1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cuộc di tản ám ảnh trong tiếng súng từ sân bay Kabul

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà báo Arghanistan Ramin Rahman đã kể lại cuộc di tản của anh tại sân bay Hamid Karzai, Kabul mà anh mô tả là "ám ảnh, hỗn loạn và trong tiếng súng nổ dữ dội".

Sân bay Kabul "vỡ trận" bởi làn sóng di tản

Cuộc di tản ám ảnh trong tiếng súng từ sân bay Kabul - 1

Đám đông trèo tường vào sân bay Kabul trong bầu không khí hỗn loạn (Ảnh: Reuters).

Ngày 15/8, khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul và giành quyền kiểm soát Afghanistan, Rahman nhận được cuộc gọi từ một người bạn ở Đức. Người này nói rằng Rahman hãy ra sân bay vì ở đó có thể sẽ có máy bay sơ tán của Đức chờ ở đó. Rahman có tên trong danh sách di tản vì đã từng hợp tác với giới truyền thông Đức và từng xin thị thực sang Đức.

"Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Tôi lấy vội máy tính xách tay và điện thoại mang theo. Tôi cảm thấy sợ hãi từ ngày giây phút rời nhà và chưa bao giờ cảm thấy áp lực như vậy", Rahman nói.

Khi anh tiến vào ga quốc tế của sân bay Kabul anh đã "sốc" và bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Có hàng nghìn người, từ phụ nữ, đàn ông, những đứa trẻ đang khóc, hoảng loạn tìm đường rời đất nước. Trong số đó, có cả những người nước ngoài. Họ tới sân bay vì không biết điều gì sẽ xảy ra kế tiếp khi Taliban lên nắm quyền.

Cuộc di tản ám ảnh trong tiếng súng từ sân bay Kabul - 2

Đám đông hoảng loạn đứng ở sân bay để tìm cách rời đất nước (Ảnh: Guardian).

"Mọi người xung quanh tôi bắt đầu hốt hoảng khi họ nhận ra có thể sẽ không có máy bay chở họ. Kể cả khi họ có vé, việc máy bay cất cánh vào thời điểm này là khó xảy ra. Họ bắt đầu hoảng loạn và phá hoại cửa sổ và quầy vé ở sân bay. Tình hình mỗi lúc một tồi tệ hơn", Rahman kể lại.

Nhìn ra cửa sổ, nhà báo Rahman nhìn thấy một chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh đi Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi người gào thét, cố gắng bám vào cầu thang máy bay. Máy bay bắt đầu quá tải và mọi người bị đẩy xuống khỏi cầu thang để nó có thể cất cánh.

"Chúng tôi muốn được đi, nếu không chúng tôi sẽ mất mạng", những tiếng hét lớn khiến Rahman cảm thấy "sợ hãi khi nghĩ tới số phận của tôi".

Vào khoảng 20h30-21h, một số người báo tin rằng Taliban đã ở trong sân bay. Mọi người bắt đầu hét lớn, chạy vội ra kín đường băng. Sân bay Kabul trở nên hỗn loạn và không ai có thể kiểm soát. "Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng súng bên ngoài. Tôi nghĩ Taliban đã tới", Rahman cho biết.

Trước đó, quân đội Mỹ xác nhận rằng họ buộc bắn chỉ thiên để trấn an đám đông hỗn loạn và không thể kiểm soát ở sân bay Kabul. 

Khi đó, Rahman gọi cho người bạn ở Đức nhưng người này nói rằng máy bay của Đức sẽ không thực hiện sơ tán ngày hôm nay. Anh vội vã chạy theo một nhóm quân nhân Mỹ trên đường băng. Một quân nhân Mỹ trấn an đám đông hoảng loạn rằng Taliban sẽ không tới đây. Rahman cố gắng bám theo trong khi tiếng súng nổ dữ dội xung quanh anh. 

Cuộc di tản ám ảnh trong tiếng súng từ sân bay Kabul - 3

Hàng trăm người bên trong máy bay quân sự Mỹ làm nhiệm vụ di tản (Ảnh: Defense One).

"Một lúc sau, tôi có cảm giác thời gian dừng lại. Tất cả những gì tôi nghe được là người Mỹ gọi chúng tôi lên máy bay. Tôi thấy một "biển người" lao lên và tôi bám theo họ. Hàng trăm người đã ở trên đó, không có chỗ để ngồi và tất cả đều đứng. Mọi người đứng sát vào nhau. Tôi không thể thở nổi", anh cho biết.

Các phi công Mỹ hô lớn rằng máy bay không thể cất cánh vì có quá nhiều người trên khoang. Các quân nhân sau đó bắt đầu kéo bớt người ra bên ngoài.

"Cảnh tượng quá hỗn loạn, đầy căng thẳng và khó chịu. Mọi người bị đẩy, không có không khí để thở. Khung cảnh thật tuyệt vọng, đáng sợ", Rahman nói.

Thời gian chậm chạp trôi đi. Vì máy bay không có cửa sổ, Rahman không thể nhìn ra bên ngoài nhưng anh thấy tiếng xô xát dữ dội ở trên đường băng.

Cuối cùng, sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi thấp thỏm, máy bay đã cất cánh. Mọi người bắt đầu vỗ tay. Rahman gọi đó là "một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất".

Cuộc di tản ám ảnh trong tiếng súng từ sân bay Kabul - 4

Rahman mô tả cuộc bỏ chạy là hỗn loạn, đáng sợ (Ảnh: Guardian).

Chuyến bay là một hành trình thách thức khác. Có nhiều trẻ em trên khoang và cha mẹ chúng phải đặt con lên đầu để đảm bảo chúng không bị dẫm lên. Không có thức ăn, nước uống, nhà vệ sinh trong hàng giờ đồng hồ.

Máy bay cuối cùng cũng đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Mỹ ở Qatar và các công dân Afghanistan được đưa tới một căn cứ quân sự. Rahman mô tả những cảm xúc lẫn lộn trong đám đông, vừa hạnh phúc, vừa buồn bã, vừa bối rối, vừa kiệt sức.

"Tôi rất buồn vì phải bỏ lại mọi thứ. Tôi buồn cho Afghanistan. Nhưng tôi mừng rằng mình vẫn còn sống", Rahman nói.