1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thêm một nước tuyên bố sẽ bắt Thủ tướng Israel theo lệnh ICC

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính phủ Đức tuyên bố sẽ hợp tác với Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) nếu đề xuất lệnh bắt giữ được ban hành đối với Thủ tướng Israel.

Thêm một nước tuyên bố sẽ bắt Thủ tướng Israel theo lệnh ICC - 1

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Shutterstock).

Tại cuộc họp báo hôm 22/5, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit đã được hỏi liệu Berlin có thực thi lệnh bắt giữ của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nếu lệnh này được đưa ra hay không.

"Tất nhiên là có, chúng tôi tuân thủ luật pháp", ông Hebestreit cho biết.

Tuyên bố của người phát ngôn chính phủ Đức được đưa ra sau khi Đại sứ Israel tại Berlin Ron Prosor kêu gọi chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối việc ICC có thể phát lệnh bắt giữ đối với thủ tướng Israel.

"Tuyên bố về việc Israel có quyền tự vệ sẽ không còn giá trị nếu chúng tôi bị trói tay ngay khi tự vệ. Công tố viên trưởng đã đánh đồng một chính phủ dân chủ với Hamas, từ đó bôi nhọ và phi pháp hóa Israel và người Do Thái. Ông ấy hoàn toàn đánh mất kim chỉ nam đạo đức của mình", Đại sứ Prosor nói, đề cập tới Công tố viên trưởng ICC Karim Khan.

Đại sứ Prosor nói thêm rằng Đức có trách nhiệm "điều chỉnh lại kim chỉ nam này". Ông gọi việc xin lệnh bắt thủ tướng Israel là một "chiến dịch chính trị đáng hổ thẹn".

Người phát ngôn của chính phủ Đức từ chối bình luận trực tiếp về đề nghị của chính phủ Israel. Đức là một bên ký kết ICC và đã ủng hộ mạnh mẽ các tổ chức đa phương như vậy.

Pháp, một trong số 124 quốc gia công nhận thẩm quyền của ICC, cũng có cùng quan điểm với Đức. Bộ Ngoại giao Pháp hôm 21/5 khẳng định ủng hộ ICC, nói rằng sẽ tùy thuộc vào tòa án để quyết định về việc có ra lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel và Hamas hay không dựa trên bằng chứng của công tố viên.

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide ngày 22/5 tuyên bố, nếu ICC phát lệnh bắt giữ đối với các quan chức Israel, nước này sẽ có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ nếu họ đến Na Uy.

Trước đó, Công tố viên trưởng ICC Karim Khan cho biết ông đang xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Ngoài ra, công tố viên ICC cũng xin lệnh bắt Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cũng như hai lãnh đạo hàng đầu khác của Hamas.

Một hội đồng thẩm phán ICC sẽ xem xét đơn xin lệnh bắt giữ của công tố viên Karim Khan.

Ông Khan cho biết các cáo buộc chống lại nhóm thủ lĩnh Hamas bao gồm "tàn sát, giết người, bắt con tin, cưỡng bức và tấn công tình dục trong trại giam". Trong khi đó, các cáo buộc chống lại Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Gallant bao gồm "gây ra cuộc tàn sát, gây ra nạn đói như một biện pháp chiến tranh, bao gồm việc từ chối cung cấp viện trợ nhân đạo, cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột".

Vòng xoáy giao tranh hiện nay giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, khi nhóm chiến binh Palestine tấn công lãnh thổ Israel, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và bắt hơn 250 người làm con tin. Israel ngay lập tức mở chiến dịch quân sự ở Gaza để đáp trả, đặt mục tiêu "xóa sổ" Hamas.

Ước tính hàng chục nghìn người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel. Liên hợp quốc đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza, nơi người dân đang phải chịu nạn đói và thiếu nhu yếu phẩm.

Theo RT