1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Rào cản với Trung Quốc khi khai thác "kho báu" nghìn tỷ USD tại Afghanistan

Thành Đạt

(Dân trí) - Nếu đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản ở Afghanistan, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những rủi ro về an ninh, cơ sở hạ tầng yếu kém và các lệnh trừng phạt nhằm vào Taliban.

Rào cản với Trung Quốc khi khai thác kho báu nghìn tỷ USD tại Afghanistan - 1

Một lao động địa phương khai thác mỏ đồng Mes Aynak ở Afghanistan năm 2013 (Ảnh: EENews).

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận sự hợp pháp của Taliban và thiết lập quan hệ với lực lượng này. Ngoài vấn đề an ninh chính trị, một yếu tố khiến Trung Quốc muốn duy trì sự liên kết với Taliban là tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Afghanistan.

Afghanistan được cho là có trữ lượng khoáng sản trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, bao gồm đồng, sắt, lithium và đất hiếm..., trong đó có những mỏ khoáng sản được xếp vào loại lớn nhất thế giới. Đây đều là những vật liệu quan trọng đối với ngành công nghiệp sản xuất hiện đại mà nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn sở hữu.

Được sử dụng trong mọi thiết bị, từ điện thoại di động, máy tính xách tay cho đến thiết bị y tế và quân sự, những khoáng chất quan trọng này được xem là nền tảng của một xã hội hiện đại, tiên tiến về công nghệ. Afghanistan được cho là có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lưu trữ năng lượng hiện đại như pin cho xe điện và năng lượng tái tạo.

Khi thế giới chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, nhu cầu về lithium sẽ tiếp tục tăng vọt. Theo đó, việc tiếp cận các loại khoáng sản này sẽ xác định tương lai địa chính trị, theo cách mà dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từng định hình cán cân quyền lực của thế giới hiện đại.

Rod Schoonover, người đứng đầu chương trình an ninh sinh thái tại Hội đồng Rủi ro Chiến lược, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết "Taliban hiện nắm trong tay một số khoáng sản chiến lược quan trọng nhất thế giới". Điều đáng chú ý là phần lớn "kho báu" khoáng sản tại Afghanistan vẫn chưa được khai thác, một phần do Afghanistan thiếu công nghệ hiện đại và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Rào cản với Trung Quốc

Rào cản với Trung Quốc khi khai thác kho báu nghìn tỷ USD tại Afghanistan - 2

Mỏ vàng tại tỉnh Takhar, Afghanistan (Ảnh: Reuters).

Theo các nhà quan sát và giới doanh nhân, bất chấp sự hấp dẫn của trữ lượng khoáng sản khổng lồ ở Afghanistan, các mối đe dọa và các rào cản có thể làm "nhụt chí" các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư vào đây.

"Khả năng Trung Quốc đầu tư vào các mỏ khoáng sản của Afghanistan trong ngắn hạn là rất thấp. Nhưng về lâu dài, nếu Afghanistan đạt được sự ổn định và cộng đồng quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt, khả năng này có thể tăng lên", Zhu Yongbiao, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Lan Châu, nhận định.

Trung Quốc từ lâu đã đẩy mạnh nỗ lực khai thác nguồn khoáng sản tại Afghanistan. Năm 2007, Tập đoàn luyện kim nhà nước Trung Quốc đã trúng thầu gần 3 tỷ USD để phát triển mỏ đồng Mes Agnak lớn nhất của Afghanistan với trữ lượng ước tính khoảng 6 triệu tấn. Tuy nhiên, dự án này vẫn bị đình trệ suốt 14 năm qua vì các vấn đề an ninh và nhu cầu tháo dỡ bom mìn.

Mỹ hồi tháng trước đã rút quân khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài 20 năm, trong khi Taliban lật đổ chính quyền do Mỹ hậu thuẫn và lên nắm quyền. Taliban cũng đã công bố chính quyền lâm thời với các thành viên nội các theo đường lối cứng rắn.

Đầu tháng 9, giao tranh đã nổ ra giữa Taliban và liên minh quân sự chống Taliban - Mặt trận Kháng chiến Quốc gia - ở Thung lũng Panjshir. Đây là thành trì kháng chiến lâu đời và là khu vực duy nhất tại Afghanistan chưa rơi hoàn toàn vào tay Taliban.

"Tình hình ở Afghanistan vẫn chưa ổn định. Mặc dù các phong trào chống Taliban cho đến nay không đủ khả năng thách thức chính phủ, nhưng vẫn chưa bị dẹp bỏ. Không thể loại trừ khả năng những phong trào này sẽ đạt được tiến triển trong tương lai. Do vậy, việc đầu tư vào khai thác mỏ vẫn đối mặt với rủi ro từ các lực lượng đối lập và khủng bố", chuyên gia Zhu nhận định.

Một doanh nhân khoáng sản Trung Quốc tên Peng, người bắt đầu xuất khẩu quặng từ Afghanistan sang Trung Quốc vào năm 2018, đồng ý rằng hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các dự án khai thác mỏ ở Afghanistan có thể gặp rủi ro.

"Tôi đã chọn mua khoáng sản trực tiếp từ người Afghanistan, thay vì tham gia vào các dự án khai thác, mặc dù các dự án sinh lợi nhiều hơn. Sự kiểm soát của Taliban đối với một số khu vực vẫn còn hạn chế và các nhóm chiến binh địa phương vẫn xuất hiện liên tục. Một vấn đề khác là chúng tôi không hiểu hết các quy định cũng như pháp luật. Mọi người đôi khi không giữ cam kết của họ", Peng cho biết.

Peng cho biết cơ sở hạ tầng yếu kém cũng khiến giới doanh nhân Trung Quốc do dự khi đầu tư vào Afghanistan. Peng thường đi lại giữa Afghanistan và Pakistan để xuất khẩu khoáng sản của Afghanistan sang Trung Quốc.

Chuyên gia Zhu cho biết những hạn chế về cơ sở hạ tầng của Afghanistan sau 4 thập niên hỗn loạn và chiến tranh sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí của các công ty nước ngoài, bao gồm Tập đoàn luyện kim Trung Quốc tại mỏ đồng ở Mes Aynak.

Bất chấp những trở ngại mà các nhà đầu tư quốc doanh của Trung Quốc phải đối mặt, một số chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn kiên trì bám trụ.

Yu Yong, một thương nhân tại Kabul, đã kinh doanh trên quy mô quốc tế, bao gồm đá quý của Afghanistan, trong 5 năm qua và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án khai thác. Yu cho rằng "Taliban không có lợi ích gì trong việc phá hoại nền kinh tế", nhưng điều khiến Yu lo ngại sự thiếu kinh nghiệm của Taliban trong việc hoạch định chính sách.

Cả Yu và Peng đều cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm tàng đối với chính quyền Taliban có thể cản trở hoạt động đầu tư khai thác, vì một trong những tác động của lệnh trừng phạt là hạn chế dòng chảy của đồng USD, đơn vị tiền tệ tại Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước nói rằng, khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Taliban sẽ "phụ thuộc vào hành vi của họ".

Yu cho biết việc Trung Quốc có thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Taliban hay không cũng sẽ là một yếu tố quyết định đối với ông.

"Hoạt động giao thương liên quan đến việc xem xét cách thức trao đổi vốn và thị thực, cũng như việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng nhập khẩu khoáng sản hay không. Nếu không có quan hệ ngoại giao, sẽ có rất nhiều vấn đề theo sau", Yu cho biết.