1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc "so găng" của hỏa lực Nga - phương Tây tại chiến trường Đông Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, khi Nga đang tiến hành giai đoạn 2 chiến dịch quân sự ở Ukraine, chiến trường Donbass đang chứng kiến cuộc đối đầu dữ dội giữa lựu pháo do Moscow và phương Tây sản xuất.

Cuộc so găng của hỏa lực Nga - phương Tây tại chiến trường Đông Ukraine - 1

Một lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Theo Eurasian Times, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đang chủ yếu diễn ra ở Donbass, Đông Ukraine, cả Moscow và Ukraine đang bước vào một cuộc đối đầu mới giữa các lựu pháo - những vũ khí uy lực và có sức công phá mạnh mẽ hàng đầu thế giới.

Nhà quan sát quân sự David Axe viết trên Forbes rằng, cả Nga và Ukraine thời gian qua đều triển khai thêm hỏa lực hạng nặng tới chiến trường, khiến giao tranh trở nên dữ dội.

Nga, một cường quốc quân sự, sở hữu lượng lớn các hỏa lực, đạn cối hạng nặng và gây ra không ít thiệt hại cho Ukraine. Các chuyên gia cho rằng, trong vài tuần tới, Nga sẽ tiếp tục tận dụng việc phóng hỏa lực hàng loạt để tạo lợi thế trên chiến trường.

Trong khi đó, theo Eurasian Times, hầu hết các hệ thống pháo của Ukraine đều đã ít nhất 30 năm tuổi và có tầm bay tương đối ngắn. Mặc dù vậy, Ukraine gần đây đã được Mỹ tiếp viện cho các hệ thống lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm - đối thủ được xem là xứng tầm với dàn hỏa lực mạnh mẽ của Nga. M777 được xem sẽ giúp Ukraine gia tăng năng lực của lực lượng pháo binh vì tầm tấn công xa và độ chính xác cao.

Theo các chuyên gia, chính M777 đã giúp Ukraine ngăn chặn thành công việc lực lượng Nga băng qua sông Seversky Donets trong nhiều ngày, ngăn Moscow tạo thế gọng kìm vây bọc phần lãnh thổ Donbass mà Ukraine vẫn đang kiểm soát.

Cuộc so găng của hỏa lực Nga - phương Tây tại chiến trường Đông Ukraine - 2

Pháo tự hành 2S5 Giatsint-S của Nga (Ảnh: Wikimedia).

Nga đã đưa tới chiến trường các khẩu pháo và đạn cối cỡ lớn hàng đầu trong kho vũ khí, như pháo tự hành 2S7 203mm và pháo cối tự hành 2S4 240mm. Đạn pháo của những loại này có sức công phá lớn, dễ xuyên qua các công trình dưới lòng đất và boong-ke kiên cố.

Trong diễn biến gần nhất, Nga đã đăng tải đoạn video ghi lại khoảnh khắc pháo tự hành Giatsint-S 152mm của Moscow đấu tay đôi với M777 ở khu vực Podgornoye. Theo Nga, tổ hợp M777 đã bị phá hủy.

Nga cho biết, Giatsint-S có khả năng phá hủy các cứ điểm, công sự, khí tài quân sự Ukraine.

Ngoài ra, Nga cũng triển khai siêu pháo nhiệt áp hạng nặng TOS-1A của Nga khai hỏa vào các mục tiêu Ukraine. Đây là hệ thống phóng đa nòng gồm 24 tên lửa nhiệt áp, có khả năng nhằm vào binh sĩ, khí tài và bất kỳ công sự nào của đối phương trong khu vực rộng tương đương 6 sân bóng đá, lên tới 40.000m2.

Trong môi trường nhất định, nhiệt độ từ đầu đạn nhiệt áp của Solntsepyok có thể đạt tới mức 1.000 độ C mang lại sức công phá đáng kể. Chính vì vậy, hệ thống này được gọi là "lửa mặt trời". Đây là siêu pháo có sức công phá rất lớn. 

Mặt khác, các chuyên gia lưu ý rằng, hiện chưa thể so sánh được hiệu quả tác chiến của lựu pháo Nga và phương Tây, do Mỹ vẫn đang trong quá trình huấn luyện binh sĩ Ukraine làm quen với hệ thống vũ khí mới. Cục diện của cuộc đối đầu này có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Video siêu pháo "lửa mặt trời" Nga phóng hỏa lực vào mục tiêu Ukraine

Theo Eurasian Times, Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine