Chile sắp hoàn tất cuộc giải cứu kỳ diệu, cả thế giới dõi theo
(Dân trí) - Với tốc độ phi thường và tiến trình thực hiện hoàn hảo, 31 trong số 33 thợ mỏ Chile đã được kéo lên từ hơn 600m dưới lòng đất sau thời gian bị mắc kẹt kỷ lục trong lịch sử. Cả thế giới dõi theo cuộc giải cứu chưa từng có này.
Đến tối qua (theo giờ địa phương), chỉ còn 2 thợ mỏ dưới lòng đất. 31 người, gồm những lớn tuổi nhất và trẻ nhất, đã lần đầu tiên được hít thở không khí mát lành và đoàn tụ với những người thân đang chờ đợi ở trên, trong nỗi hân hoan vô bờ, sau 69 ngày bị nhốt dưới lòng đất âm u. Không có ai sống sót lâu đến như thế trong lịch sử khai thác mỏ như 33 người thợ mỏ này.
Bộ trưởng Hầm mỏ Chile nói công tác giải cứu tất cả 33 thợ mỏ đã bị kẹt dưới mặt đất trong hơn 2 tháng qua, có thể hoàn tất vào đêm 13/10 (giờ địa phương). Thợ mỏ đầu tiên được kéo lên mặt đất vào sáng sớm 13/10, không lâu sau lúc nửa đêm qua (giờ địa phương).
Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã có mặt tại hầm mỏ, trước khi người thợ mỏ đầu tiên được giải cứu các thợ mỏ, và ông tuyên bố sẽ ở tại chỗ cho tới khi người đàn ông cuối cùng đã được kéo lên. Ông Pinera nói đất nước ông đã trải qua một đêm kỳ diệu.
Đứng cạnh ông là Tổng thống Evo Morales của Bolivia. Ông Morales nói rằng thợ mỏ người Bolivia bị kẹt, là thợ mỏ duy nhất không phải người Chile, sẽ nhận được trợ cấp xã hội và công việc làm khi trở về quê nhà ở Bolivia.
Những thợ mỏ, bị kẹt dưới lòng đất từ ngày 5/8, đã xuất hiện từng người một, trong tiếng hoan hô vang dội của những người đến giải cứu họ, các giới chức chính phủ Chile và gia đình của họ.
Một số thợ mỏ đã im lặng quỳ xuống cầu nguyện trước khi được đưa đi khám sức khỏe khẩn cấp.
Không chỉ ở Chile, thế giới đang theo dõi và xúc động trước cuộc giải cứu hồi hộp này.
Ngoài những người vợ và bạn gái của những thợ mỏ dựng trại ngay lối vào cổng khu mỏ đã chuẩn bị sẵn những bộ quần áo đẹp để đi đón, phóng viên từ khắp mọi nơi đổ dồn về đây để chứng kiến cảnh những người đàn ông được giải thoát sau hai tháng sống dưới lòng đất.
Tại thủ đô Santiago, hàng đoàn xe bóp còi inh ỏi tỏ lòng vui mừng trước cuộc giải cứu đã được coi là một sự kiện quốc gia. Tại thành phố Copiapo, thị trưởng cho phép trường học được nghỉ để các em chứng kiến cuộc cứu nạn đầy xúc động.
Toàn bộ các đài truyền hình ở Bắc Mỹ đến châu Âu và vùng Trung Đông đều chiếu trực tiếp cảnh giải cứu phức tạp và vô tiền khoáng hậu này.
Tổng Thống Mỹ Barack Obama là một trong những khán giả theo dõi cuộc giải cứu. Từ Nhà Trắng, ông Obama nói công tác cứu mạng này vinh danh quyết tâm của các nhân viên cứu hộ và của chính phủ Chile và quyết tâm của nhân dân Chile là nguồn cảm hứng đối với thế giới.
Tại Roma, Đức giáo hoàng Benedict đề nghị các buổi cầu nguyện cho niềm hy vọng rằng cuộc giải cứu sẽ tiếp tục thành công.
Sau hơn hai tháng bị giam dưới độ sâu gần 700 m, những người sống sót phi thường sẽ làm gì?
Trong khi theo dõi diễn tiến ở Chile, cả thế giới cũng đang tò mò về những thử thách mà các thợ mỏ đã trải qua, tiếng tăm khi họ đã thoát nạn và công việc mà họ sẽ làm khi ra khỏi hầm tối.
Tâm sự trước khi được kéo lên mặt đất trong một thiết bị đặc biệt, một số thợ mỏ nói dự định đầu tiên của họ là dành thời gian nghỉ ngơi với gia đình. Một số khác thì lại dự định sẽ đi du lịch cùng với vợ ở trong nước, có người thì định sẽ đi hành hương hay đi nghỉ trăng mật, cũng có người dự tính sẽ cưới vợ.
Tiếp đó, các thợ mỏ sẽ được hưởng món quà mà có người đã hứa đó là một chuyến du lịch Hy Lạp cho hai người, một vé đến xem trận bóng đá của câu lạc bộ Real Madrid, và một vé xem trận Manchester United. Như vậy là các thợ mỏ sẽ được đi một vòng qua châu Âu. Đa phần trong số họ đều chưa lần nào ra khỏi Chile.
Vấn đề mà các thợ mỏ sẽ gặp phải là sự quan tâm quá mức của báo chí. Đây là điều mà trước đây chưa hề có đối với họ. Ngược lại, gia đình của các thợ mỏ này thì đã quá quen với việc bị quấy rầy trong thời gian qua.
Có lẽ một số thợ mỏ sẽ đổi nghề, nhưng phần lớn vẫn muốn tiếp tục với nghề mỏ vì họ đã coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình.