Chuyến đi của Tổng thống Ukraine tìm vũ khí "thay đổi cuộc chơi"
(Dân trí) - Trong chuyến công du châu Âu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thuyết phục phương Tây viện trợ cho Kiev những vũ khí được kỳ vọng có thể "thay đổi cuộc chơi" trong xung đột Nga - Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 9/2 kết thúc chuyến công du châu Âu kéo dài hai ngày. Trong chuyến đi này, nhà lãnh đạo Ukraine đã đến Anh, Pháp và Bỉ để dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và gặp gỡ một số nguyên thủ trong khu vực.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, Nga được tin là đã tập hợp lực lượng cho một trận đánh lớn để đánh dấu tròn một năm xung đột. Chuyến thăm là một phần trong nỗ lực của ông Zelensky nhằm kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự.
Ở chặng dừng đầu tiên của chuyến công du tại Anh, ông Zelensky nhận được cam kết mới từ chính quyền Thủ tướng Rishi Sunak, theo đó, London sẽ mở rộng huấn luyện cho phi công và thủy quân lục chiến Ukraine. Chương trình đào tạo giúp phi công Ukraine có thể lái máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO. Theo Guardian, một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh tiết lộ, ông Sunak đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace xem xét những máy bay nào mà Anh có thể chuyển cho Ukraine.
Giới quan sát đánh giá, đây là dấu hiệu cho thấy các nước phương Tây bắt đầu cởi mở hơn với ý tưởng viện trợ chiến đấu cơ cho Kiev và trong tương lai Ukraine nhiều khả năng sẽ được cung cấp khí tài này.
Tại Paris, ông Zelensky đã gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước khi tới Brussels dự hội nghị thượng đỉnh. Ông nói, Pháp và Đức có cơ hội trở thành "những người thay đổi cuộc chơi" trong xung đột Nga - Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí hạng nặng và máy bay chiến đấu hiện đại cho Kiev.
"Chúng tôi nhận được vũ khí hạng nặng tầm xa và các phi công của chúng tôi nhận được máy bay hiện đại càng sớm, cuộc chiến này sẽ kết thúc càng nhanh", Tổng thống Zelensky nhấn mạnh.
Trong cuộc họp báo chung hôm 9/2 với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, ông Zelensky nói: "Liên quan đến tên lửa tầm xa, đã có một số thỏa thuận nhất định tuy chưa được công bố. Chúng ta sẽ biết điều này khi nó xảy ra". Ông cho biết thêm, sau chuyến công du Anh, quan điểm của các bên đã xích lại gần nhau hơn về vũ khí tầm xa.
Trước đó, Andrii Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho hay các vấn đề về vũ khí tầm xa, máy bay chiến đấu viện trợ cho Ukraine có thể được giải quyết. Ông Yermak cho biết sẽ cung cấp thêm chi tiết sau.
Các nước phương Tây đã cam kết chuyển hàng trăm xe tăng chiến đấu hạng nặng, nhưng Ukraine nói rằng họ cần nhiều hơn thế, cần vũ khí tầm xa, cần chiến đấu cơ để xoay chuyển cục diện chiến sự.
Ngoài hối thúc phương Tây đẩy nhanh tốc độ viện trợ, ông Zelensky cũng kêu gọi EU nhanh chóng kết nạp Ukraine. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Brussels hôm qua, ông gọi tiến trình gia nhập EU là "đường về nhà của Ukraine".
Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine
Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.
Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.
Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.
Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.
Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.
Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.
Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.
Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.
Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.
Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.
Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.
Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.