Chuyên gia an ninh: Nhật nên sát cánh với Mỹ để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
(Dân trí) - Nhật Bản và các quốc gia khác nên tham gia với Mỹ để tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, một chuyên gia an ninh Nhật Bản ngày 10/3 tuyên bố.
Các chuyến bay trinh sát và các cuộc tuần tra của Mỹ trong một khu vực nơi Trung Quốc đang cải tạo đất và xây dựng các cơ sở quân sự trái phép đã khiến Washington "lời qua tiếng lại" với Bắc Kinh, vốn đơn phương tuyên bố chủ quyền mơ hồ đối với 90% Biển Đông.
Chuyên gia an ninh Tetsuo Kotani, từ Viện các vấn đề quốc tế tại Nhật Bản, cho biết với Câu lạc bộ các phóng viên quốc tế của Nhật rằng, trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, Tokyo đã đang trợ giúp các đồng minh trong khu vực tăng cường quân đội. Ví dụ, Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra ven biển và sẽ chuyển 10 tàu cho Philippines. Ngay mới đây, Tokyo đã nhất trí cho Philippines thuê 5 máy bay để giúp tuần tra Biển Đông.
Theo ông Kotani, Nhật Bản nên có chiến lược trợ giúp các quốc gia thiết lập một “lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thu nhỏ” và một “lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản thu nhỏ” để tuần tra Biển Đông.
"Nếu các đối tác quốc tế khác tham gia, điều đó sẽ tăng cường tính hợp pháp cho các hành động của Mỹ. Càng nhiều đối tác tham gia thì tác dụng càng tăng”, tờ Stripes dẫn lời chuyên gia trên.
Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph P Aucoin, cũng đưa ra các bình luận tương tự lời kêu gọi trên. Phát biểu trước báo giới hồi tháng trước tại Úc, ông Aucoin nói rằng nếu Úc và các quốc gia khác đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp thì điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho khu vực.
Một nỗ lực tuần tra hàng hải quốc tế sẽ gia tăng áp lực lên Trung Quốc nhằm tuân thủ Công ước quốc tế về Luật biển, vốn đặt ra các nguyên tắc để giải quyết các tranh chấp hàng hải, ông Kotani nói.
Đơn kiện của Philippines đối với đường lưỡi bò của Trung Quốc đang được tòa án quốc tế tại La Hay, Hà Lan xem xét. Nhưng dù tòa án có ra phán quyết có lợi cho Philippines thì ông Kotani dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không tuân thủ.
Lập tam giác phòng thủ
Chuyên gia Kotani cho hay, viiệc Trung Quốc xây đảo nhân tạo nằm trong một nỗ lực, bao gồm việc triển khai tàu ngầm chiến lược tàu đảo Hải Nam, nhằm biến Trung Quốc thành “ao làng” - điều sẽ làm suy yếu sự răn đe của Mỹ và an ninh của Nhật Bản.
“An ninh và thịnh vượng của Nhật Bản phụ thuộc lớn vào an ninh của khu vực và toàn cầu. Đối với Nhật Bản, thách thức số 1 là sự lớn mạnh sức mạnh của Trung Quốc”, ông Kotani.
Các hướng dẫn quốc phòng được sửa đổi gần đây của Nhật Bản, cho phép quân đội nước này tăng cường hợp với Mỹ và các đồng minh, là hình thức đối phó thực tế đối với sự bành trướng của Trung Quốc, ông Kotani nhận định. Các hướng dẫn mới đã tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng Mỹ và Nhật Bản và cho phép hợp tác lớn hơn với các đối tác quan trọng khác như Úc và Ấn Độ.
Nhật Bản muốn thiết lập tam giác phòng thủ với Mỹ và Ấn Độ, cũng như với Mỹ và Úc, ông Kotani cho hay. Tokyo cũng đang tìm cách hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á.
Trên bán đảo Triều Tiên, các quy định quốc phòng sửa đổi cho phép Nhật Bản hỗ trợ tốt hơn các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột.
“Nhật có thể hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng của các quốc gia khác hợp tác với Mỹ, trong đó có quân đội Hàn Quốc”, ông Kotani nói.
Điều đó có thể bao gồm việc cung cấp đạn dược, nhiên liệu, nước uống, hỗ trợ y tế hay các cơ sở thương mại cho các lực lượng khác sử dụng.
“Trước kia, chúng tôi chỉ có thể cung cấp sự hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng Mỹ trên lãnh hải Nhật Bản. Theo các quy định mới, sẽ không có các giới hạn địa lý. Nếu Hàn Quốc cho phép, chúng tôi thậm chí có thể cung cấp sự hỗ trợ bên trong lãnh hải Hàn Quốc. Đó là một sự thay đổi rất lớn”, chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh.
Liên quan tới hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines, Trung Quốc ngày 10/3 đã tỏ ra lo ngại về một thỏa thuận, trong đó Philippines sẽ thuê 5 máy bay của Nhật Bản để tuần tra Biển Đông.
Philippines coi việc hiện đại hóa các lực lượng không quân và hải quân là một ưu tiên, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bánh trướng ở Biển Đông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Nếu các hành động của Philippines nhằm thách thức lợi ích an ninh và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thì Bắc Kinh kịch liệt phản đối”.
Ông Hồng còn cao giọng nói rằng Nhật Bản không liên quan tới vấn đề Biển Đông và đòi Tokyo “phát ngôn và hành động thận trọng để không làm tổn hại tới an ninh và hòa bình khu vực”.
An Bình