1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến giành ảnh hưởng của Trung Quốc và phương Tây ở Thái Bình Dương

(Dân trí) - Các quốc đảo Thái Bình Dương đang trở thành một mặt trận ngoại giao mới khi Trung Quốc và các nước phương Tây tìm cách tăng cường hiện diện và tầm ảnh hưởng ở đây.


Trung Quốc và các nước phương Tây đều đang ra sức mở rộng ảnh hưởng ở các quốc gia Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa: AFP)

Trung Quốc và các nước phương Tây đều đang ra sức mở rộng ảnh hưởng ở các quốc gia Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa: AFP)

Cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng

Nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương có thể sẽ rõ ràng hơn trong những tháng tới khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo khu vực ở Papua New Guinea vào tháng 11 tới, ngay trước thềm hội nghị hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt tại hội nghị APEC năm nay và cử cấp phó đi thay có thể tạo cơ hội cho Bắc Kinh khẳng định tầm ảnh hưởng trong khu vực.

"Điều này sẽ làm gia tăng lo ngại cho các đồng minh của Mỹ về việc Washington có thể rút lại các cam kết với khu vực và vì vậy họ có thể chuyển hướng xây dựng quan hệ với Trung Quốc", Zhang Baohui, một giáo sư về khoa học chính trị tại Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Đại học Lingnan ở Hong Kong, nhận định.

Chuyên gia này cũng bình luận thêm: "Khu vực này gần với các cơ sở chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương như Hawaii và đảo Midway. Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh có những toan tính về hải quân trong khu vực ở thời điểm này, nhưng nếu Trung Quốc theo đuổi chính sách xây dựng các căn cứ hải quân ở khu vực, Mỹ sẽ phải lo ngại”.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở khu vực có thể cản trở chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ vốn nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh.

"Nếu các hoạt động của Trung Quốc cản trở Mỹ tiến hành các kế hoạch diễn tập quân sự, thì đó là mục đích của Trung Quốc nhằm làm giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương", Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ, nhận định.

Trong khi Mỹ được cho là dự định tăng cường nhân viên ngoại giao ở các quốc đảo Thái Bình Dương gồm Palau, Micronesia, Fiji trong hai năm tới, Australia cũng có thể bổ nhiệm cao ủy đầu tiên tại Tuvalu trong vài tuần tới.

Ngoài ra, Anh cũng đang ra sức tăng cường hiện diện ở khu vực với kế hoạch mở các văn phòng cao ủy ở Vanuatu, Tonga và Samoa vào cuối tháng 5 năm sau.

“Mở các đại sứ quán mới cũng là động thái đáng hoan nghênh, nhưng mức độ hòa nhập với dân cư và truyền thông địa phương thường sẽ hạn chế. Cách hiệu quả nhất để các quốc gia phương tây duy trì tầm ảnh hưởng đó là giải quyết những vấn đề đang khiến các quốc đảo Thái Bình Dương lo ngại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng và luân chuyển lao động”, chuyên gia Smith nhận định.

Cuộc chiến sẽ ngày càng căng thẳng


Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án hạ tầng ở các quốc đảo Thái Bình Dương. (Ảnh: EPA)

Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án hạ tầng ở các quốc đảo Thái Bình Dương. (Ảnh: EPA)

Giới chuyên gia cho rằng, phương Tây đang tỏ ra lo ngại việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua các khoản đầu tư lớn những năm gần đây.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu Lowy, Bắc Kinh đã dành các khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại trị giá 1,3 tỷ USD ở khu vực kể từ năm 2011 và trở thành quốc gia tài trợ lớn thứ hai chỉ sau Australia.

Những khoản vay này làm dấy lên lo ngại các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương có thể không có khả năng hoàn trả và cuối cùng phải phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Graeme Smith, một chuyên gia nghiên cứu về Thái Bình Dương tại Đại học quốc gia Australia, cho rằng mặc dù tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực vẫn còn hạn chế nhưng những tác động của nó đến tình hình an ninh chung của khu vực khiến nhiều nước phải lo ngại.

Ông Smith lấy dẫn chứng một đường dây cáp ngầm dưới biển từ quần đảo Solomon đến Australia, một dự án do công ty Huawei Technologies của Trung Quốc đảm trách.

Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS ở Honolulu, cho rằng cuộc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực có thể sẽ quyết liệt hơn nữa trong tương lai.

“Nếu Washington coi các hành động của Bắc Kinh là nhằm giảm tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực, khi đó chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ càng tập trung kiềm chế Trung Quốc”, chuyên gia Cossa nhận xét. Mặc dù vậy, ông Cossa cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ không thay đổi chính sách tiếp cận các quốc gia Thái Bình Dương.

“Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng khắp thế giới. Tất nhiên, một phần lớn nỗ lực mở rộng ảnh hưởng gần đây là nhằm tăng sức ép với Đài Loan và nhắc nhở Đài Loan rằng họ có thể lôi kéo một số đồng minh của Đài Loan trong khu vực”, ông Cossa nói.

Hiện 6 quốc gia Thái Bình Dương duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan gồm Kiribati, quần đảo Marshall, Nauru, Palau, quần đảo Solomon, Tuvalu. Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh đang gây sức ép để các nước này cắt quan hệ với Đài Loan.

Minh Phương

Theo SCMP