1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia Trung Quốc tìm thấy điểm sơ hở trong các boong-ke hạt nhân Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia Trung Quốc phát hiện công thức Mỹ dùng tính mức độ chống chịu của boong-ke hạt nhân có khả năng sai sót và khiến các công trình này có thể 'bị tổn thương" khi kịch bản bị tấn công xảy ra.

Chuyên gia Trung Quốc tìm thấy điểm sơ hở trong các boong-ke hạt nhân Mỹ - 1

Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng phương trình mà Mỹ dùng làm cơ sở xây boong-ke trú ấn không hoàn toàn chính xác 100% (Ảnh minh họa: Shutterstock)

SCMP đưa tin, các nhà nghiên cứu Trung Quốc kết luận rằng phương trình nổ hạt nhân quân đội Mỹ dùng trong hàng chục năm qua để làm cơ sở xây dựng boong-ke trú ẩn không phải lúc nào cũng chính xác hoàn toàn.

Phương trình trên ước tính tác động lên mặt đất sau một vụ nổ vũ khí hạt nhân, nhưng các mô phỏng máy tính cho thấy kết quả có thể không đáng tin cậy nếu vụ nổ xảy ra ở khoảng cách gần, dẫn tới khả năng các boong-ke có thể trở thành "cấu trúc dễ bị tổn thương".

"Vụ nổ càng lớn, khoảng cách hoặc độ sâu càng gần, thì lỗi sai càng lớn", đội nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Rong Jili từ Viện Công nghệ Bắc Kinh, kết luận.

Nghiên cứu trên là công trình hợp tác giữa đội của ông Rong và các chuyên gia từ Học viện Công nghệ Phương tiện phóng Trung Quốc - nhà phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất quốc gia này.

Trung Quốc từng cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong tấn công phủ đầu, nhưng bỏ ngỏ khả năng dùng chúng để đáp trả. Chiến lược này đòi hỏi Trung Quốc phải có bãi phóng và cơ sở chỉ huy chịu được sức công phá từ bất cứ vụ tấn công nào trước đó.

Ông Rong và các cộng sự đã giả lập một vụ nổ của một quả bom nguyên tử cỡ nhỏ - sức công phá tương đương 500 tấn thuốc nổ TNT, cùng với mô hình toán học trên máy tính. Kết quả cho thấy nó khớp với phương trình của quân đội Mỹ trong hầu hết các trường học, nhưng bắt đầu có sai lệch mạnh ở khu vực gần tâm chấn của vụ tấn công.

Nghiên cứu kết luận rằng các kết quả cho thấy sự biến dạng lớn hơn ước tính của đất và đá do vụ nổ hạt nhân tạo ra có thể dẫn đến hỏng hóc cấu trúc bên trong các cơ sở dưới lòng đất.

"Với sự phát triển của công nghệ vũ khí và hiểu biết sâu sắc hơn về tác động của vụ nổ hạt nhân, hiệu ứng chấn động mặt đất do vụ nổ gây ra đã thu hút sự chú ý rộng rãi và được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với các công trình ngầm", ông Rong nhận định.

Trung Quốc dừng thử vũ khí hạt nhân từ năm 1996 nhưng họ vẫn phát triển vũ khí mới hoặc các biện pháp đáp trả dựa vào các siêu máy tính và cơ sở nghiên cứu có thể giả lập các vụ nổ hạt nhân.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu từ các vụ tai nạn quy mô lớn. Ví dụ, vụ nổ nhà kho hóa chất ở cảng Thiên Tân năm 2015 làm 173 người thiệt mạng được xem đã cung cấp nhiều thông tin cho các nhà khoa học Trung Quốc. Theo một nghiên cứu, vụ nổ tại nhà kho trên sinh ra sóng xung kích tương tự như vụ nổ gây ra bởi vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Các chuyên gia dựa vào thông tin thu được từ hiện trường vụ nổ để ước tính hiệu ứng chấn động mặt đất trong kịch bản xảy ra tấn công hạt nhân.

Đội ngũ của ông Rong nói rằng phương trình của Mỹ là không hoàn hảo vì nó dựa trên dữ liệu thử nghiệm có từ những năm 1960. Họ nhận định đây là những thông tin chưa đầy đủ và chưa đánh giá hết được tác động của vụ nổ hạt nhân.