Mỹ ráo riết kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương
(Dân trí) - Báo cáo của Lầu Năm Góc gần đây đã đưa ra cảnh báo về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở những khu vực quan trọng như Ấn Độ - Thái Bình Dương, buộc Washington phải tính toán các biện pháp để đảm bảo lợi ích của mình.
Trong báo cáo thường niên trình Quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc hôm 16/8, Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong các hoạt động phô diễn sức mạnh ở những khu vực quan trọng. Liên quan tới nỗi lo ngại về việc các máy bay ném bom Trung Quốc có thể tấn công các căn cứ của Mỹ và các đồng minh trên Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh tới uy lực ngày càng đáng gờm của Hải quân Trung Quốc khi hoạt động ở các vùng biển lớn.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động hải quân ở các vùng biển phía tây và phía nam Thái Bình Dương cũng như khu vực Ấn Độ Dương trong năm 2017. Báo cáo cũng nhấn mạnh lợi ích của Mỹ trong việc đảm bảo tuyến liên lạc hàng hải xung quanh Biển Đông và chuỗi đảo thứ nhất.
Theo Emanuele Scimia, nhà báo đồng thời là nhà phân tích quan hệ đối ngoại, mặc dù sự hiện diện quân sự của Mỹ cùng mạng lưới đồng minh và đối tác của Washington rất mạnh, đồng thời được củng cố ở rìa phía tây của Thái Bình Dương, song năng lực quốc phòng của Mỹ ở Ấn Độ Dương và khu vực phía nam Thái Bình Dương vẫn có những điểm yếu mà Trung Quốc có thể khai thác.
Lầu Năm Góc đã lưu ý tới việc Hải quân Trung Quốc triển khai “liên tục” các tàu ngầm tại các vùng biển Nam Á, bên cạnh việc tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo tại biển San Hô (Coral Sea) trong thời gian diễn ra cuộc tập trận hải quân chung Mỹ - Australia hồi năm ngoái.
Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài khóa 2019, Quốc hội Mỹ đã nhấn mạnh rằng “cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ”. Đạo luật này được Tổng thống Donald Trump ký vào ngày 13/8, trong đó thông qua khoản ngân sách quân sự 717 tỷ USD.
Các nghị sĩ Mỹ cũng nhận thấy có sự liên quan giữa các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc, như Sáng kiến Vành đai và Con đường kết nối Á - Âu, với các mục tiêu chiến lược và phòng vệ của Bắc Kinh.
Những lời chỉ trích về việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển đã trở thành câu chuyện địa chính trị mới ở Washington. Cả chính quyền Trump và Quốc hội Mỹ đều cho rằng Trung Quốc đang sử dụng các khoản đầu tư cũng như các khoản vay ưu đãi để gắn kết các quốc gia nhận viện trợ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với các lợi ích của Bắc Kinh.
Mỹ chạy đua ảnh hưởng với Trung Quốc
Đạo luật quốc phòng mới của Mỹ đã kêu gọi “xem xét lại, mở rộng và gia hạn” Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á của Washington. Điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia Nam Á như Sri Lanka và Bangladesh cũng sẽ được nhận sự hỗ trợ và huấn luyện quân sự từ Mỹ. Tại Nam Á, Mỹ đã có thỏa thuận hậu cần với Ấn Độ, cho phép các lực lượng vũ trang của hai nước sử dụng cơ sở quân sự của nhau, bao gồm cả các căn cứ hải quân.
Mỹ tuần trước thông báo rằng nước này sẽ viện trợ cho Sri Lanka 39 triệu USD để tăng cường an ninh hàng hải. Đây là một phần trong khoản chi 300 triệu USD của chính quyền Donald Trump nhằm thúc đẩy trật tự dựa trên nguyên tắc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Động thái này của Mỹ rõ ràng nhằm làm suy yếu tầm ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc tại hòn đảo ở Ấn Độ Dương.
Sri Lanka năm ngoái đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc và phải đồng ý cho Bắc Kinh thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm để cấn trừ nợ sau khi không thể thanh toán các khoản vay về cơ sở hạ tầng cho Bắc Kinh. Ngoài Sri Lanka, Bangladesh cũng có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Hồi tháng 6, Không quân Bangladesh đã ký thỏa thuận tiếp nhận 23 máy bay huấn luyện Hongdu K-8W do Trung Quốc chế tạo. Tương tự các quốc gia châu Á trước đó, Bangladesh và Sri Lanka hiện phải tìm cách cân bằng nếu họ muốn nhận lợi ích đồng thời từ cả Washington và Bắc Kinh.
Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc cũng ngày càng tăng lên ở khu vực Nam Thái Bình Dương, trong khi ảnh hưởng chiến lược của Mỹ tại khu vực này chủ yếu thông qua Australia và New Zealand.
“Sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc một lần nữa đặt khu vực của chúng ta vào một vị trí với tầm quan trọng chiến lược và lợi ích mới”, Meg Taylor, tổng thư ký Diễn đàn Các Đảo Thái Bình Dương, nhận định.
Theo Viện nghiên cứu Lowy tại Australia, Trung Quốc là nhà viện trợ lớn thứ hai tại Nam Thái Bình Dương kể từ năm 2011 với các khoản viện trợ và vay ưu đãi trị giá 1,3 tỷ USD.
Tuần trước, Thủ tướng Tonga Akilisi Pohiva đã kêu gọi các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương phối hợp cùng chính phủ của ông trong việc yêu cầu Trung Quốc xóa các khoản nợ khổng lồ. Ông Pohiva cảnh báo Bắc Kinh có thể tịch thu các tài sản tại các nước này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Tonga được cho là đã rút lại đề nghị trên sau khi chính phủ Trung Quốc lên tiếng phàn nàn. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Tonga và hàng loạt quốc đảo nghèo ở Nam Thái Bình Dương đang đối mặt với vấn đề về nợ Trung Quốc.
Nếu các nước đồng ý trao các cảng nước sâu cho Trung Quốc để đổi lấy việc được xóa nợ, đây sẽ là điều đáng quan ngại về an ninh đối với Mỹ. Rốt cuộc, chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn nhằm ngăn không cho Trung Quốc thiết lập bất kỳ cơ sở tình báo và hậu cần nào ngoài căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên của Bắc Kinh ở Djibouti. Hải quân Trung Quốc được cho là sẽ sử dụng các căn cứ này để hỗ trợ cho chiến lược gia tăng sức mạnh tại khu vực trải dài gừ Đông Phi tới Hawaii.
Thành Đạt
Theo SCMP