1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật pháp lý mới của ông Trump có làm thay đổi kết quả bầu cử?

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Trump đang dựa vào các cáo buộc gian lận bầu cử để không công nhận chiến thắng của đối thủ Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Chiến thuật pháp lý mới của ông Trump có làm thay đổi kết quả bầu cử? - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Thời báo Phố Wall nhận định, rất ít tòa án can thiệp giải quyết các yêu cầu mà chiến dịch của Tổng thống Donald Trump đưa ra, như ngăn một bang công nhận chiến thắng của ứng viên Dân chủ Joe Biden.

Đội ngũ luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này đã đề nghị một thẩm phán ở bang Pennsylvania làm một việc chưa từng có tiền lệ đó là không công nhận kết quả bầu cử tại bang này với cáo buộc ủy ban bầu cử đã gian lận khi không cho các quan sát viên của đảng Cộng hòa giám sát việc kiểm phiếu.

Chiến dịch của ông Trump cũng theo đuổi chiến thuật tương tự ở bang Michigan. Đơn kiện phản đối việc kiểm đếm những lá phiếu vắng mặt, cáo buộc một nhân viên đã hướng dẫn cử tri bỏ phiếu cho ông Biden.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, chiến thuật mới này dường như cũng không giúp ích được cho ông Trump. “Tôi nghĩ điều này chưa từng có tiền lệ. Vụ kiện này khó thành công”, Daniel Tokaji, chuyên gia về luật bầu cử của Đại học luật Wisconsin, nhận định khi đề cập đến vụ kiện của ông Trump ở Pennsylvania.

Đội ngũ của ông Trump lập luận, lẽ ra phải ngăn giới chức Pennsylvania công nhận kết quả bầu cử ở bang mà ông Trump thua ông Biden gần 50.000 phiếu phổ thông. Ngoài ra, chiến dịch của ông Trump cũng đề nghị không tính toàn bộ phiếu bầu qua thư và phiếu bầu vắng mặt ở 7 hạt của Pennsylvania, trong đó có Allegheny, thành phố Philadelphia với lý do các quan sát viên không được giám sát gần hoạt động kiểm phiếu.

Giống nhiều bang khác, luật bầu cử của Pennsylvania cho phép các quan sát viên của hai đảng và các ứng viên được phép giám sát trong quá trình xử lý và kiểm các phiếu bầu vắng mặt và phiếu bầu qua thư. Tuy nhiên, giới chức bầu cử ở Pennsylvania một số nơi khác đã điều chỉnh quy định này với lý do giữ khoảng cách phòng dịch Covid-19, theo đó, quan sát viên phải đứng cách nhân viên kiểm phiếu ít nhất 2 mét.

Ông Trump không phải chính trị gia đầu tiên tìm cách đảo ngược thất bại bằng các vụ kiện nhằm vào việc kiểm phiếu bầu qua thư. Năm 2000, ứng viên Dân chủ Al Gore đã đệ đơn kiện đề nghị kiểm lại phiếu tại Florida sau cuộc đua sít sao với ứng viên Cộng hòa George W. Bush. Phán quyết của Tòa án Tối cao sau đó đã mang lại chiến thắng cho ông Bush và kéo theo nhiều tranh cãi khi ứng viên đắc cử với nhiều phiếu đại cử tri hơn nhưng lại ít phiếu bầu phổ thông hơn.

Tại Minnesota, phán quyết của tòa án cho phép kiểm lại phiếu mang lại chiến thắng cho ông Al Franken trong cuộc đua vào Thượng viện năm 2008. Tuy nhiên, những tranh cãi pháp lý sau đó khiến ghế Thượng nghị sĩ bang này bị bỏ trống tới 6 tháng.

Michael Morley, giảng viên luật bầu cử tại Đại học Florida, nhận định tòa án dường như sẽ không can thiệp để ra phán quyết kết quả bầu cử hay phiếu bầu không hợp lệ chỉ dựa trên cáo buộc quan sát viên không được tiếp cận hoặc đứng quá xa khu vực kiểm phiếu. Hơn nữa, ông Morley cho rằng, kể cả tòa án can thiệp thì điều này cũng gần như không thể tác động đến kết quả bầu cử.

Theo tính toán và dự đoán của truyền thông Mỹ, ứng viên tổng thống Dân chủ Joe Biden hiện giành được 290 phiếu đại cử tri - số phiếu đủ để đắc cử tổng thống, trong khi đó ông Trump giành được 217 phiếu đại cử tri. Xét về phiếu bầu phổ thông, ông Biden hiện hơn ông Trump khoảng 5 triệu phiếu.