Chính sách của Biden sẽ khác người tiền nhiệm Trump thế nào?
(Dân trí) - Giới chuyên gia và dư luận kỳ vọng tân Tổng thống Biden sẽ có những thay đổi trong chính sách so với người tiền nhiệm Trump, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho thế giới.
Chính sách đối nội
Giới chuyên gia dự đoán, chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác biệt trong chính sách đối nội của ông Joe Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump, cả về cách thức xử lý với đại dịch Covid-19, chính sách thuế trong kinh tế, vấn đề phân biệt chủng tộc, sở hữu súng đạn, chăm sóc sức khỏe cũng như vấn đề nhập cư…
Các dấu hiệu trong những ngày đầu nắm quyền cho thấy ông Biden rất quyết liệt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trước mắt, ông Biden sẽ tập trung thực hiện cam kết theo đuổi gói trợ cấp Covid-19 mới để nâng mức viện trợ trực tiếp cho người dân lên 2.000 USD/người, mở rộng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ các chính quyền bang và địa phương, bên cạnh các gói cứu trợ bổ sung cho doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, khi còn tại vị, ông Trump ban đầu tỏ ra chủ quan với đại dịch và cho rằng "đại dịch sẽ sớm biến mất".
Về chính sách thuế, ông Trump thực hiện cắt giảm, thậm chí miễn thuế cho các doanh nghiệp vì cho rằng Mỹ là quốc gia đánh thuế cao nhất thế giới. Ông Biden có quan điểm ngược lại, đánh thuế cao đối với các doanh nghiệp và không để cho công ty nào đóng thuế thấp hoặc "không đóng thuế mà vẫn kiếm được hàng tỷ USD".
Với các cuộc biểu tình sắc tộc, ông Trump luôn chỉ trích và cho rằng đó là "những kẻ côn đồ". Trong khi đó, Biden lại có quan điểm ôn hòa, ông cho rằng cần thay đổi chính sách để cải thiện bất công chủng tộc. Theo ông, "biểu tình không cần thiết sẽ không chữa lành vết thương cho chúng ta. Chúng ta cần chấm dứt bạo lực và đến với nhau một cách hòa bình để đòi công lý".
Ông Biden cũng sẽ thực hiện chính sách siết chắt luật lệ về súng đạn, nhằm chấm dứt bạo lực súng đạn tại Mỹ, mặc dù người tiện nhiệm Trump dường như né tránh việc kiểm soát súng đạn và cho rằng, cho dù kiểm tra lý lịch chặt chẽ đến đâu đi nữa cũng không ngăn được bạo lực súng đạn.
Sau khi lên cầm quyền, ông Trump hủy bỏ chính sách "Obamacare" về chăm sóc sức khỏe của người tiền nhiệm Obama và cho đó là một "thảm họa". Tuy nhiên, chính sách chăm sóc sức khỏe người dân sẽ được ông Biden tiếp tục mở rộng, như ông từng nói: "Tôi nghĩ một trong những điều quan trọng nhất là thông qua ACA", tức Đạo luật Obamacare.
Ông Trump sử dụng chính sách siết chặt nhập cư, vì theo ông "… sự hào phóng bị lạm dụng của những kẻ vi phạm pháp luật, bất chấp luật lệ của chúng ta, vi phạm biên giới của chúng ta, xâm nhập vào đất nước chúng ta một cách bất hợp pháp". Nhưng ông Biden lại sẵn sàng chào đón người nhập cư và khẳng định: "Sẽ không có một bức tường nào khác dưới thời của tôi".
Sự khác biệt chính sách của Biden so với Trump cả trong các vấn đề khác, chẳng hạn như vấn đề nạo phá thai. Ông Biden ủng hộ sự lựa chọn nạo phá thai của phụ nữ và cho rằng, quyền sinh sản là quyền hiến định, phụ nữ nên có quyền đó. Trong khi đó, ông Trump cấm nạo phá thai và kêu gọi "bảo vệ trẻ em chưa sinh ra bằng mọi cách".
Chính sách đối ngoại
Những gì thể hiện qua cuộc tranh cử tổng thống vừa qua và sự lựa chọn nội các cho nhiệm kỳ của mình cho thấy sự khác biệt trong chính sách đối ngoại của ông Biden so với ông Trump ở chỗ ông sẽ nghiêng theo hướng chú trọng đa phương và trấn an các đồng minh.
Với Trung Quốc, Biden vẫn coi Trung Quốc là đối thủ và theo đuổi mục tiêu khiến Bắc Kinh "hiểu rõ rằng có những quy tắc quốc tế họ phải tuân theo". Tuy nhiên, ông Biden dự kiến có cách tiếp cận mềm mỏng hơn Trump, chỉ sử dụng thuế quan "khi cần thiết", coi trọng xây dựng mạng lưới và củng cố liên minh; nỗ lực ngăn chặn một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" giữa hai nước. Trong khi Trump thậm chí tuyên bố lựa chọn chính sách "tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc".
Riêng đối với Nga, ông Trump lại có chính sách mềm mỏng và "tin tưởng" Tổng thống Nga Putin, còn ông Biden được cho là sẽ có hướng tiếp cận cứng rắn như ông từng nói: "Chúng ta phải bắt Nga trả giá vì vi phạm các chuẩn mực quốc tế" - điều khiến phát ngôn viên Tổng thống Nga cho rằng họ không kỳ vọng có "điều gì tích cực" từ sự thay đổi chính quyền ở Mỹ.
Ông Trump cũng có chính sách mềm mỏng với Triều Tiên, còn Biden có lập trường cứng rắn với nước này tựa như Obama. Ông Biden tuyên bố sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên, nhưng không phải để theo đuổi "dự án phù phiếm như Trump", mà là một phần của chiến lược thực tế nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa.
Với thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi ông Trump rút khỏi, ông Biden sẽ tích cực tham gia và có những động thái cứu vớt thỏa thuận. Ông Biden cho rằng: "Nếu Tehram tuân thủ thỏa thuận nghiêm ngặt, tôi sẽ tham gia lại".
Với các đồng minh trong khối NATO, ông Trump muốn rút khỏi khối vì cho rằng không có sự công bằng trong đóng góp giữa Mỹ và các nước khác trong khối. Tuy nhiên, ông Biden sẽ đảo ngược chính sách này của ông Trump, Mỹ tiếp tục lãnh đạo liên minh, vì "Không có chúng ta, hiệp ước có thể sụp đổ".
Ông Trump chủ trương rút quân hoàn toàn khỏi cuộc chiến ở Afghanistan và Syria, đưa binh lính Mỹ ra khỏi những cuộc chiến mà ông cho là vô nghĩa, hơn nữa, các lực lượng do Mỹ bảo trợ đã được cung cấp thiết bị và tiền bạc để chiến đấu. Ông Biden muốn tiếp tục cuộc chiến tại khu vực này vì "nhiệm vụ chống khủng bố lâu dài".
Trái ngược quan điểm của Trump về biến đổi khí hậu, ông Biden cho rằng, biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và sẽ đưa Mỹ trở lại hiệp định, "Tôi sẽ đưa nước Mỹ trở lại việc dẫn đầu thế giới về biến đổi khí hậu. Tôi sẽ thách thức các quốc gia khác thực hiện cam kết về khí hậu". Sau khi nhậm chức, ông Biden dự kiến sẽ công bố chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu trong vài ngày tới.
Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ đưa Mỹ trở lại trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vốn bị Trump chỉ trích và rút khỏi.
Ông Biden cũng có thể cân nhắc tham gia Hiệp định TPP, và theo ông: "Chúng ta cần đàm phán lại các phần của thỏa thuận liên quan đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ với những quốc gia Thái Bình Dương".
Như vậy, chính sách đối nội, đối ngoại của ông Biden có sự khác biệt căn bản so với người tiền nhiệm Trump. Chính sách đó có đúng đắn hay không và khả năng của ông Biden trong việc vượt qua những trở ngại trong quá trình triển khai sẽ không chỉ định hình những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông mà còn định hình cả vai trò của nước Mỹ trên thế giới trong những năm tới.