1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Cuộc chơi lớn" giữa các cường quốc tái hiện tại Afghanistan?

Khắc Nam

(Dân trí) - Afghanistan giờ đây được ví như một sân khấu lớn tái hiện "cuộc chơi lớn" khi các cường quốc cạnh tranh giành ảnh hưởng, trong đó có liên minh Nga - Trung, khiến phương Tây vừa theo dõi vừa nghi ngờ.

Cuộc chơi lớn giữa các cường quốc tái hiện tại Afghanistan? - 1

Sân bay Kabul, Afghanistan vào ngày 24/9 (Ảnh: DVIDS).

Các cường quốc lạnh tại "nghĩa địa của các đế chế"

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev gần đây nhận xét về việc Mỹ rút quân sau cuộc chiến sự kéo dài 20 năm "như là một thất bại được cảnh báo từ đầu". Ngay cả một số nhà khoa học chính trị hàng đầu Mỹ cũng mô tả sứ mệnh của Mỹ ở quốc gia này là "sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu" vì không thể biến Afghanistan thành một quốc gia thống nhất.

Năm 1989, chính ông Gorbachev đã giám sát việc rút quân của Liên Xô khỏi Afghanistan, nơi được ví như "nghĩa địa của các đế chế" vì không một chính phủ ngoại bang nào có thể chinh phục được nó trong suốt hai thế kỷ 19 và 20. Và giờ đây, Mỹ lại nối tiếp trong danh sách, khi mất gần 2.500 quân nhân vào mảnh đất "nghĩa địa chết chóc" này.

Sau khi Mỹ rút quân, truyền thông toàn cầu đều dự đoán rằng Nga và Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại. Tuy nhiên, Nga tỏ ra thận trọng vì nước này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau "hội chứng Afghanistan", ám chỉ những ký ức buồn về cuộc chiến 10 năm tại nước này. Taliban hiện vẫn bị cấm ở Nga và điều này cản trở triển vọng Moscow sớm công nhận chính quyền Taliban. Mối đe dọa chính đối với Nga là các tay súng Afghanistan có thể xâm nhập vào các quốc gia lân cận, lây lan chủ nghĩa khủng bố.

Trong khi đó, sự gia tăng đột biến các vụ tấn công khủng bố trong khu vực nhắm vào các lợi ích của Trung Quốc - đáng chú ý nhất là các vụ đánh bom liều chết vào tháng 7 và 8 nhằm vào công dân Trung Quốc ở Pakistan - khiến Bắc Kinh lo ngại Taliban có thể làm ngơ trước Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), vốn đã sử dụng Afghanistan như một "căn cứ". Theo báo cáo, nhóm này có 500 chiến binh đồn trú tại tỉnh phía bắc Afghanistan, giáp giới khu vực Tân Cương của Trung Quốc qua một dải đất núi hẹp được gọi là Hành lang Wakhan. Ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, Trung Quốc đã an ninh hóa nhiều khu vực mà Bắc Kinh coi là đoạn biên giới quan trọng nhất để bảo vệ chống lại sự xâm nhập của các phần tử khủng bố thuộc ETIM.

Cuối tháng 7/2021, Trung Quốc đã chào đón một phái đoàn Taliban đến thành phố Thiên Tân. Theo giới thạo tin, Taliban đang tìm cách mở rộng quan hệ với Bắc Kinh, gọi Trung Quốc là "người bạn" và hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc cho việc tái thiết. Còn Trung Quốc lại chọn chủ nghĩa thực dụng khi là một trong những cường quốc toàn cầu đầu tiên công nhận Taliban là "một lực lượng chính trị và quân sự quan trọng".

Việc Trung Quốc tiếp cận Taliban sớm có thể cho thấy tình báo Trung Quốc nắm thông tin tốt hơn so với các cơ quan tình báo của Mỹ, thậm chí CIA còn tiên đoán sai, rằng sự tan rã của chính phủ Afghanistan có thể từ 3-6 tháng.

Trung Quốc cũng để ngỏ sẵn sàng cho các mối quan hệ "hữu nghị và hợp tác" với Taliban. Mặc dù Bắc Kinh vẫn chưa công nhận tính hợp pháp của chính phủ Taliban, nhưng ngày càng có nhiều suy đoán điều này có sớm muộn sẽ xảy ra.

Trung Quốc gần đây tuyên bố rằng Taliban đã trở nên lý trí hơn, rằng sự công nhận có thể xảy ra khi Afghanistan thành lập một "chính phủ đại diện rộng rãi".
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng thận trọng trước việc ủng hộ Taliban. Trung Quốc vẫn cảnh báo công dân của mình rời khỏi Afghanistan và tiếp tục hoài nghi về việc giữ lời hứa của Taliban. Bằng chứng, trong một cuộc đàm thoại gần đây giữa Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Vương đã cảnh báo "cơ hội sự trỗi dậy" của chủ nghĩa khủng bố khủng bố thông qua việc rút quân nhanh chóng. Ngoại trưởng Nghị cũng kêu gọi phía Mỹ hỗ trợ Afghanistan trong công cuộc tái thiết kinh tế và chính trị, đồng thời "hướng dẫn tích cực" cho ban lãnh đạo mới của Taliban, tránh xa "tiêu chuẩn kép" và một cuộc chiến có chọn lọc chống khủng bố.

Tương tự Trung Quốc, Nga cũng đang thăm dò các kênh để thiết lập một số liên hệ làm việc với Taliban vì Nga cho rằng "không có sự thay thế" đối với nhóm này. Moscow đã tiếp đón một phái đoàn Taliban vào ngày 9/7 nhằm trao đổi các thông tin gần đây. Đây là lần gặp thứ hai giữa hai bên trong năm 2021, sau cuộc gặp hồi tháng 1. Tuy nhiên, không giống như cuộc gặp giữa Trung Quốc - Taliban, cuộc gặp của Nga với Taliban được tiến hành trong khuôn khổ Thỏa thuận Doha, vốn có sự tham gia của các nước khác. Cho đến nay, cả Trung Quốc và Nga đều vẫn mở các đại sứ quán ở Afghanistan.

Bắc Kinh đã hứa sẽ đóng góp vào công cuộc tái thiết hòa bình Afghanistan , đồng thời cũng kêu gọi Mỹ tham gia nhằm thúc đẩy thương mại của Trung Quốc với khu vực và kích hoạt việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Afghanistan là nơi sản xuất kim loại đất hiếm có trị giá tới 2 nghìn tỷ USD, nhất là lithium - nguyên liệu không thể thay thế cho sản xuất công nghệ cao mà Trung Quốc quan tâm.

Ngược lại, Nga tập trung nhiều hơn vào an ninh hơn là triển vọng kinh tế. Khi Taliban trở lại nắm quyền, Tổng thống Putin đã ngay lập tức liên lạc với người đồng cấp Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan, nước láng giềng của Afghanistan, để thảo luận về tình hình. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, kết hợp với các hoạt động hợp tác chống khủng bố thường xuyên giữa Trung Quốc-Tajik, có thể tạo thành bệ đỡ cho sự ổn định trong khu vực. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng có thể đóng một vai trò mạnh mẽ hơn với tư cách là người bảo đảm an ninh khu vực.

Một trụ cột nữa của an ninh khu vực là tăng cường trao đổi quân sự Trung - Nga. Trong các cuộc tập trận gần đây nhất do Trung Quốc tổ chức, các quân nhân Nga đã sử dụng vũ khí của Trung Quốc, trong khi các khí tài quân sự tiên tiến nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như máy bay chiến đấu J-20, tham gia cuộc tập trận.

Để thể hiện mối quan hệ đối tác và chính trị ngày càng tăng, Nga - Trung đã đồng ý thúc đẩy hợp tác về Afghanistan và cam kết tăng cường liên lạc chiến lược và cùng nhau "bảo vệ các lợi ích hợp pháp". Vào ngày 25/8, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất lập trường về vấn đề Afghanistan, chia sẻ mối quan tâm và lợi ích chung và cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự can thiệp của bất kỳ nước ngoài nào. Trong bối cảnh suy thoái chính trị của Afghanistan, Nga và Trung một lần nữa đã thể hiện sự tương tác chặt chẽ của họ trên các nền tảng quốc tế. Họ cùng bỏ phiếu trắng cho một nghị quyết về Afghanistan, vốn đã được 13 thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 30/8.

Trong suốt tiến trình chuyển biến nhanh chóng tại Afghanistan, Trung Quốc và Nga đã trao đổi thông tin liên quan một cách hiệu quả. Cả hai đều coi tình hình xấu đi là một mối đe dọa đe dọa đến sự ổn định của khu vực. Nhưng họ cũng đã tìm cách sử dụng tình hình để có lợi cho mình bằng cách nêu bật sự suy giảm toàn cầu của Mỹ, đặc biệt là việc Mỹ đã rút quân "vội vàng" và biến Afghanistan thành một kho vũ khí vô nghĩa.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga trong các vấn đề toàn cầu là một thực tế. Đặc biệt, lập trường của Nga - Trung về Afghanistan đang được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.

Các phương tiện truyền thông lớn của Mỹ nhấn mạnh, việc Taliban lên nắm quyền là một "viễn cảnh ly kỳ" đối với Moscow và Bắc Kinh. "Các đối thủ của chúng ta, Trung Quốc và Nga đang cười sau khi Taliban tiếp quản", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ John Kennedy cảnh báo. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng có cùng quan điểm khi cho rằng "EU không thể… để cho người Trung Quốc và người Nga kiểm soát tình hình".

Diplomat cho rằng, sân khấu đã được thiết lập để tái hiện "cuộc chơi lớn" tại Afghanistan, khi các cường quốc muốn chen chân giành ảnh hưởng. Liệu quân cờ sẽ về tay ai, hãy chờ xem.