"Quyền lực mềm" của Mỹ ảnh hưởng ra sao nếu ông Trump đóng cửa USAID?
(Dân trí) - Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang rơi vào "tâm bão" của một cuộc tranh cãi chính trị tại Mỹ. Nếu tổ chức này phải đóng cửa, "quyền lực mềm" của nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
USAID là tổ chức gì?
Được Tổng thống John Kennedy thành lập vào năm 1961, thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh và với mục đích điều phối tốt hơn các chương trình viện trợ nước ngoài, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô.
Khi triển khai ý tưởng về USAID, Tổng thống Kennedy lập luận rằng, với tư cách là quốc gia giàu có nhất trên Trái đất, nước Mỹ "có nghĩa vụ đạo đức và tài chính" cung cấp viện trợ cho nước ngoài.
Ngược lại, bằng việc tài trợ cho các dự án ở những quốc gia nghèo khó hơn, nước Mỹ cũng gặt hái được nhiều lợi ích về mặt chính trị.
Ngày nay, những người hậu thuẫn cho USAID biện hộ rằng sự hỗ trợ của Mỹ ở các quốc gia này là để chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.
Mặc dù Mỹ có nhiều bộ ngành cũng như các cơ quan khác cung cấp viện trợ cho nước ngoài nhưng USAID đã đảm trách việc phân phối phần lớn viện trợ quốc tế trong hơn nửa thế kỷ qua. Cơ quan này có hơn 10.000 nhân viên, trong đó khoảng 2/3 làm việc ở nước ngoài.
Các dự án do USAID tài trợ thường được thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ (NGO), nhà thầu phi lợi nhuận, các trường đại học hoặc chính phủ nước sở tại.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), USAID đang quản lý khoảng 60% tiền viện trợ nước ngoài của Mỹ và đã giải ngân 43,79 tỷ USD trong năm tài chính 2023.
Ưu tiên trợ giúp của USAID là những quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và các nước đang có xung đột. USAID đi đầu trong các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, phòng chống bệnh tật, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ cho các lợi ích thương mại của Mỹ ở các nước đang phát triển.
Các quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất của USAID trong năm 2023 là Ukraine, Ethiopia, Jordan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Yemen, Afghanistan, Nigeria, Nam Sudan và Syria.
USAID đối mặt nguy cơ đóng cửa
USAID đang trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi chính trị sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố sẽ đóng cửa cơ quan này với tư cách là một tổ chức độc lập và có thể chuyển về trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong nỗ lực lớn hơn nhằm cải tổ bộ máy hành chính liên bang.
Trong sắc lệnh hành pháp đưa ra ngày 20/1 để thông báo tạm dừng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, Tổng thống Trump cho biết "bộ máy hành chính viện trợ nước ngoài không phù hợp với lợi ích của Mỹ và trong nhiều trường hợp là trái ngược với các giá trị Mỹ".
"Sự phục vụ của họ làm mất ổn định hòa bình thế giới qua việc thúc đẩy những ý tưởng ở các quốc gia nước ngoài trái ngược hoàn toàn với các mối quan hệ hài hòa và ổn định bên trong và giữa các quốc gia", sắc lệnh được ông Trump ký ngày 20/1 cho biết.
Chính quyền mới ở Nhà Trắng đã thúc giục các nhân viên USAID tham gia vào nỗ lực chuyển đổi cách Washington phân bổ viện trợ dựa theo chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump, đồng thời đe dọa kỷ luật những ai phớt lờ sắc lệnh này.
Do đó, USAID đã lọt vào "tầm ngắm" của chính quyền Donald Trump cùng với nỗ lực tăng hiệu quả hoạt động của chính phủ Mỹ do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo.
Ngày 2/2, ông Musk tuyên bố Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) đang trong quá trình "đóng cửa USAID" và kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Trump.
Theo ông Musk, USAID là một trong những cơ quan lãng phí nhiều ngân sách nhất và cần được loại bỏ để cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ Mỹ. Ông cho rằng nước Mỹ cần một phương thức viện trợ mới, minh bạch hơn hoặc chuyển trọng tâm vào đầu tư trực tiếp thay vì thông qua các cơ quan chính phủ như USAID.
Đến ngày 3/2, đội ngũ nhân viên của USAID đã nhận được email thông báo trụ sở chính của cơ quan này tại Washington D.C phải đóng cửa và họ được khuyến khích nên làm việc tại nhà.
Chưa hết, cũng trong ngày 3/2 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông được giao nhiệm vụ nắm quyền quản lý USAID, cho dù đây vốn là cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, và tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện nhằm tái cơ cấu tổ chức này.
Phát biểu với các phóng viên tại El Salvador, ông Rubio cáo buộc USAID không hợp tác với các yêu cầu cung cấp thông tin về cách chi tiêu tiền thuế của người dân.
Tổng thống Donald Trump ngày 3/2 cũng tuyên bố việc đóng cửa USAID "đáng lẽ ra phải được thực hiện từ lâu". Khi được hỏi liệu ông có cần sự chấp thuận của Quốc hội cho quyết định đóng cửa USAID hay không, ông Trump không ngần ngại trả lời rằng "tôi không nghĩ như vậy".
"Quyền lực mềm" của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng?
Nhà khoa học chính trị Joseph Nye là người đã đưa ra thuật ngữ "quyền lực mềm" vào năm 1990 để chỉ một loại năng lực "có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước".
Từ trước khi giáo sư Joseph Nye đưa ra định nghĩa như trên, "quyền lực mềm" đã là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
"Quyền lực mềm" giúp giải thích tại sao Mỹ lại có các căn cứ quân sự ở ít nhất 80 quốc gia, tại sao đồng USD lại trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế và tại sao tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu trong kinh doanh và ngoại giao.
Trung Quốc và Nga đều là những nước có sức mạnh quân sự, trong đó Trung Quốc còn là một siêu cường kinh tế nhưng họ không có sức ảnh hưởng toàn cầu ở quy mô như Mỹ.
Với vai trò là một trong những công cụ quan trọng nhất để Mỹ thực thi chính sách đối ngoại và với ngân sách hàng chục tỷ USD mỗi năm, thông qua các chương trình viện trợ nhân đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế, y tế, giáo dục.. USAID đã giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng tại nhiều khu vực chiến lược trên thế giới như Đông Âu, Đông Nam Á, Mỹ Latinh hay châu Phi.
Có thể nói, USAID không chỉ là một cơ quan viện trợ mà còn là một công cụ để Mỹ thực thi "quyền lực mềm" nhằm tác động đến chính quyền các nước khác theo hướng có lợi cho Washington.
Vì vậy, việc USAID đứng trước nguy cơ bị đóng cửa có thể sẽ khiến nước Mỹ mất đi một công cụ đắc lực để chi phối các quốc gia đang phát triển, bởi các khoản viện trợ mà USAID cung cấp đóng vai trò như một đòn bẩy quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Washington.
Kế hoạch đóng cửa USAID nếu được thực hiện sẽ tạo ra một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhiều thập niên tới đây, đặc biệt khi các đối thủ địa chính trị chủ chốt như Trung Quốc hay Nga sẽ nhanh chóng tìm cách lấp đầy khoảng trống này để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.