1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia: Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên máy bay gấp 2-3 lần do Omicron

Minh Phương

(Dân trí) - Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đối với các hành khách trên máy bay do biến chủng Omicron cao hơn 2-3 lần so với Delta, một cố vấn y tế của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quôc tế (IATA) cho biết.

Chuyên gia: Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên máy bay gấp 2-3 lần do Omicron - 1

Nhân viên khử khuẩn trên một máy bay (Ảnh: Bloomberg).

Bloomberg dẫn nhận định của ông David Powell, bác sĩ và cũng là cố vấn y tế của IATA, giống ở các môi trường khác, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do biến chủng Omicron đối với hành khách trên các chuyến bay có thể cao gấp 2-3 lần so với nguy cơ nhiễm biến chủng Delta. Nguy cơ lây nhiễm ở khoang hạng phổ thông - nơi tập trung đông người hơn - cao hơn so với ở khoang hạng thương gia.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nguy cơ lây nhiễm trên máy bay vẫn thấp hơn so với ở những nơi tập trung đông người trên mặt đất như trung tâm thương mại. Điều này là bởi các máy bay chở khách hiện đại có trang bị hệ thống lọc không khí giống bệnh viện.

Ông khuyến cáo, các hãng hàng không cần tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định như đeo khẩu trang bắt buộc trên máy bay. Theo ông, khẩu trang y tế có hiệu quả ngăn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao hơn so với khẩu trang vải.

Ngoài ra, hành khách nên hạn chế tiếp xúc, hạn chế chạm vào các bề mặt, hành khách ngồi gần nhau nên tránh bỏ khẩu trang cùng một lúc vào bữa ăn, chỉ tháo khẩu trang khi thực sự cần thiết.

Chuyên gia y tế này cũng khuyến nghị mọi người tiêm chủng đủ hai liều tiêu chuẩn hoặc tiêm liều tăng cường.

Trả lời câu hỏi liệu phi hành đoàn có cần thiết phải mặc trang phục bảo hộ, kính chắn giọt bắn hay không, ông Powell cho rằng điều này không cần thiết bởi thời gian qua ghi nhận rất ít trường hợp lây nhiễm Covid-19 giữa hành khách với phi hành đoàn. Mặc dù vẫn có những trường hợp lây nhiễm, nhưng con số đó rất nhỏ.

Trước đó, theo một nghiên cứu hồi tháng 8 của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, tỷ lệ lây nhiễm trên máy bay đối với người đã đeo khẩu trang thực tế không quá cao. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Mayo Clinic Proceedings hồi đầu tháng 9 cũng chỉ ra, xét nghiệm Covid-19 trước khi lên máy bay có thể là cách hiệu quả giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Theo nghiên cứu này, thời gian các hạt khí dung tồn tại trong khoang máy bay là dưới 6 phút, trong trường hợp tất cả hành khách xét nghiệm âm tính 72h trước chuyến bay, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 chỉ là 0,1%.

Joseph Khabbaza, chuyên khoa Phổi, Trung tâm y tế gia đình tại Mỹ, nói: "Rủi ro sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta áp dụng các biện pháp phòng ngừa khi đi du lịch. Chúng ta cần duy trì khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và tránh cho tay lên mắt, mũi, miệng".

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu đi lại quốc tế có xu hướng gia tăng khi nhiều nước đã mở cửa và lại trùng thời điểm các kỳ nghỉ lễ lớn làm dấy lên lo ngại một làn sóng lây nhiễm mới do biến chủng Omicron gây ra.

Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi và đã lan ra ít nhất 106 quốc gia trên thế giới. Hiện có một số nghiên cứu ban đầu về biến chủng này và đều có chung đánh giá rằng Omicron có khả năng lây lan cao hơn so với Delta. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở những nơi có lây nhiễm cộng đồng, số ca Omicron có thể tăng gấp đôi sau 1,5-3 ngày.