1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyên gia nêu nghi vấn Iran nhầm máy bay Ukraine với máy bay quân sự Mỹ

(Dân trí) - Một chuyên gia quốc phòng Mỹ đã nêu nghi vấn rằng Iran có thể đã bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine hôm 8/1 vì hệ thống radar nhận diện nhầm là máy bay quân sự cỡ lớn của Mỹ, Reuters đưa tin.

Iran công bố video phóng tên lửa tới căn cứ Mỹ
Chuyên gia nêu nghi vấn Iran nhầm máy bay Ukraine với máy bay quân sự Mỹ - 1
Hiện trường vụ máy bay Ukraine chở 176 người rơi không lâu sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Imam Khomeini, Tehran sáng 8/1. (Ảnh: Getty)

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 9/1 cho biết, nước này có bằng chứng từ nhiều nguồn tin tình báo khác nhau cho thấy, Iran dường như đã “bắn nhầm” máy bay Ukraine khiến 176 người thiệt mạng hồi đầu tuần. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói rằng, ông tin vụ rơi máy bay Ukraine không phải do trục trặc kỹ thuật mà do “ai đó đã mắc sai lầm”.

Cùng ngày, một đoạn video dài 19 giây được New York Times đăng tải lại cho thấy khoảnh khắc dường như máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine International Airlines trúng tên lửa trên bầu trời Tehran rạng sáng 8/1.

Bình luận về nghi vấn Iran bắn nhầm máy bay, ông Riki Ellison, chuyên gia quốc phòng tại Mỹ, cho rằng tín hiệu radar của máy bay Boeing khá giống với tín hiệu máy bay vận tải quân sự cỡ lớn của Mỹ. “Quân đội Iran đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng bắn hạ bất cứ vật thể nào giống máy bay quân sự Mỹ. Ai đó có thể đã nhầm lẫn khi xác định nó (máy bay Ukraine) là một máy bay chiến đấu”, ông Ellison nhận định.

Chuyên gia này cũng bình luận, một khi tên lửa đã phóng đi, gần như không thể chuyển hướng chúng kể cả khi lực lượng vận hành mặt đất phát hiện ra sai sót. “Một khi đã bắn đi, mọi chuyện coi như xong”, ông Ellison nói.

CNN dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, máy bay của Ukraine đã bị radar của Iran theo dõi và các dữ liệu vệ tinh của Mỹ cho thấy chiếc máy bay có thể đã trúng tên lửa.

Mỹ hiện có 4 tổ hợp vệ tinh hồng ngoại theo dõi tên lửa trên quỹ đạo và 2 tổ hợp phát hiện tên lửa hồng ngoại tiếp nhận thông tin bí mật từ các vệ tinh của Cơ quan trinh sát quốc gia. Một trong các vệ tinh này được cho là đã cung cấp cho quân đội Mỹ thông tin đường bay của các tên lửa Iran phóng đi hôm 8/1 trong bối cảnh quan hệ hai bên căng thẳng sau vụ Mỹ không kích giết tướng Iran Qassem Soleimani.

Video khoảnh khắc máy bay Ukraine nghi bị trúng tên lửa ở Iran

Iran phản bác nghi vấn

Phản bác nghi vấn bắn nhầm máy bay Ukraine, Iran cho rằng phương Tây đang dùng “đòn chiến tranh tâm lý chống lại Iran”. Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei nói: “Tất cả các báo cáo này là đòn chiến tranh tâm lý chống lại Iran, tất cả các nước có công dân thiệt mạng trên chiếc máy bay có thể cử đại diện tới Iran và chúng tôi hối thúc Boeing cử đại diện tham gia quá trình điều tra hộp đen.

Quá trình điều tra các vụ rơi máy bay thường đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia và nhiều tổ chức khác. Quá trình này có thể kéo dài nhiều tháng để kết luận nguyên nhân vụ tai nạn.

Ông Ali Abedzadeh, người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Iran, cũng đưa ra hàng loạt lập luận để phản bác cáo buộc Iran bắn nhầm máy bay Ukraine. Hai trong số các lập luận đó là thời điểm máy bay Ukraine rơi nhiều máy bay khác cũng đang ở tọa độ đó hay nếu trúng tên lửa tại sao máy bay vẫn có thể cố quay đầu lại sân bay thay vì rơi tự do.

Máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine International Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế ở Tehran lúc 6h12 sáng 8/1 và được cho phép bay lên độ cao gần 8.000m. Máy bay này rơi chỉ khoảng 6 phút sau khi cất cánh. Thông tin điều tra ban đầu cho biết, phi công máy bay không có bất cứ liên lạc nào qua radio với cơ quan không lưu và dường như cố quay đầu máy bay trước khi rơi.

Iran ban đầu cho biết sẽ phối hợp với Ukraine điều tra vụ việc và không cho phép Mỹ tham gia. Tuy nhiên, một quan chức Iran cho biết với Reuters, Iran đã chính thức mời đại diện của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ và nhà sản xuất Boeing tham gia điều tra và phía Mỹ đã đồng ý.

Minh Phương
Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm