1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia CSIS: Mỹ không “chọc giận” Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Chuyên gia Greg Poling, từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nói rằng quyết định điều tàu của Mỹ nhằm áp sát đảo nhân tạo không phải một hành động khiêu khích hay răn đe, nhưng đó một ví dụ điển hình nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền mơ hồ và quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung.

 


Bãi Xu Bi mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông (Ảnh: CSIS-AMTI//DigitalGlobe)

Bãi Xu Bi mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông (Ảnh: CSIS-AMTI//DigitalGlobe)

Hải quân Mỹ ngày 27/10 đã điều tàu khu trục tên dẫn đường USS Lassen để thực hiện một hoạt động “tự do hàng hải” kéo dài vài giờ bên trong vùng 12 hải lý quanh bãi Xu Bi mà Trung Quốc bồi đắp tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Động thái này thu hút sự chú ý của quốc tế kể từ khi Bắc Kinh thực hiện các hoạt động xây đảo nhân tạo tại đó.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã đưa ra tuyên bố cảnh báo rằng các hành động của Mỹ đã “đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.

Không khiêu khích hay răn đe

Tuy nhiên, chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, cho biết với CNN rằng quyết định điều tàu của Mỹ không phải một hành động khiêu khích hay răn đe.

Theo ông Poling, đó chỉ là một phần trong chương trình hoạt động bình thường của quân đội Mỹ khắp thế giới nhằm khẳng định quyền hoạt động của các tàu dân sự và quân ở bất kỳ đâu luật pháp quốc tế cho phép.

Lầu Năm Góc thực hiện hàng chục chiến dịch tự do hàng hải hàng năm nhằm vào các tuyên bố chủ quyền quá đáng của các quốc gia, từ những đối thủ gay gắt cho tới một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Vào năm 2014, quân đội Mỹ cũng thực hiện các hoạt động này ở Biển Đông.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải gần bãi Xu Bi. Vào năm 2012, Mỹ đã làm vậy tại quần đảo Trường Sa, mà Xu Bi là một phần trong đó. Trên thực tế, các quan Mỹ đã khẳng định thông qua các cuộc thảo luận công khai về việc có thực hiện tuần tra tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm giữ ở Biển Đông hay không là: các hoạt động này của Hải quân Mỹ không mới, và không nhắm vào riêng Bắc Kinh.

Ví dụ điển hình

Tại sao lại diễn ra lúc này và tại sao lại ở bãi Xu Bi?

Kể từ tháng 5, các quan chức Hải quân và Lầu Năm Góc đã hối thúc chính quyền Obama bật đèn xanh cho các hoạt động tự do hàng hải quanh một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông, nhưng Nhà Trắng do dự.

Những tiếng nói thận trọng trong chính quyền lo ngại rằng hành động đó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mà không lại lợi ích gì và rằng điều có thể làm giả khả năng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho các căng thẳng đang gia tăng trong khu vực.

Nhưng việc Tổng thống Barack Obama không đạt được tiến triển vào về vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9 đã làm gia tăng sự ủng hộ đối với các cuộc tuần tra tự do hàng hải.

Chuyến thăm của ông Tập dường như đã thuyết phục nhiều người rằng không có một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Biển Đông, vì lập trường không đổi của Bắc Kinh, và đặc biệt là một tuyên bố rất mơ hồ từ ông Tập rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Xu Bi là một trong 2 bãi đá thích hợp cho các hoạt động tự do hàng hải mới nhất ở Biển Đông, một bãi khác là Vành Khăn. Có hai lý do: Đây là hai bãi ngập nước trước khi Bắc Kinh tiến hành dự án bồi đắp quy mô lớn hồi năm ngoái, và cả hai đều nằm rất xa bất kỳ hòn đảo hay bãi đá tiềm tàng nào để thuộc vùng lãnh hải của một thực thể khác.

Chuyên gia CSIS cho rằng, việc điều tàu không chỉ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà còn thách thức các vùng biển và quyền lợi mà Trung Quốc nghĩ rằng bãi đá đó mang lại. Đó cũng là một ví dụ điển hình nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền mơ hồ và quá đáng mà Trung Quốc đưa ra trên khắp Biển Đông nói chung, dựa trên cái gọi là "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn".

Mới chỉ là bắt đầu

Hi vọng nhất cho một giải pháp hòa bình lâu dài ở Biển Đông là thuyết phục Trung Quốc hiểu rằng nước này đang làm tổn hại các lợi ích lớn hơn của chính mình thông qua việc đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi pháp tại các vùng biển tranh chấp.

Washington đã kiên trì kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc và những người đồng cấp khắp khu vực đưa các tuyên bố chủ quyền tuân thủ với luật pháp quốc tế, và các hoạt động tự do hàng hải này nên là một phần trong mục tiêu đó.

Và phản ứng từ các cơ quan khác nhau của chính phủ Trung Quốc đối với việc điều tàu của Mỹ đang nói lên nhiều điều. Bắc Kinh một mặt bày tỏ sự tức giận đối với sự xuất hiện của chiến hạm USS Lassen gần Xu Bi, nhưng họ cũng đang gặp khó trong việc đưa ra một lý do pháp lý cho những phản đối của mình.

Tất nhiên một lần điều tàu sẽ không thể buộc Bắc Kinh làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình. Trên thực tế, việc chỉ hành động một lần cũng làm suy yếu lập trường của Mỹ rằng các hoạt động tự do hàng hải là bình thường và không khiêu khích. Do đó, dù Bắc Kinh có phản đối thế nào, chắc chắn đây chỉ là sự mở màn cho nhiều hoạt động tự do hàng hải tại quần đảo Trường Sa.

An Bình

 

Chuyên gia CSIS: Mỹ không “chọc giận” Trung Quốc ở Biển Đông - 2