn phải đối mặt với thách thức tài chính lớn hơn, theo khảo sát của LSP với sự tham gia của 600 lao động ở 7 tỉnh của Trung Quốc.
Theo khảo sát, năm ngoái, các hộ gia đình có lao động mắc bệnh "phổi đen" có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng chỉ là 61 USD, giảm 16% so với một năm trước đó, và 3% hoàn toàn không có thu nhập vào năm ngoái.
Khảo sát cũng chỉ ra 80% gia đình có công nhân mắc "phổi đen" không kiếm đủ sinh kế năm ngoái, tăng so với con số 64% năm 2019. Trung bình, khoản nợ mà các gia đình này phải gánh cao gần gấp đôi thu nhập của họ.
Khoảng 1/3 tổng chi tiêu của họ dùng để chi trả các hóa đơn y tế, nhưng chỉ một phần nhỏ có thể được hoàn lại thông qua bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn lao động. Theo ước tính của LSP, chỉ có 3,5% người lao động bị bệnh "phổi đen" có bảo hiểm tai nạn lao động.
Theo khảo sát, 3/4 công nhân mắc bệnh "phổi đen" không được ký hợp đồng lao động lao động và chưa đến 20% người sử dụng lao động cung cấp cho người lao động bằng chứng về việc thuê mướn họ.