1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Pháp nêu 3 điều kiện cần để các nước châu Âu dỡ bỏ phong tỏa

(Dân trí) - Một chuyên gia Pháp cho rằng các nước cần một số điều kiện tiên quyết trước khi quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiềm tỏa để tránh “làn sóng” Covid-19 quay trở lại.

Chuyên gia Pháp nêu 3 điều kiện cần để các nước châu Âu dỡ bỏ phong tỏa - 1

Nhân viên kiểm tra nhiệt độ hành khách tại lối vào siêu thị ở Turin, Italia. (Ảnh: Reuters)

Khi số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã lên tới gần 2 triệu người, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/4 dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay, trong đó các nền kinh tế phát triển phương Tây sẽ ghi nhận mức giảm mạnh nhất, tới 6,1%. Các chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái vào thập niên 1930.

Theo Guardian, các nước châu Âu bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên trong quá trình nới lỏng phong tỏa, với hy vọng vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Người lao động tại Tây Ban Nha đã quay trở lại làm việc tại một số nhà máy và khu xây dựng. Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo, mặc dù số ca tử vong tại nước này đã vượt 18.000, cao thứ hai tại châu Âu sau Italia, nhưng số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/3.

Tuy nhiên, hầu hết cửa hàng và dịch vụ tại Tây Ban Nha vẫn đóng cửa, trong khi các nhân viên văn phòng vẫn phải làm việc tại nhà nếu có thể. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết ông sẽ thực hiện việc nới lỏng phong tỏa với “sự thận trọng và cẩn thận cao nhất… và luôn dựa trên chứng cứ khoa học”.

Tại Italia, các hiệu sách, cửa hàng giặt là, văn phòng phẩm và quần áo trẻ em đã mở cửa trở lại tại một số khu vực. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Italia đã vượt 21.000 người hôm 14/4, tuy nhiên số ca nhiễm mới được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ ngày 13/3, trong khi số ca nguy kịch cũng giảm 11 ngày liên tiếp.

Các công nhân làm việc trong ngành lâm nghiệp được phép làm việc trở lại. Các nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị công nghệ thông tin cũng nối lại hoạt động, khi Italia chuẩn bị bước vào giai đoạn hai của cuộc khủng hoảng dịch bệnh, dự kiến bắt đầu sau khi lệnh phong tỏa hiện tại kết thúc vào ngày 4/5.

Chuyên gia Pháp nêu 3 điều kiện cần để các nước châu Âu dỡ bỏ phong tỏa - 2

Người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi tới siêu thị tại Italia. (Ảnh: EPA)

Áo, nước ghi nhận 384 ca tử vong và 14.000 ca mắc Covid-19, cũng bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép các công viên công cộng, cửa hàng nhỏ và cửa hàng bán đồ làm vườn mở cửa. Nếu dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát, toàn bộ cửa hàng tại Áo sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 2/5, còn các nhà hàng sẽ mở cửa vào giữa tháng 5.

Tuy nhiên, khách hàng vẫn phải đeo khẩu trang và tuân thủ quy tắc giãn cách nghiêm ngặt, trong đó chỉ có một người trên mỗi 20 mét vuông. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết đất nước ông đã “đi đúng hướng” và cảm ơn sự kỷ luật của người dân.

"Chúng tôi đang thực hiện những bước đầu tiên để quay trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn còn lâu nữa mới kết thúc", Thủ tướng Áo nhấn mạnh.

Đan Mạch, một trong những nước Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên thực hiện đóng cửa, sẽ mở cửa trở lại các trung tâm chăm trẻ và trường tiểu học từ 15/4 để phụ huynh có thể trở lại làm việc. Tuy nhiên các nhà hàng, quán cà phê vẫn phải đóng cửa. Việc tụ tập quá 10 người bị cấm ít nhất đến ngày 10/5, trong khi các cuộc tụ tập đông hơn có thể phải đợi đến tháng 8.

Một số nước châu Âu vẫn đang tìm cách cân bằng giữa một bên là sự cần thiết của việc bảo vệ người dân và tránh đợt bùng phát dịch thứ hai, và một bên là mong muốn tránh những tác động tồi tệ nhất của một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, một số nước khác vẫn tiếp tục duy trì phong tỏa một cách cẩn trọng.

Tại Đức, số ca nhiễm mới trong ngày 14/4 đã giảm ngày thứ tư liên tiếp, trong khi số người chết ở nước này là 3.495 - thấp hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, các nhà chức trách Đức cho biết hiện vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ hạn chế. Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch, kêu gọi người dân Đức chờ đợi và duy trì kỷ luật với các biện pháp giãn cách xã hội.

Tại Pháp, nước ghi nhận hơn 15.000 ca tử vong do Covid-19, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 13/4 tuyên bố sẽ kéo dài lệnh phong tỏa đến 11/5. Sau đó, các trường tiểu học và trung học có thể lần lượt mở cửa trở lại.

Tuy nhiên các trường đại học tại Pháp sẽ vẫn đóng cửa và thực hiện học trực tuyến. Các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim vẫn chưa được phép mở lại, trong khi các sự kiện tập trung đông người như các lễ hội vẫn bị cấm cho đến ít nhất giữa tháng 7.

Điều kiện dỡ bỏ phong tỏa

Chuyên gia Pháp nêu 3 điều kiện cần để các nước châu Âu dỡ bỏ phong tỏa - 3

Tình nguyện viên phát khẩu trang cho hành khách đi xe buýt tại Tây Ban Nha. (Ảnh: Getty)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù số ca nhiễm mới đang giảm tại một vài khu vực ở châu Âu, nhưng dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tăng ở Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn WHO Margaret Harris ngày 14/4 cho biết 90% số ca nhiễm toàn cầu xuất phát từ châu Âu và Mỹ.

“Do vậy, chúng tôi chắc chắn dịch vẫn chưa lên tới đỉnh", bà Harris nói.

Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước EU xây dựng chiến lược mở cửa đồng bộ, “phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên để tránh những tác động tiêu cực lan rộng”, vì nếu không thực hiện như vậy có thể dẫn đến những đợt dịch mới.

Giới chuyên gia lo ngại các chính phủ sẽ không thể chống đỡ trước áp lực kinh tế, do vậy sẽ dỡ bỏ phong tỏa quá sớm, từ đó tạo điều kiện cho dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

"Dỡ bỏ hạn chế quá nhanh có thể dẫn đến sự bùng phát nguy hiểm trở lại của dịch", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.   

Christian Brechot, chủ tịch Viện Pasteur và là cựu chủ tịch Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp (INSERM), cho rằng các nước phải "thật từ tốn và thận trọng" với loại virus mà nhiều quốc gia từng đánh giá thấp.

AFP dẫn lời Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu hội đồng khoa học virus corona tham vấn cho chính phủ Pháp, cho biết có một số điều kiện tiên quyết trước khi các nước quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiềm tỏa.

Thứ nhất, số ca mắc Covid-19 nằm trong diện chăm sóc tích cực cần giảm đáng kể. Điều này giúp các nhân viên y tế kiệt sức có thời gian nghỉ ngơi cần thiết và cho phép các bệnh viện có thể bổ sung thiết bị và vật tư.

Thứ hai, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19, tức số người mà một người nhiễm bệnh có thể lây nhiễm, cần phải giảm xuống dưới 1, so với 3,3 vào thời điểm dịch mới bùng phát.   

Thứ 3, cần có đủ khẩu trang để bảo vệ người dân và bộ xét nghiệm để theo dõi chặt chẽ tình hình lây lan. Ví dụ, ở Pháp, số ca sàng lọc cần tăng từ 30.000 xét nghiệm mỗi ngày lên 100.000, thậm chí 150.000 mỗi ngày vào cuối tháng 4.

Thành Đạt

Theo AFP, Guardian