1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cuộc đối đầu kịch tính giữa ông Trump và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ

Thanh Thành

(Dân trí) - Chiến dịch khám xét tư dinh Mar-a-Lago được xem là biện pháp cuối cùng của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia (NARA) với cựu Tổng thống Donald Trump nhằm tìm kiếm các tài liệu mật trong hơn 1 năm qua.

Cuộc đối đầu kịch tính giữa ông Trump và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ - 1

Ông Trump nhiều lần vướng chỉ trích vì không quan tâm đến việc bảo quản tài liệu mật đúng cách (Ảnh: AP).

Trong gần 3 tuần kể từ khi các đặc vụ Cục Tình báo Trung ương (FBI) đột kích khám xét tư dinh Mar-a-Lago tại bang Florida của ông Trump để tìm kiếm các tài liệu mật, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ (NARA) trở thành mục tiêu bị đe dọa liên tục. Công việc thường nhật của các quan chức NARA vì thế cũng bị xáo trộn.

Hôm 25/8, người đứng đầu cơ quan này đã gửi một email tâm thư cho nhân viên. Mặc dù nội dung email mang tính học thuật và pháp lý, thông điệp từ vị quyền lãnh đạo Debra Steidel Wall rất đơn giản: Hãy vượt lên trên xung đột và bám sát sứ mệnh.

"NARA nhận được những cáo buộc rằng chúng tôi tham nhũng và âm mưu chống lại cựu Tổng thống, hoặc chúc mừng NARA vì đã hạ bệ ông ấy", bà Steidel Wall viết trong thông điệp gửi toàn cơ quan.

Nội dung email cũng nêu rõ câu chuyện về "cuộc chiến" kéo dài hơn một năm qua giữa NARA và cựu Tổng thống Trump về các tài liệu mật và các hồ sơ khác mà ông được cho là đã mang đi sau khi rời nhiệm sở.

Từ khi ông Trump rời nhiệm sở, các quan chức NARA đã gửi email, gọi điện và kêu gọi cựu tổng thống và các đại diện của ông tuân theo pháp luật và trả lại các tài liệu.

Khi NARA thu hồi 15 thùng tài liệu từ Mar-a-Lago hồi tháng 1, các quan chức đã tìm thấy một đống giấy tờ lộn xộn ở đây. Hồ sơ được phân loại mật được trộn lẫn với các tờ báo và thực đơn bữa tối. Và các quan chức tin rằng, nhiều tài liệu đã bị mất.

Cuộc đối đầu âm thầm, kịch tính

Những gì xảy ra tiếp theo được xác định là bước đi bước ngoặt của NARA khi họ có động thái chưa từng có: chuyển vấn đề lên Bộ Tư pháp, mở ra một chương mới đầy kịch tính trong cuộc đối đầu âm thầm giữa hai bên.

Cuộc đối đầu kịch tính giữa ông Trump và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ - 2

Hôm 26/8, FBI đã kiểm tra 15 thùng tài liệu mà NARA thu giữ hồi tháng 1 và phát hiện trong đó chứa các tài liệu mật (Ảnh: AP).

Sau cuộc khám xét của FBI vào ngày 8/8, ông Trump và các đồng minh đã mở một loạt cuộc tấn công nhằm vào các đối thủ.

"Tất cả điều họ làm là hỏi, hỏi và hỏi. Vấn đề lớn hơn là họ sẽ làm gì với 33 triệu trang tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu đã được phân loại, mà cựu Tổng thống Obama đã mang đến Chicago?", ông Trump viết trên trang mạng xã hội riêng Truth Social hôm 12/8.

Những hành động gần đây của ông Trump càng khiến những người ủng hộ được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống lại NARA. Ông cũng đã trao quyền cho một số đồng minh chính trị thân cận nhất đại diện cho ông trong các cuộc trao đổi với cơ quan này.

Đại diện của các cựu tổng thống thường là luật sư, nhà sử học hoặc thành viên gia đình. Các đại diện thường giải quyết các vấn đề như đàm phán yêu cầu đặc quyền, thiết lập thư viện tổng thống hoặc nghiên cứu hồi ký tổng thống.

Nhưng đây là một tiêu chuẩn khác mà Trump đã phá vỡ. Vào tháng 6, thời điểm Bộ Tư pháp tăng cường truy tìm tài liệu tại Mar-a-Lago, ông Trump đã chỉ định hai đại diện lo cho ông việc này. Đây là hai nhân vật chuyên tập trung vào việc công khai các tài liệu mà họ cho rằng sẽ minh oan cho ông Trump đồng thời giáng đòn mạnh vào FBI: Kash Patel và John Solomon.

Ông Patel, cựu trợ lý Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, đã hạ thấp uy tín cuộc điều tra về mối quan hệ của chiến dịch bầu cử của ông Trump với sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.

Sau khi FBI khám xét Mar-a-Lago, ông Patel tuyên bố trong các bài đăng trên mạng xã hội cũng như các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông rằng, đây là một phần của nỗ lực liên tục của phe Dân chủ nhằm che đậy những tài liệu đó.

Trong khi đó, ông Solomon, người điều hành trang mạng JustTheNews, đã công bố bức thư của bà Steidel Wall gửi các đại diện pháp lý của ông Trump thông báo về quyết định cho phép FBI mở các thùng tài liệu tịch thu từ tháng 1.

Ông tuyên bố, bức thư là bằng chứng cho thấy nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc điều tra tội phạm về "đối thủ của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020".

Cuộc chiến bắt đầu từ đâu?

Cuộc chiến hồ sơ mật giữa NARA và ông Trump bắt đầu khi ông vẫn còn là tổng thống, theo Washington Post.

Gary M. Stern, luật sư hàng đầu của NARA, được cho là đã bắt đầu yêu cầu các luật sư của cựu Tổng thống trả lại 20 thùng tài liệu mà ông Trump cất giữ tại Nhà Trắng trước khi ông rời đi.

Trong một email mà luật sự Stern viết cho nhiều người, trong đó có cố vấn của ông Trump là Pat Cipollone, yêu cầu này trên được đồng ý nhưng cuối cùng ông Trump đã không trả lại.

Trong nhiều tháng, luật sư Stern đã gửi email, gọi điện cho các đại diện của ông Trump, vừa thúc giục, vừa cảnh báo, vừa nài nỉ họ "chỉ cần gửi trả lại tài liệu".

"Chúng tôi biết mọi thứ đang rất hỗn loạn", luật sư Stern viết trong một email vào tháng 5, sau khi mô tả tất cả các tài liệu mà NARA cần ông Trump trả lại...  Ông Stern sau đó nhấn mạnh, "điều hoàn toàn cần thiết là chúng tôi phải thu thập và giải trình tất cả các hồ sơ tổng thống".

Theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, các tài liệu dành cho tổng thống sẽ được xem là tài sản công và được NARA quản lý sau khi vị tổng thống đó kết thúc nhiệm kỳ.

Khi ông Trump rời Nhà Trắng vào tháng 1/2021, NARA đã yêu cầu tìm kiếm, thu hồi nhiều tài liệu quan trọng vẫn chưa được thu lại. Những gì sau đó là nhiều tháng tranh cãi giữa ông Trump và NARA.

Mọi chuyện đáng lẽ đã được giải quyết khi ông Trump bàn giao lại 15 hộp tài liệu cho Cục Lưu trữ hồi tháng 1. Tuy nhiên, các quan chức cơ quan lưu trữ lập tức phát hiện không có ghi chú hay biên nhận mô tả những gì có trong mỗi thùng hồ sơ. Thay vào đó, những bộ tài liệu được chất đống lộn xộn, bao gồm giấy báo, thực đơn bữa tối.

Bên trong nội bộ NARA, quyết định để các đặc vụ FBI được quyền truy cập 15 thùng tài liệu cũng rất căng thẳng. Bà Steidel Wall đã cân nhắc, tham khảo chặt chẽ ý kiến của đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên cấp cao.

Hiện NARA chưa có lãnh đạo chính thức. Bà Steidel Wall, hiện là quyền lãnh đạo, bắt đầu làm việc tại cơ quan vào năm 1991 với tư cách là một thực tập sinh ngành lưu trữ.

Hôm 27/8, Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) của Mỹ Avril Haines gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff và Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện Carolyn Maloney để thông báo rằng Bộ Tư pháp và DNI đang làm việc cùng nhau để xem lại nội dung những tài liệu được lấy từ vụ khám tư dinh cựu Tổng thống Trump.

Hôm 26/8, FBI đã kiểm tra 15 thùng tài liệu mà NARA thu từ khu nghỉ dưỡng hồi tháng 1, phát hiện trong đó chứa 184 tài liệu mật, trong đó gồm 67 tài liệu mật, 92 tài liệu tối mật và 25 tài liệu tuyệt mật. NARA lo ngại vì những tài liệu này được để lẫn với nhiều giấy tờ, hồ sơ khác.

"Chúng tôi cho rằng trong số các tài liệu được cất giữ tại Mar-a-Lago có những tài liệu có thể gây nguy hiểm cho con người", cả bà Maloney và ông Schiff  đều tuyên bố nêu rõ.

Chưa có tiền lệ

Trong lịch sử, các tổng thống Mỹ vẫn cất giữ giấy tờ của riêng họ sau khi rời nhiệm sở và quyền sở hữu cá nhân này chưa bao giờ bị thách thức, theo một bài báo năm 2006.

Cuộc đối đầu kịch tính giữa ông Trump và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ - 3

Dinh thự của ông Trump bị khám xét hôm 8/8 (Ảnh: Reuters).

Khi cựu Tổng thống Nixon từ chức, ông đã lên kế hoạch hủy các hồ sơ của Nhà Trắng, bao gồm cả băng ghi âm của Phòng Bầu dục, vốn là trung tâm của vụ bê bối Watergate.

Quốc hội đã can thiệp và thông qua Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, trong đó yêu cầu Nhà Trắng lưu giữ tất cả các thông tin liên lạc bằng văn bản liên quan đến nhiệm vụ chính thức của tổng thống: bản ghi nhớ, thư từ, ghi chú, email, fax và các tài liệu khác... rồi chuyển vào kho lưu trữ.

Nhiều sự cố xảy ra sau đó khiến NARA "nóng mặt".

Năm 2005, cựu Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Bill Clinton, Sandy Berger, đã nhận tội xóa và tiêu hủy các tài liệu mật từ Cơ quan Lưu trữ liên quan đến cuộc điều tra của Ủy ban 11/9. 

Và đến vụ việc của cựu Tổng thống Trump như "giọt nước làm tràn ly".

Jason R. Baron, giáo sư tại Đại học Maryland và là cựu giám đốc tố tụng của NARA cho biết, vấn đề của ông Trump là chưa từng có. "Rõ ràng là các nhân viên của NARA đã nỗ lực để khôi phục hồ sơ tổng thống nhưng đã bị ông Trump từ chối nhiều lần", ông nói.

Sự phớt lờ của ông Trump đối với hệ thống lưu trữ hồ sơ của tổng thống mà ông bị ràng buộc về mặt pháp lý dường như ngày càng rõ ràng. Và trong khi các cố vấn liên tục cảnh báo ông về việc cần phải tuân theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống ngay từ đầu trong nhiệm kỳ, ông Trump luôn đối mặt với những chỉ trích trong việc xử lý và bảo quản tài liệu mật.

Stephanie Grisham, một cựu nhân viên cấp cao của Nhà Trắng, giải thích: "Bất kỳ tài liệu nào được đưa đến Nhà Trắng đều là những chiếc hộp mà Trump mang theo bên mình".

Những hộp tài liệu được cho là thậm chí còn đi cùng ông Trump trong các chuyến công du nước ngoài, theo ông đến các phòng khách sạn trên khắp thế giới, bao gồm cả các quốc gia được coi là đối thủ của Mỹ.

Ông Trump đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào trong việc từ chối chuyển giao tài liệu, cho rằng  tài liệu đó là của ông và không cần phải trả lại cho cơ quan lưu trữ.

Tuy nhiên, ngay cả một số cố vấn thân cận nhất của Trump cũng không đoán trước được rằng, mọi việc lại dẫn đến một cuộc đột kích bất ngờ của FBI tại Mar-a-Lago và ông Trump có thể vi phạm Đạo luật Gián điệp, cùng một số cáo buộc liên quan đến vi phạm quy định bảo mật, xử lý tài liệu mật, một tội danh có thể bị lĩnh án tù.

Theo Washington Post