Chuyên gia “giải mã” cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh thời dịch corona
(Dân trí) - Tại nhiều nơi trên thế giới, người dân đổ xô mua giấy vệ sinh tích trữ khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm không kém khẩu trang trong giai đoạn dịch virus corona càn quét khắp các châu lục.
“Cháy hàng” giấy vệ sinh
Cảnh tượng người dân xếp hàng dài hoặc tranh nhau mua giấy vệ sinh tại các siêu thị trở nên phổ biến thời gian gần đây ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Úc, Mỹ. Nhiều người đổ xô mua giấy vệ sinh tích trữ dẫn đến tình trạng “cháy hàng” mặc dù giới chức địa phương khẳng định không hề có chuyện thiếu hụt nguồn cung.
Tại Sydney, thành phố lớn nhất của Úc, kệ hàng giấy vệ sinh ở các siêu thị nhanh chóng bị vét sạch chỉ trong vài phút buộc ban quản lý siêu thị phải ra quy định mỗi người chỉ được mua tối đa 4 bịch. Cảnh sát thậm chí phải vào cuộc sau khi một cuộc xô xát xảy ra giữa những người tranh nhau mua giấy vệ sinh.
Trên mạng xã hội, hastag như #bê bối giấy vệ sinh hay #khủng hoảng giấy vệ sinh trở nên phổ biến trong ngày 4/3. Giá mặt hàng này trên mạng cũng tăng vọt lên vài trăm USD mỗi bịch.
Làn sóng tích trữ giấy vệ sinh ở Úc bắt đầu từ cuối tuần trước sau khi Úc ghi nhận thêm các ca nhiễm mới Covid-19 và ca tử vong đầu tiên. Giới chức địa phương khuyến cáo người dân vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập ở nơi đông người để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, đồng thời có thể tích trữ lương thực, nước uống và một số nhu yếu phẩm khác nếu cần thiết.
Trước phản ứng thái quá của người dân, giới chức địa phương hối thúc họ ngừng việc đổ xô mua tích trữ, và nhấn mạnh rằng việc tích trữ giấy vệ sinh không phù hợp vào thời điểm này.
Cuộc “khủng hoảng giấy vệ sinh” không chỉ xảy ra ở Úc, mà còn thấy ở nhiều nơi khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như Nhật Bản, Singapore, Hong Kong. Tháng trước, một băng cướp có vũ trang đã lấy trộm hàng trăm bịch giấy vệ sinh tại một siêu thị. Tại Mỹ, các kệ hàng giấy vệ sinh cũng nhanh chóng trống trơn.
Tại Nhật Bản, người tiêu dùng cũng đổ xô mua giấy vệ sinh sau khi xuất hiện tin đồn trên mạng xã hội rằng, giấy vệ sinh và khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc cạn kiệt do dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Trào lưu này không có xu hướng dừng lại ngay cả khi chính phủ và giới chức trong ngành bác bỏ thông tin về khan hiếm nguồn cung giấy vệ sinh. Đại diện Nippon Paper Industries cho biết: "Không có vấn đề gì xảy ra với sản xuất. Có đủ khăn giấy và giấy vệ sinh. Tất cả nguyên liệu, bao gồm bột giấy, không nhập khẩu từ Trung Quốc nên không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19". Thủ tướng Shinzo Abe cũng kêu gọi công chúng bình tĩnh và khẳng định nguồn cung giấy vệ sinh của Nhật Bản không có nguy cơ cạn kiệt.
Chuyên gia “giải mã”
Các chuyên gia tâm lý tiêu dùng cho rằng, việc đổ xô tích trữ giấy vệ sinh của người dân ở thời điểm dịch bệnh bùng phát chủ yếu là do yếu tố “tâm lý đám đông” bị tác động bởi các thông tin trên mạng xã hội.
Jana Bowden, Phó giáo sư tại Đại học Macquarie cho hay: “Một yếu tố đó là sự sợ hãi gây ra bởi những thông tin trên các phương tiện truyền thông về những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác. Người tiêu dùng đang theo dõi những gì đang xảy ra trên khắp thế giới về dịch virus corona mới. Nếu thấy ai mua thứ gì đó, trong khi bạn thì chưa và nó không có sẵn, bạn có thể cảm thấy hối hận”.
Phó giáo sư Nitika Garg từ Đại học New South Wales đề cập đến tình trạng đổ xô gom giấy vệ sinh ở nhiều quốc gia khác ở châu Á. Ví dụ, tại Trung Quốc, ý nghĩ giấy vệ sinh có thể thay thế cho giấy ăn, giấy lau hoặc thậm chí làm khẩu trang tự chế dẫn đến việc người dân ra sức tích trữ mặt hàng này. Theo bà Garg, tại Úc, làn sóng gom giấy vệ sinh vẫn chủ yếu do tâm lý lo sợ thiếu hụt. Bà cho biết, tình trạng này chưa từng xảy ra ở Úc mặc dù người dân ở đây từng tích trữ nhu yếu phẩm vào thời điểm xảy ra thảm họa tự nhiên như cháy rừng, bão lốc.
“Tuy nhiên, với dịch Covid-19, người dân không thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra và mức độ tồi tệ đến thế nào. Họ muốn chuẩn bị sẵn bởi đó là điều duy nhất họ có thể làm để có thêm một chút yên tâm”, giáo sư Garg nói.
Giáo sư tâm lý học Kazuya Nakayachi tại Đại học Doshisha, Nhật Bản, nhận xét: “Mọi người nghe nói rằng sẽ khan hiếm một loại mặt hàng, nên họ tìm cách mua thật nhiều mặt hàng đó, khiến chúng biến mất trên kệ. Những người đến sau không thấy mặt hàng đó nữa, cũng đổ xô đi săn lùng và cố gắng mua hết những gì còn lại, đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này”.
Minh Phương
Theo BBC, Nikkei