Công tố viên ICC lên tiếng về lệnh bắt Thủ tướng Israel
(Dân trí) - Công tố viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan đã lý giải cho quyết định xin lệnh bắt thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel.
"Đây là một thời điểm bấp bênh của cộng đồng quốc tế và nếu chúng ta không tuân thủ luật pháp, chúng ta sẽ không có gì để bấu víu", Công tố viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan nói trong cuộc phỏng vấn với Sunday Times hôm 26/5.
Ông nói thêm rằng các quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đang theo dõi chặt chẽ xem liệu các thể chế toàn cầu có tìm cách duy trì luật pháp quốc tế hay không.
"Liệu các quốc gia hùng mạnh có chân thành khi nói rằng, việc chúng ta có một cơ quan luật pháp hay hệ thống dựa trên luật lệ này chỉ là một điều vô nghĩa, chỉ là một công cụ của NATO và một thế giới hậu thuộc địa, không có ý định thực sự là áp dụng luật một cách bình đẳng?", ông Khan đặt câu hỏi.
Trước đó, Công tố viên trưởng ICC Karim Khan cho biết ông đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ngoài ra, công tố viên ICC cũng xin lệnh bắt Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cũng như hai lãnh đạo hàng đầu khác của Hamas.
Nếu được các thẩm phán ICC ban hành, lệnh bắt giữ đồng nghĩa với việc bất kỳ quốc gia nào trong số 124 quốc gia thành viên ICC về mặt kỹ thuật sẽ có nghĩa vụ bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và những người khác nếu họ đến các nước đó. Tuy nhiên, tòa án không có cơ chế để thực thi sắc lệnh.
Ông Khan cho biết các cáo buộc chống lại nhóm thủ lĩnh Hamas bao gồm "tàn sát, giết người, bắt con tin, cưỡng bức và tấn công tình dục trong trại giam". Trong khi đó, các cáo buộc chống lại Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Gallant bao gồm "gây ra cuộc tàn sát, gây ra nạn đói như một biện pháp chiến tranh, bao gồm việc từ chối cung cấp viện trợ nhân đạo, cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột".
Trong cuộc phỏng vấn, công tố viên ICC cũng nhấn mạnh Israel không giống Hamas.
"Israel, quốc gia có nền dân chủ và tòa án tối cao, tất nhiên không giống với Hamas. Israel có mọi quyền để bảo vệ người dân của họ và đưa các con tin trở về. Nhưng không ai được phép phạm tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người", ông Khan tuyên bố.
Ông cũng nêu một số cáo buộc chống lại Israel, bao gồm cắt nguồn nước, nhắm mục tiêu vào người dân đang xếp hàng chờ lấy thực phẩm và sát hại nhân viên của các tổ chức viện trợ.
"Đây không phải là cách tiến hành một cuộc chiến. Nếu đây là biểu hiện của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, Công ước Geneva không có nghĩa lý gì cả", ông Khan nói thêm.
Vòng xoáy giao tranh hiện nay giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, khi nhóm chiến binh Palestine tấn công lãnh thổ Israel, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và bắt hơn 250 người làm con tin. Israel ngay lập tức mở chiến dịch quân sự ở Gaza để đáp trả, đặt mục tiêu "xóa sổ" Hamas.
Theo cơ quan y tế Gaza, cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến ít nhất 35.984 người ở Gaza thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Liên hợp quốc đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza, nơi người dân đang phải chịu nạn đói và thiếu nhu yếu phẩm.