Cuộc chiến dài nhất trong lịch sử khiến Mỹ sa lầy ở Afghanistan
(Dân trí) - Mỹ đang trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan, khép lại 20 năm "sa lầy" trong cuộc chiến dài nhất lịch sử nước này, tiêu tốn gần 1.000 tỷ USD và khiến hàng nghìn quân nhân thiệt mạng.
Ngày 15/8, Taliban đã chính thức tiến vào thủ đô Kabul, giành lại quyền kiểm soát đất nước từ chính phủ Afghanistan thân Mỹ. Cộng với việc Mỹ đặt ra kế hoạch rút quân hoàn tất trong tháng 9, Washington sắp khép lại cuộc chiến kéo dài 2 thập niên gây nên hàng loạt tranh cãi và thiệt hại to lớn.
Sự kiện khơi mào cho cuộc chiến là vụ việc nhóm khủng bố Al-Qaeda tại Afghanistan đã thực hiện cuộc tấn công khủng bố lớn nhất từng diễn ra trên lãnh thổ Mỹ ngày 11/9/2001. Mỹ sau đó yêu cầu Taliban - bên nắm quyền ở Afghanistan vào thời điểm đó - bàn giao trùm khủng bố Osama bin Laden nhưng nhận được sự từ chối.
Ngày 7/10/2001, liên quân do Mỹ lãnh đạo thực hiện vụ không kích đầu tiên nhằm vào Taliban và các cơ sở của Al-Qaeda tại Afghanistan. Ngày 13/11/2001, Taliban thua cuộc và mất lãnh thổ vào lực lượng đối lập.
Kể từ đó, Mỹ và phương Tây chính thức lún sâu vào cuộc chiến Afghanistan trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố tại Trung Nam Á. Taliban sau khi thất thủ ở Kabul đã tháo chạy sang Pakistan lánh nạn và chờ thời cơ trở lại Afghanistan khi thực hiện hàng loạt cuộc tấn công trong suốt hàng chục năm.
Đầu năm ngoái, Mỹ và Taliban ký hiệp ước trong đó có điều kiện Washington rút quân trong năm nay. Khi Mỹ bắt đầu rút dần quân từ tháng 5, đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan thân phương Tây đã không có tiến triển và dẫn tới kết cục hiện tại.
Cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và của. Tuy nhiên, con số này chỉ dừng ở mức ước tính, không thể chính xác do tính chất khốc liệt của cuộc chiến. Nghiên cứu của đại học Brown (Mỹ) chỉ ra 69.000 thành viên lực lượng an ninh Afghanistan thiệt mạng. Số dân thường Afghanistan và thành viên Taliban thiệt mạng được cho đều trên mốc 50.000.
Hơn 3.500 quân nhân của liên quân do Mỹ đứng đầu đã thiệt mạng từ năm 2001 tới nay, trong đó 2/3 là binh sĩ Mỹ. Hơn 20.000 quân nhân Mỹ bị thương.
Cuộc chiến khốc liệt đã khiến 5 triệu người dân phải di tản và không thể trở lại quê nhà.
Đại học Brown ước tính Mỹ đã chi cho cuộc chiến ở Afghanistan 978 tỷ USD gồm chi phí quân sự và tái thiết ở cả Afghanistan và Pakistan tính đến năm 2020. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng rất khó để thống kê chính xác con số vì đây là sự tổng hợp từ nhiều cơ quan chính phủ Mỹ và mỗi bên có một cách tính khác nhau.
Ngoài ra, Anh và Đức - 2 đồng minh NATO của Mỹ cũng chi lần lượt 30 tỷ USD và 19 tỷ USD cho cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan. Thêm vào đó, dù rút quân, nhưng Mỹ và NATO cam kết sẽ viện trợ cho lực lượng Afghanistan 4 tỷ USD/năm cho tới năm 2024. Mặc dù vậy, kế hoạch này dường như đã bất thành do Taliban đã lên nắm quyền lúc này.
Theo Bloomberg, cuộc chiến tranh ở Afghanistan là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ. Nó đã gây ra hàng loạt tranh cãi và chỉ trích từ dư luận và công chúng Mỹ về việc Mỹ tốn kém tiền bạc và thiệt hại về lực lượng khi tham chiến tại quốc gia xa xôi.
Một khảo sát do tổ chức Hội đồng toàn cầu Chicago (Mỹ) thực hiện hồi tháng 7 chỉ ra rằng, 70% người Mỹ được hỏi ủng hộ việc Washington rút quân khỏi Afghanistan. Cụ thể, 77% người theo đảng Dân chủ ủng hộ kế hoạch trên, trong khi con số này ở đảng Cộng hòa là 56%.