1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ lên tiếng việc Trung Quốc áp quy định hàng hải gây quan ngại ở Biển Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Washington coi việc Trung Quốc áp quy định khai báo với tất cả tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền là sự "đe dọa nghiêm trọng" đến tự do hàng hải và thương mại.

Mỹ lên tiếng việc Trung Quốc áp quy định hàng hải gây quan ngại ở Biển Đông - 1

Các tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng các tàu hộ tống diễn tập ở biển Ấn Độ-Thái Bình Dương tháng 7/2020 (Ảnh: AFP).

"Mỹ vẫn kiên định với lập trường rằng bất kỳ luật hay quy định hàng hải nào cũng không được vi phạm quyền tự do hàng hải, hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế", báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 2/9 dẫn bình luận của người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc nhấn mạnh: "Các tuyên bố chủ quyền biển phi pháp, trong đó có Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến các quyền tự do trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do thương mại, quyền và lợi ích của các nước ở Biển Đông và các quốc gia ven biển khác".

Bình luận trên được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Trung Quốc công bố quy định hàng hải gây tranh cãi. Theo thông báo của Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9, tất cả tàu nước ngoài đi vào vùng "lãnh hải" của Trung Quốc phải khai báo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho giới chức hàng hải của Trung Quốc.

Yêu cầu khai báo được áp dụng đối với tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng, các chất độc hại khác và các tàu khác bị coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc. Nếu các tàu nước ngoài không khai báo theo quy định, cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng các luật, quy định, quy tắc và điều khoản liên quan để xử lý.

Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải mà không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Các quốc gia ven biển không được quyền cản trở việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài, không được phép yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước.

Một trong những điểm gây chú ý trong quy định mới mà Bắc Kinh đưa ra là khái niệm "vùng lãnh hải của Trung Quốc". Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, do vậy, giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh sẽ áp dụng quy định hàng hải phi lý trên cho các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trong đó có biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như các đảo, bãi đá.

Để thách thức những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Mỹ đã liên tục tiến hành các chuyến tuần tra tự do hàng hải trong khu vực. Trong tuyên bố hôm qua, người phát ngôn Lầu Năm Góc Supple cho biết: "Mỹ tiếp tục cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở".