Chuyện ít biết về các vụ vũ khí hạt nhân của Mỹ mất tích bí ẩn
(Dân trí) - Trong quá trình Mỹ vận hành hệ thống vũ khí hạt nhân, đã từng có những vụ tai nạn xảy ra và hiện nay vẫn còn 6 khí tài thuộc loại này vẫn đang bị mất tích không dấu vết.
Theo National Interest, từ năm 1950-1980, Mỹ có 32 vụ tai nạn liên quan tới vũ khí hạt nhân được ghi nhận lại với hàng loạt nguyên nhân như: phóng nhầm, bắn nhầm, bị phát nổ, bị đánh cắp hoặc mất tích. Hiện Mỹ vẫn đang không rõ tung tích của 6 vũ khí hạt nhân, trong đó có khí tài đã biến mất hơn 70 năm qua.
Vụ vũ khí hạt nhân mất tích lâu nhất xảy ra vào ngày 13/2/1950 và giới quan sát cho rằng khí tài này có lẽ còn lâu mới có thể được tìm thấy. Hơn 71 năm trước, nó biến mất khi máy bay ném bom B-36 của không quân Mỹ thực hiện một vụ diễn tập tấn công hạt nhân giả định từ căn cứ Eielson, Alaska tới căn cứ Carswell, Texas.
Máy bay bị lỗi động cơ khi đang thực hiện nhiệm vụ khiến phi hành đoàn quyết định thả quả bom Mark 4 có sức công phá 30 kiloton xuống Thái Bình Dương vì không muốn máy bay bị rơi khi vẫn còn đầu đạn hạt nhân bên trong.
Theo các báo cáo, quả bom không chứa lõi plutonium cần thiết cho một vụ nổ hạt nhân, nhưng nó vẫn có một lượng đáng kể uranium.
Ngày 10/3/1956, hai lõi hạt nhân bị mất tích khi chiếc máy bay ném bom B-47 chở chúng nghi bị rơi ở Địa Trung Hải khi di chuyển từ căn cứ MacDill, Florida tới Ben Guerir ở Morocco. Chiếc B-47 đã thực hiện tiếp liệu trên không thành công vào lần đầu tiên, nhưng thất bại ở lần thứ 2 khi tiếp xúc với máy bay tiếp dầu. Nó đã bị mất tích. Vũ khí trên B-47 không được công bố nhưng máy bay này thường mang theo bom hạt nhân Mark 15 nặng 3.400 kg.
Trong một nhiệm vụ diễn tập tấn công giả định ngày 5/2/1958 ở gần Savannah, Georgia, một chiếc B-47 chở theo bom hạt nhân Mk-15 va chạm với một chiếc F-86. Sau nhiều nỗ lực hạ cánh bất thành, phi hành đoàn của B-47 được "bật đèn xanh" cho phép thả bom xuống để giảm trọng tải và đảm bảo quả bom không nổ tung khi máy bay hạ cánh khẩn cấp. Quả bom sau đó bị ném xuống vịnh Wassaw Sound và đến nay vẫn mất tích bí ẩn.
Máy bay ném bom B-52 ngày 24/1/1961 bị rơi vài phút sau khi cất cánh ở Goldsboro, North Carolina. Nó mang theo bom hạt nhân 24 megaton. Hiện thời, một lõi uranium từ quả bom vẫn đang mất tích và có thể bị chôn vùi đâu đó tại khu vực nói trên.
Ngày 5/12/1965, một máy bay tấn công A-4E Skyhawk mang theo vũ khí nhiệt hạch 1 megaton đã bị rơi xuống Thái Bình Dương sau khi nó rơi khỏi boong tàu USS Ticonderoga. Phi công, máy bay và cả quả bom nhanh chóng chìm xuống độ sâu 4.896 mét và biến mất cho tới nay.
Tuy nhiên, phải tới 15 năm sau, Mỹ mới thừa nhận vụ tai nạn xảy ra và nói rằng hiện trường nằm cách 804 km so với đất liền. Tuy nhiên, các thông tin sau đó cho thấy, quả bom bị mất tích ở khu vực cách chuỗi đảo Ryuki của Nhật Bản 128 km. Nhật Bản sau đó đã cấm Mỹ mang vũ khí hạt nhân tới lãnh thổ của họ.
Mùa xuân năm 1968, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ USS Scorpion bị chìm ở khu vực cách quần đảo Azores - vùng tự trị của Bồ Đào Nha ở bắc Đại Tây Dương - khoảng 640 km. Ngoài 99 thủy thủ đoàn thiệt mạng, tàu ngầm còn chở cặp vũ khí hạt nhân có sức công phá 250 kiloton.