1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều: Cơ hội biến điều không thể thành có thể

(Dân trí) - Những chuyển biến nhanh chóng trong môi trường chính trị khu vực và toàn cầu cùng phong cách lãnh đạo khác biệt của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả khả quan cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Hàng chục năm mất lòng tin và các thỏa thuận liên tục bị phá vỡ trong suốt chiều dài lịch sử khiến không mấy người lạc quan về hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau. Tuy nhiên, lịch sử không phải lúc nào cũng lặp lại và những gì từng xảy ra trong quá khứ chưa chắc sẽ tái diễn.

Sự thay đổi tích cực

Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có cơ hội đạt được kết quả tích cực, thay vì đi vào vết xe đổ như những lần trước đây, thành tựu đó không chỉ bắt nguồn từ quyết tâm chính trị của các bên, mà còn từ những thay đổi về bối cảnh trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên. Theo chuyên gia Rodger Baker tại tổ chức tình báo địa chính trị Stratfor, chỉ cần Mỹ và Triều Tiên chấp thuận thảo luận với nhau để lên kế hoạch cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un, điều đó đã được xem là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi đáng kể trong vấn đề Triều Tiên.

Việc Mỹ và Triều Tiên sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở cấp cao nhất đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc so với các cuộc tiếp xúc trong quá khứ giữa hai nước, mặc dù những yêu cầu do hai bên đưa ra trước khi bước vào bàn đàm phán từ trước đến nay vẫn không có sự thay đổi. Về phía Mỹ, nước này vẫn yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Trong khi đó, điều Triều Tiên kỳ vọng là Mỹ sẽ rút các máy bay có thể mang vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, đồng thời đưa ra sự bảo đảm về an ninh, bao gồm cam kết không tấn công Triều Tiên hoặc gây tổn hại tới chính quyền Triều Tiên. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng muốn thay thế thỏa thuận đình chiến tạm thời trên bán đảo Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình và Mỹ - Triều có thể thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Theo chuyên gia Baker, đây chỉ là những vấn đề mang tính chiến thuật do Mỹ và Triều Tiên đưa ra, chứ không hẳn là động lực chiến lược để hai nước có thể xích lại gần nhau. Triều Tiên từ lâu đã coi việc phát triển vũ khí hạt nhân có tầm phóng xa là điều kiện sống còn để bảo đảm sự tồn vong của chế độ. Tuy vậy, bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng cũng khiến mục tiêu tồn vong của Triều Tiên thay đổi theo.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hồi sinh của Nhật Bản khiến bán đảo Triều Tiên một lần nữa rơi vào tình thế bị lọt thỏm giữa các cường quốc khu vực. Do vậy, nếu bán đảo Triều Tiên tiếp tục chia rẽ, họ càng dễ bị các thế lực bên ngoài lợi dụng.

Bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt căng thẳng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt căng thẳng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Sự sống còn của chế độ phụ thuộc chủ yếu vào sức mạnh của quốc gia. Trong khi đó, việc bị cô lập hay phụ thuộc vào Nga hay Trung Quốc đều không mang lại cho Triều Tiên sự tự chủ trong hành động. Cán cân quyền lực trong khu vực thay đổi buộc Triều Tiên phải phá vỡ vỏ bọc “biệt lập” mà nước này theo đuổi từ trước đến nay.

Đối với Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng làm thay đổi những ưu tiên trong chiến lược của Washington. Trong hơn 15 năm qua, Mỹ đã sa lầy trong các cuộc chiến tranh ở nước ngoài, trong đó nhắm mục tiêu vào các thực thể phi nhà nước như các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên những chuyển biến trong môi trường cạnh tranh giữa các đối thủ khiến Washington nhận ra rằng nước này cần thay đổi sự tập trung về tầm nhìn chiến lược, trong đó lấy Trung Quốc làm trọng tâm.

Việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên có thể trao cho Mỹ cơ hội tái định hình bối cảnh chiến lược tại khu vực châu Á và tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Các lực lượng quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên sẽ đóng vai trò như lực lượng cân bằng chiến lược và có thể được sử dụng để ứng phó với các thách thức chiến lược lớn hơn trong khu vực. Ngoài ra, trong mắt Trung Quốc, một Triều Tiên trung lập hoặc có thiện chí hợp tác hơn với Mỹ chính là một phần trong vòng vây kiềm tỏa ngày càng mở rộng của Washington. Và đó cũng là điều mà Mỹ muốn Trung Quốc nhận thấy.

Vai trò của nhà lãnh đạo

Chuyên gia Baker cũng chỉ ra một yếu tố khác dẫn tới sự chuyển biến trong vấn đề Triều Tiên cũng như quan hệ Mỹ - Triều, đó là vai trò của hai nhà lãnh đạo. Cả ông Trump và ông Kim Jong-un đều là những gương mặt khá mới và có phong cách lãnh đạo “phi truyền thống”.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã cho thấy ông không phải nhà lãnh đạo tự ràng buộc mình với những lập trường chính trị truyền thống như các thế hệ tiền nhiệm. Điều này đã “mở đường” cho Tổng thống Trump, để ông sẵn sàng triển khai những hành động mà các chính trị gia chuyên nghiệp truyền thống có thể coi là bất khả thi về mặt chính trị.

Khoảnh khắc bắt tay lịch sử của hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều

Việc ông Trump đồng ý gặp mặt ông Kim Jong-un trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh cũng đã cho thấy sự bất thường, phá vỡ các chuẩn mực chính trị thường thấy. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp này, công chúng Mỹ cũng không thể chỉ trích Tổng thống Trump “cúi mình” trước Triều Tiên vì ông từng đưa ra rất nhiều tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong khi đó, tại Triều Tiên, sự thay đổi về thế hệ lãnh đạo thậm chí còn rõ nét hơn so với Mỹ. Ông Kim Jong-un đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ ba của chính quyền và giới tinh hoa Triều Tiên. Hệ tư tưởng của ông được định hình theo cách hoàn toàn khác so với thế hệ của cha và ông nội. Mặc dù các thế hệ lãnh đạo tại Triều Tiên vẫn kết nối với nhau thông qua các chính sách và nền tảng của lịch sử, song nhà lãnh đạo đương nhiệm của nước này đã cho thấy sự thay đổi rất nhiều.

Thế hệ đầu tiên của Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Nhật Thành, là những nhà cách mạng thực sự - những người đã chiến đấu chống lại quân Nhật, quân Mỹ và xây dựng đất nước Triều Tiên. Thế hệ thứ hai do ông Kim Jong-il, con trai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, lãnh đạo chủ yếu được đào tạo ở Liên Xô và Trung Quốc, và đa phần là những nhà kỹ trị.

Tuy nhiên tới thập niên 1990, giới tinh hoa Triều Tiên bắt đầu học theo hình mẫu Trung Quốc và đưa con cái họ theo học các ngôi trường ở Đông Âu. Kết quả là thế hệ thứ 3 của Triều Tiên, hiện là những người đang nắm quyền lực tại Triều Tiên, hiểu biết tốt hơn và tương tác nhiều hơn với phương Tây so với thế hệ cha mẹ. Thệ thứ ba cũng có cách hiểu khác hơn về phương pháp nắm giữ quyền lực và tạo ảnh hưởng trong một đất nước Triều Tiên cởi mở hơn và kết nối nhiều hơn về kinh tế.

Những trải nghiệm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và chính quyền của ông, cùng với những chuyển biến trong bối cảnh khu vực và toàn cầu, đã mang lại cho Triều Tiên những cơ hội mới trước khi bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử với Tổng thống Trump. Vấn đề đặt ra bây giờ là liệu sự thay đổi của Triều Tiên có thể “hòa nhịp” với môi trường chính trị hiện tại của Mỹ hay không để tạo ra những kết quả khả quan sau khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt.

Thành Đạt

Theo Fortune

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm