1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Con người thực của Saddam Hussein, những điều chưa biết

(Dân trí) - Mới đây, Mustapha Karadaghi, một cựu quan chức ngoại giao Iraq, từng làm việc dưới thời cựu TT Saddam Hussein đã tiết lộ với báo giới "những điều chưa biết" về nhà cựu độc tài xấu số. Ông này cho biết: "Những điều tôi ghi nhận được về con người này là một tính khí hùng hăng và một tính cách kỳ quặc"

Một tính khí hung hăng

 

Khi còn nhỏ Saddam đã bị cha đẻ ruồng bỏ, phải sống với người cha dượng. Không thể chịu nổi những trận đòn của người cha dượng ông đã bỏ nhà đến sống nhờ họ hàng. Hành động ngược đãi của người cha dượng đã hình thành bản tính thích bạo lực ở Saddam.

 

Mới 23 tuổi, Saddam đã được đảng Baath chỉ định đi ám sát vị tướng độc tài đang cai trị đất nước Iraq thời bấy giờ là Karim Kassem. Sở dĩ đảng Baath  chọn Saddam vì mọi người đều cho rằng với tính khí hung hăng, hiếu chiến, Saddam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng thật đáng tiếc, vụ ám sát không thành do Saddam đã hốt hoảng nổ súng quá sớm. Hậu quả là ông bị một viên đạn găm vào chân.

 

Sau đó Saddam sang tị nạn ở Ai Cập, theo học ngành luật.  Ở đó, ông nổi tiếng là kẻ hay gây rối. Thậm chí có lần ông đã rút dao ra và suýt đâm chết người cãi lộn với minh. Đến 5-5-1963, ông trở lại Iraq và cưới cô con gái của một vị quan chức đỡ đầu cho ông. Họ có 2 người con trai và 3 cô con gái. Ngoài ra, ông còn có rất nhiều tình nhân.

 

Mustapha Karadaghi cho biết: "Saddam tỏ ra quá hung hăng và hiếu chiến. Ông ta luôn nói đến việc làm sao lật đổ chế độ, làm sao giết nhiều người". Thậm chí đến cả người thân ông cũng không tha. Saddam từng đòi hành quyết người con trai cả Uday vì đã đánh chết người nếm thức ăn của ông. Sau đó, nhờ sự khuyên can của vợ ông thu hồi lệnh hành quyết.

 

Khi 2 người con rể bỏ trốn ra nước ngoài tố cáo ông, ông liền đưa ra lệnh ân xá giả để triệu họ về. Khi cả 2 vừa đặt chân xuống sân bay liền bị ông bắn chết.

 

Bằng khả năng của bản thân và cả những thủ đoạn, Saddam thăng tiến khá nhanh trong đảng Baath và khi đảng này lên nắm quyền vào năm 1986, ông đã trở thành một nhân vật rất có quyền lực.

 

Một tính cách kỳ quặc

 

Khi đã trở thành nhà lãnh đạo đất nước, với mục đích nâng cao đời sống cho nhân dân, ông đề ra quy định bất cứ ai không theo các lớp học xóa mù dành cho người lớn tuổi sẽ phải ở tù 3 năm. 

 

Saddam được biết đến là một nhà lãnh đạo chuộng hình thức. Ông muốn thành phần nội các Chính phủ phải là những người có vóc dáng thật chuẩn. Ông nhận thấy các Bộ trưởng Iraq quá mập nên đã bắt họ phải theo một thực đơn ăn kiêng, công bố trọng lượng và mục tiêu giảm trọng lượng của mỗi vị Bộ trưởng trên báo cho toàn thể người dân được biết.

 

Dù tất cả mọi người đều phải công nhận ngài TT cũng hơi mập và đang cố gắng che đậy điều đó bằng những bộ quân phục, nhưng ông vẫn lấy mình ra làm tiêu chuẩn hình thể cho các vị Bộ trưởng.

 

Ông thích nhuộm mái tóc hung của mình thành màu đen và dù bị cận rất nặng nhưng ông không bao giờ chịu đeo kính đọc sách khi có người. Vết thương do viên đạn để lại ở chân đã khiến bước đi của ông không đều. Vì thế ông ra lệnh mọi phóng viên quay phim không được quay ông bước đi quá 5 bước.

 

Luôn lo sợ bị đầu độc, ông yêu cầu cùng một lúc 20 lâu đài của ông luôn có người phục vụ, các bữa ăn hằng ngày đều phải chuẩn bị như thể ông có mặt ở 20 nơi. Món ăn khoái khẩu của ông là tôm hùm nhập khẩu phải gửi đến các phòng xét nghiệm trước khi được đặt trên bàn ăn.

 

Đồ uống ưa thích của ông là rượu vang nhãn hiệu Mateus Rose của Bồ Đào Nha. Là một kẻ hình thức ông không bao giờ  dám uống rượu công khai vì muốn thể hiện trước mọi người mình là một tín đồ Hồi giáo gương mẫu, luôn chấp hành mọi quy định của đạo Hồi.

 

Ông hay bị ám ảnh bởi loài vi khuẩn. Ông yêu cầu những tướng lĩnh phải rửa tay bằng thuốc sát trùng thật sạch trước khi bước vào phòng trình diện. Những người được triệu tập phải cởi hết quần áo để người giúp việc giặt, ủi, chiếu tia diệt khuẩn rồi sau đó vào gặp ông với bộ đồ mới.

 

H.H
Tổng hợp

Dòng sự kiện: Hành quyết Saddam Hussein