1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia: Rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ có thể tăng hiện diện ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông sau khi rút quân khỏi Afghanistan, nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Chuyên gia: Rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ có thể tăng hiện diện ở Biển Đông - 1

Các máy bay tạo thành đội hình phía trên hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tại Biển Đông vào tháng 7/2020 (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Báo Business World (Philippines) dẫn lời Renato C. de Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle, nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một "sự rút lui" chiến lược nhằm giải phóng năng lực của Mỹ trong việc cạnh tranh với các đối thủ như Trung Quốc và Nga.

"Mỹ đã nhận ra rằng việc ở lại Afghanistan không mang lại bất kỳ lợi ích nào. Họ đã bỏ rất nhiều tiền mà không thu lại được gì", ông De Castro nói trong một cuộc phỏng vấn.

"Bạn sẽ làm gì khi nhận ra rằng khoản đầu tư của mình không thu được lợi nhuận? Bạn phải rút lui. Điều này được gọi là rút lui chiến lược", ông De Castro nói thêm.

Theo ông De Castro, Mỹ đã "dành quá nhiều nguồn lực cho Afghanistan và những nguồn lực này phải được cắt giảm vì họ có những ưu tiên khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Nhà phân tích cho rằng Mỹ hiện có thể tập trung vào các vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách hơn, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Ông De Castro nói rằng Philippines có thể kỳ vọng Mỹ triển khai thêm tàu tuần tra ở Biển Đông, đồng thời giúp quốc gia Đông Nam Á tăng cường lực lượng hải quân.

"Trọng tâm của Mỹ sẽ là ở khu vực này. Họ sẽ dành cho chúng ta nhiều sự quan tâm hơn. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều nguồn lực hơn từ họ", ông De Castro nhận định.

Theo Victor Andres Manhit, chủ tịch một tổ chức tư vấn chính sách tại Philippines, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cho thấy mức độ nghiêm túc của Mỹ trong việc đối mặt với các thách thức an ninh từ các cường quốc trong khu vực. Ông Manhit cho rằng việc Mỹ tập trung vào mục tiêu kiểm soát các nhóm cực đoan tại Afghanistan đã tạo cho Trung Quốc "không gian để trỗi dậy ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

"Việc rút quân khỏi Afghanistan là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tập trung vào những thách thức chiến lược cốt lõi, đặc biệt là những thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Joe Biden coi là quan trọng hơn", chuyên gia Manhit nhận định.

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan thân Mỹ và khiến thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban, đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về mức độ tin cậy của Mỹ trong cam kết với các đồng minh, bao gồm Philippines.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Đài Loan rằng, Mỹ sẽ không sát cánh với Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Bắc Kinh tấn công.

"Họ không thể tin tưởng vào Washington, vì Afghanistan không phải là nơi đầu tiên mà Mỹ bỏ rơi đồng minh của mình, và cũng sẽ không phải là nơi cuối cùng", Thời báo Hoàn cầu bình luận.

Robin Michael Garcia, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Philippines khó có thể trở thành Afghanistan tiếp theo vì lợi ích của họ "rất phù hợp với lợi ích của Mỹ".

"Lợi ích thực tế của Mỹ sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu. Đó là một thực tế trong chính trị quốc tế", ông Garcia nói.

Theo giáo sư Garcia, Philippines vẫn có thể trông cậy vào việc đảm bảo an ninh từ Mỹ trong vấn đề Biển Đông, vì đây là tuyến giao thương trên biển quan trọng.

"Mỹ luôn kêu gọi một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, đặc biệt là kêu gọi tự do hàng hải, vì sự kìm hãm thương mại ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận họ kiếm được. Rõ ràng là ở Biển Đông, lợi ích của Mỹ là rất lớn vì liên quan đến thương mại", ông Garcia cho biết.

Ông Garcia cho rằng khó có thể so sánh hành động của Mỹ ở Trung Đông hoặc ở Afghanistan với hành động của nước này ở châu Á.

"Lợi ích của Mỹ rất phù hợp với lợi ích của các nước Đông Á và Đông Nam Á", chuyên gia Garcia nhận định.