1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyên gia Mỹ: Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ “mở khóa” nhiều lĩnh vực hợp tác

(Dân trí) - Chuyên gia Greg Poling, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng nếu Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí trong chuyến thăm Việt Nam tới đây, điều này sẽ có giá trị biểu tượng to lớn và sẽ giúp “mở khóa” cho các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước.


Chuyên gia Greg Poling, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (Ảnh: VOV)

Chuyên gia Greg Poling, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (Ảnh: VOV)

Tổng thống Mỹ Barack Obama có tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam hay không là một trong những chủ đề được các chuyên gia và báo chí trong và ngoài nước đề cập trước chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Mỹ tuần tới.

Báo chí Mỹ gần đây dẫn lời các quan chức chính quyền Mỹ ông Obama đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm được duy trì 3 thập niên qua. Việc dỡ bỏ nằm trong chủ trương của chính quyền Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ an ninh với các đồng minh - một trọng tâm trong chiến lược “xoay” trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vào năm 2014, chính quyền Mỹ đã công bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương, được áp dụng đối với các trang thiết bị vũ khí vì mục đích bảo đảm an ninh hàng hải. Tuy nhiên, có sự lạc quan rất lớn rằng ông Obama sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm.

Một động thái như vậy nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, người nói trong một cuộc điều trân trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 28/4 rằng ông ủng hộ chấm dứt lệnh cấm vận. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Mccain có chung quan điểm như vậy.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, Chuyên gia Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ), nhận định rằng trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ thường đưa ra các quyết định đáng chú ý về chính sách ngoại giao, với mong muốn tạo di sản. Một trong số này có thể là việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thừa nhận rằng đó có cản trở lớn cuối cùng cho quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt-Mỹ.

“Nếu lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, điều này sẽ có giá trị biểu tượng to lớn giống như việc dỡ bỏ rào cản lớn cuối cùng của quá trình bình thường hóa quan hệ. Nó cũng “mở khóa” cho các lĩnh vực hợp tác khác. Tất nhiên, việc dỡ bỏ sẽ không dẫn tới các hợp đồng vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam ngay tức thì”, ông Greg nói.

Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm 10 quốc gia ASEAN

Theo chuyên gia CSIS, Tổng thống Obama rõ ràng muốn có được tiến bộ thực sự trong việc củng cố giai đoạn mới của quan hệ song phương. Nhưng chuyến thăm cũng có ý nghĩ biểu tượng, với các kế hoạch thăm Lào và Việt Nam trong năm nay, ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử tới thăm tất cả 10 quốc gia ASEAN khi tại nhiệm.

“Tôi tin rằng đây sẽ là chuyến thăm lịch sử. Chuyến thăm sẽ giúp khẳng định rằng chiến lược tái cân bằng là thành tựu ngoại giao nổi bật của ông Obama tại Nhà Trắng và việc làm sắc hơn mối quan hệ với Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là trung tâm của chiến lược tái cân bằng”, chuyên gia Mỹ nhận định.

Ông Greg cũng dự đoán rằng chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ được quan tâm trong chuyến thăm này.

“Biển Đông sẽ đề cập trong mọi cuộc gặp quan trọng và chắc chắn Tổng thống Obama muốn đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định cam kết của Mỹ và Việt Nam đối với luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như ủng hộ phán quyết cuối cùng của Tòa Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông”, ông Greg nói.

Theo lịch trình chuyến thăm của ông Obama được Nhà Trắng công bố, các vấn đề an ninh khu vực là một trong những trọng tâm thảo luận trong các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo Việt Nam, bên cạnh các chủ đề như thúc đẩy thương mại, đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường ngoại giao nhân dân, hợp tác giáo dục, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm