1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, Trung Quốc "đấu khẩu" về Biển Đông tại Liên Hợp Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Vấn đề Biển Đông làm "nóng" cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi đại diện của Mỹ và Trung Quốc chỉ trích lẫn nhau về hành động của mỗi bên tại vùng biển chiến lược này.

Mỹ, Trung Quốc đấu khẩu về Biển Đông tại Liên Hợp Quốc - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 9/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng chỉ trích các hành động bắt nạt ở Biển Đông.

"Các xung đột ở Biển Đông hay bất cứ vùng biển nào sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến an ninh và thương mại toàn cầu. Khi một quốc gia không phải gánh hậu quả vì phớt lờ các quy định, nó sẽ kéo theo bất ổn và tình trạng coi thường trật tự ở khắp nơi", Ngoại trưởng Blinken nói.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói thêm: "Chúng ta đã thấy những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các tàu thuyền trên biển và các hành động khiêu khích nhằm thực thi những yêu sách chủ quyền phi pháp". Ông cho biết, Washington đặc biệt quan ngại về hành động đe dọa, bắt nạt quốc gia khác tiếp cận hợp pháp nguồn tài nguyên biển của họ".

Ông Blinken kêu gọi tất cả các nước, không chỉ những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, phải có trách nhiệm bảo vệ các quy định đã nhất trí theo đuổi để giải quyết tranh chấp trên biển một cách ôn hòa.

Đáp lại, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Dai Bing, cáo buộc Mỹ "khuấy động rắc rối, tùy tiện điều tàu chiến và máy bay quân sự tiên tiến đến Biển Đông". Nhà ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ là "mối đe dọa lớn nhất đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông".

Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông thông qua cái gọi là "đường chín đoạn". Bắc Kinh đã bồi đắp và quân sự hóa trái phép tại vùng biển được coi là giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược này. Để thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Mỹ liên tục điều các tàu đến vùng biển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, để thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải.

Kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong một tuyên bố hồi tháng 5, ông Biden nói rằng, Washington phải đảm bảo an toàn và tự do hàng hải ở các tuyến đường biển chiến lược, trong đó có Biển Đông.

Trong chuyến công du châu Á hồi cuối tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng nhấn mạnh: "Yêu sách chiếm phần lớn Biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở pháp lý, giẫm đạp lên chủ quyền của các nước khác trong khu vực". Ông Austin cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven Biển Đông duy trì các quyền của mình theo luật quốc tế. Mặt khác, ông Austin khẳng định, Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu với Trung Quốc. Ông cho biết, Washington kỳ vọng một mối quan hệ "ổn định và mang tính xây dựng" với Bắc Kinh, bao gồm thiết lập và duy trì các đường dây quản lý khủng hoảng trực tiếp giữa quân đội hai nước.