Chuyên gia cảnh báo kịch bản thúc đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân
(Dân trí) - Các chuyên gia phương Tây nhận định Iran có thể đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình như một biện pháp răn đe đối với Israel, nếu căng thẳng giữa 2 bên tiếp tục leo thang.
Theo SCMP, trong vài tuần qua, Iran đã liên tiếp đối mặt với áp lực khi Israel thực hiện hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng vũ trang do Tehran hậu thuẫn như Hamas và Hezbollah.
Ngày 1/10, Iran phóng hàng trăm tên lửa vào Israel trong một cuộc tấn công mà Tel Aviv và Mỹ cho rằng "không hiệu quả".
Nhưng diễn biến này có thể gây ra hậu quả không mong muốn và nguy hiểm, theo các quan chức Mỹ, Israel và Ả Rập. Họ lo ngại Iran sẽ cảm thấy bị dồn vào chân tường cũng như đối mặt với mối đe dọa lớn và Tehran có thể đẩy nhanh tiến trình hạt nhân và theo đuổi vũ khí nguyên tử.
Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ "chỉ phục vụ mục đích hòa bình". Từ năm 2022, Iran từng tuyên bố họ sở hữu kỹ thuật chế tạo bom hạt nhân nhưng chưa có kế hoạch thực hiện điều đó.
Mick Mulroy, một cựu sĩ quan CIA và chuyên gia Viện Trung Đông, cho biết: "Nếu các lực lượng ủy nhiệm (Hamas, Hezbollah, Houthi) không còn hiệu quả cho chiến lược quốc gia của Iran nữa, thì lựa chọn duy nhất còn lại theo quan điểm của Tehran là cố gắng sở hữu vũ khí hạt nhân để tăng cường khả năng răn đe".
Việc sản xuất những vũ khí như vậy sẽ là một bước đi dài hạn hơn đối với Tehran và sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến cục diện cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông. Vật liệu hạt nhân vẫn cần phải được chế tạo và đưa vào đầu đạn mới có thể phóng được. Quá trình này có thể mất nhiều tháng, tùy thuộc vào mức độ tinh vi của thiết bị.
Nhưng kịch bản về khả năng Iran phát triển vũ khí hạt nhân được xem sẽ dấy lên hồi chuông cảnh báo mới về sự leo thang căng thẳng trong khu vực.
Theo các chuyên gia, các bước tiếp theo của Iran cũng có thể phụ thuộc vào cách Israel đáp trả vụ tấn công tên lửa hôm 1/10.
Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cảnh báo trả đũa Iran. Ông Netanyahu đang đối mặt với những lời kêu gọi từ cả công chúng và phe đối lập về việc có biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Thậm chí, ông Naftali Bennett, một trong những đối thủ chính của ông Netanyahu, đã kêu gọi Israel "phá hủy chương trình hạt nhân của Iran".
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ không ủng hộ Israel thực hiện phương án trên.
Tuy nhiên, nếu Iran cảm thấy mối đe dọa ngày càng lớn, họ sẽ có quyết tâm lớn hơn để phát triển bom hạt nhân, các chuyên gia cảnh báo.
Trong trường hợp kịch bản trên xảy ra, nó có nguy cơ làm bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nguy hiểm trong khu vực. Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman từng nói rằng nếu Iran chế tạo vũ khí nguyên tử, đất nước của ông sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo.
Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ước tính rằng khoảng thời gian cần thiết để Iran sản xuất đủ uranium làm giàu cho vũ khí hạt nhân chỉ là 1-2 tuần.
Tehran đã tăng cường làm giàu uranium ngay sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Về lâu dài, vũ khí hạt nhân sẽ "cung cấp năng lực răn đe tối thượng" vì chúng sẽ khiến các đối thủ của Iran phải cảnh giác trước nguy cơ xung đột leo thang, theo Andrea Stricker, phó giám đốc Chương trình Phòng thủ sinh học và Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Quỹ Bảo vệ Dân chủ.