1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc sống đơn độc của những người Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi đào tẩu tới Hàn Quốc, một số người Triều Tiên cảm thấy hối tiếc vì không thể quen với cuộc sống đơn độc xa gia đình, cũng như áp lực ở một xã hội hiện đại.

Cuộc sống đơn độc của những người Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc - 1

Nhóm người đào tẩu Triều Tiên di chuyển tới địa điểm tổ chức cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc hồi đầu tháng này (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Thi thể bị phân hủy của một người đào tẩu Triều Tiên được tìm thấy trong một căn hộ ở Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. Bà đã mất khoảng một năm trước đó mà không ai hay biết.

Người phụ nữ 49 tuổi trên khá nổi tiếng trong cộng đồng người đào tẩu Triều Tiên ở Hàn Quốc. Sau khi rời khỏi quê nhà vào đầu những năm 2000, bà được xem là một ví dụ thành công của chương trình tái định cư mà Hàn Quốc dành cho những người đào tẩu Triều Tiên. Bà thậm chí còn tư vấn cho những người đào tẩu khác về cách thích nghi với cuộc sống mới.  

Vì vậy, thông tin về cái chết của bà đã gây ra một cú sốc với nhiều người đào tẩu. Họ bất ngờ vì bà đã qua đời hơn một năm mà mới có người phát hiện ra.

Bà Lee Na-kyung, người đã rời Triều Tiên năm 2005 và hiện đang điều hành một hiệp hội hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ đào tẩu khác, cho biết: "Điều này cho thấy, cộng đồng những người đào tẩu Triều Tiên đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng".

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2019, Hàn Quốc phát hiện thi thể 2 mẹ con người Triều Tiên 2 tháng sau khi họ qua đời, được cho là do chết đói.

Về mặt lý thuyết, người Triều Tiên được xem là tương đối dễ thích nghi với cuộc sống mới ở Hàn Quốc hơn các nhóm người tị nạn khác. Dù có những khác biệt, nhưng về cơ bản là Triều Tiên và Hàn Quốc có ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán khá tương đồng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc là điều dễ dàng với nhiều người đào tẩu Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người đào tẩu. Kế hoạch được công bố vào năm 2022 có mục tiêu kết nối mạnh mẽ hơn người đào tẩu Triều Tiên vào xã hội Hàn Quốc, hỗ trợ tư vấn nâng cao sức khỏe tinh thần, khuyến khích người sử dụng lao động thuê người đào tẩu, cải thiện hệ thống giáo dục cho trẻ em.

Áp lực cuộc sống

Cuộc sống đơn độc của những người Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc - 2

Khu vực biên giới Hàn - Triều là một trong những nơi được quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới (Ảnh: AP).

Gần 34.000 người Triều Tiên đã đào thoát sang Hàn Quốc kể từ khi số liệu lần đầu được thống kê vào năm 1998. Đối với nhiều người, đây là một hành trình gian khổ. Vì biên giới giữa hai miền Triều Tiên là một trong những biên giới được quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới, nên hầu hết những người đào thoát trước tiên chạy sang Trung Quốc rồi tìm đường tới một nước thứ ba, ví dụ như Thái Lan. Sau đó, họ có thể nộp đơn xin tị nạn tới Hàn Quốc, nơi cấp cho họ quyền công dân sau khi kiểm tra an ninh.

Khi người Triều Tiên đến, Hàn Quốc cung cấp khoản hỗ trợ ban đầu trị giá 9 triệu won (6.900 USD), đào tạo nghề và trợ cấp cho người sử dụng lao động để thuê những người đào tẩu. Nhiều người đào tẩu sống gần nhau trong những dãy nhà chung cư giá rẻ, thường là những căn hộ 25m2 do chính phủ cung cấp.

Khi thời gian hỗ trợ kết thúc sau vài năm, họ phải tự lực cánh sinh và nhiều người đã gặp khó khăn vào lúc này. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người đào tẩu Triều Tiên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên toàn Hàn Quốc, gây ra áp lực nặng nề về cơm, áo, gạo, tiền.

Cuộc sống đơn độc của những người Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc - 3

Khu nhà ở cho người đào tẩu Triều Tiên mà chính phủ Hàn Quốc cung cấp (Ảnh: Bloomberg).

Theo một nghiên cứu năm 2022 của Viện Seoul, gần 90% những người đào tẩu ở Seoul cho biết họ gặp khó khăn trong việc ổn định nơi ở mới sau 10 năm đào thoát. Nhiều người thậm chí đã có ý định tự tử vì cuộc sống trở nên căng thẳng và khó khăn.

Đại dịch Covid-19 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, theo bà Joanna Hosaniak từ tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ người đào tẩu Triều Tiên. Công việc khó kiếm hơn, việc tương tác giữa người với người ít dần đi, và hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên phức tạp với những người không quá quen sử dụng công nghệ để đặt chỗ qua điện thoại thông minh và máy tính. Bà Hosaniak nêu một thực trạng xảy ra khi nhiều người đào tẩu Triều Tiên đã bị phát hiện qua đời trong đơn độc nhiều tháng sau khi họ nhắm mắt, xuôi tay.

Đối với người đào tẩu Im Su-ryuh, 51 tuổi, Covid-19 đã khiến bà tự vấn chính mình về quyết định rời khỏi Triều Tiên. Dù cuộc sống đã tốt hơn với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc, nhưng bà Im không thể vơi bớt nỗi nhớ nhà.

"Tôi thường khóc vì nhớ gia đình mà tôi đã bỏ lại. Đã 3 năm rồi, nhưng tôi vẫn mơ về Triều Tiên", bà nói.

Trong khi đó, bà Lee, một người đào tẩu tới Hàn Quốc năm 2017, thừa nhận: "Tôi rất cô độc. Tôi muốn về lại Triều Tiên và qua đời ở đó".

Theo Bloomberg