1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Cuộc chiến cân não" Mỹ - Trung trước cuộc gặp cấp cao đầu tiên thời Biden

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một tuần trước cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung diễn ra ở bang Alaska, 2 cường quốc hàng đầu thế giới được cho đang trong "cuộc chiến cân não" liên quan tới việc xác định tính chất của cuộc họp.

Cuộc chiến cân não Mỹ - Trung trước cuộc gặp cấp cao đầu tiên thời Biden - 1

Ông Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì từng gặp nhau vài năm trước (Ảnh: China Daily).

"Trung Quốc, được phía Mỹ mời, sẽ có một cuộc đối thoại chiến lược cấp cao với phía Washington trong những ngày tới", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 11/3 trên trang web của Bộ. Ông Triệu đang nhắc tới cuộc họp dự kiến diễn ra từ ngày 18-19/3 ở Anchorage, bang Alaska giữa 2 phái đoàn dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ có thêm những quan chức cấp cao khác như Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa 2 nước dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden - người vừa nhậm chức hôm 20/1.

Tuy nhiên, cách dùng từ "cuộc đối thoại chiến lược" của ông Triệu đã trái ngược hoàn toàn với cách ông Blinken mô tả về cuộc gặp khi tham gia phiên điều trần ở Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 10/3.

"Đây (cuộc gặp) không phải là đối thoại chiến lược. Vào thời điểm này, chưa có kế hoạch nào cho các cuộc gặp tiếp theo", ông Blinken cho hay.

Cuộc gặp ở Anchorage dự kiến sẽ tác động tới quan hệ Mỹ - Trung thời ông Biden khi 2 bên sẽ cùng nhau bàn bạc về mọi lĩnh vực từ an ninh quốc gia, tới thương mại và kinh tế…

Cách dùng từ "Đối thoại chiến lược cấp cao" mà ông Triệu nhắc đến gợi nhớ tới các sự kiện như "Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung" diễn ra dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và "Đối thoại Kinh tế Chiến lược" dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.

Các sự kiện này nhằm mục đích tổ chức các cuộc gặp thường niên giữa đại diện cấp cao của cả hai nước tại thủ đô của nhau để hiểu sâu sắc hơn về nhau và tránh tính toán sai lầm.

Các cuộc gặp đã được đổi tên thành "Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ - Trung" trong thời gian Tổng thống Donald Trump tại nhiệm, nhưng nó đã bị hủy bỏ khi cuộc thương chiến nóng lên.

Hoài nghi về cuộc gặp

Hiện thời, khi 2 bên chuẩn bị gặp gỡ, căng thẳng giữa 2 nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong hàng loạt lĩnh vực.

Ông Blinken, người đã có cái nhìn cận cảnh về "Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung" dưới thời Obama với cương vị khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao, tỏ ra nghi ngờ về kết quả của cuộc gặp năm nay. Những quan ngại do Washington đưa ra phần lớn bị Trung Quốc phớt lờ - bao gồm cả yêu cầu Bắc Kinh ngừng quân sự hóa phi pháp Biển Đông và cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng nhằm vào các tập đoàn lớn của Mỹ.

Tại Mỹ, nhiều người tỏ ra hoài nghi rằng cuộc đối thoại có thể sẽ chỉ giúp Trung Quốc "câu giờ" để có thêm thời gian nâng cao năng lực quốc gia nhằm thách thức Washington trong tương lai.

Tại phiên điều trần ngày 10/3 ở Hạ viện, Hạ nghị sĩ Scott Perry đặt câu hỏi với Ngoại trưởng Blinken rằng ông đã chuẩn bị sẵn sàng hay liệu có dự tính sẽ nhượng bộ Bắc Kinh để 2 bên có thể hợp tác trong các vấn đề như hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay không. Ông Blinken trả lời dứt khoát: "Không".

"Với Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào, nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo rằng chúng tôi đang thúc đẩy lợi ích của Mỹ và các giá trị của Mỹ", ông Blinken nói.

"Đặc biệt, về mặt quân sự, ngoại giao, kinh tế, Trung Quốc có khả năng làm tổn hại hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế mà Mỹ đã dành nhiều công sức xây dựng và hệ thống này thúc đẩy lợi ích và giá trị của người dân Mỹ", Ngoại trưởng Blinken cáo buộc.

Ông Triệu, trong khi đó, tung ra một bản danh sách về những điều mà Bắc Kinh cho rằng Mỹ cần làm.

"Chúng tôi yêu cầu Mỹ nhìn nhận Trung Quốc và mối quan hệ Trung -Mỹ một cách khách quan và hợp lý, từ chối tâm lý "Chiến tranh Lạnh", tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, đồng thời ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Cuộc gặp nên tuân theo tinh thần của cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden, tập trung vào hợp tác, tháo gỡ sự khác biệt và đưa mối quan hệ Trung - Mỹ trở lại đúng hướng và phát triển ổn định", ông Triệu nói.

Ngay cả về địa điểm tổ chức, 2 bên cũng có cách tiếp cận khác nhau.

"Điều quan trọng là cuộc gặp (cấp cao) đầu tiên của chính quyền Biden (với Trung Quốc) được tổ chức trên đất Mỹ và diễn ra sau khi chúng tôi đã bàn bạc cẩn trọng với các đối tác và đồng minh ở châu Á và châu Âu", phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu hôm 10/3 về việc 2 bên chọn Alaska là nơi gặp gỡ.

Trong khi đó, ông Triệu nói rằng Trung Quốc "đã được phía Mỹ mời" tới cuộc gặp gỡ.